Báo cáo môi trường quốc gia “tố” thủy điện

Bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai bị “tố” là thủ phạm làm gia tăng xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai. Ảnh minh họa: Địa điểm từng dự kiến xây dựng thủy điện 6&6A
Bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai bị “tố” là thủ phạm làm gia tăng xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai. Ảnh minh họa: Địa điểm từng dự kiến xây dựng thủy điện 6&6A
TP - Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường nước mặt của Bộ TN&MT 'tố' các công trình thủy điện đang gây ra những tiêu cực không nhỏ tới môi trường tự nhiên cũng như hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nhất là vào mùa khô.

Gia tăng xâm nhập mặn

Cùng với dân số và quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và sử dụng nước, suy giảm chất lượng rừng, khai thác khoáng sản, thủy điện được xếp vào một trong năm tác nhân gây ra tiêu cực không nhỏ với môi trường nước hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hết năm 2012, cả nước có 1.110 công trình và dự án thủy điện được quy hoạch với 239 công trình đã vận hành, 217 công trình đang thi công.

Báo cáo chỉ ra, việc thay đổi quy hoạch các bậc thang thủy điện thời gian qua chưa xem xét đến hiệu quả tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác tổng thể nguồn nước, điển hình như bậc thang thủy điện Đồng Nai 2 và Đồng Nai 6. 

Đây là thủ phạm làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông này, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của một số Nhà máy nước đặt tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và Nhà máy nước Thủ Đức (TPHCM). Nguyên nhân là bởi nguồn nước phía thượng lưu sông bị chặn bởi các công trình thủy điện, không đủ nước cấp cho khu vực hạ lưu đẩy nguồn mặn ra xa.

Theo ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng Dự báo Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), xâm nhập mặn ở sông Đồng Nai thường xuyên hơn, tiến sâu hơn sau khi có hệ thống các bậc thang thủy điện. 

Trước đây, xâm nhập mặn trung bình tiến sâu khoảng 40km. Nay có thể vào sâu đến 50km, cao điểm vào tháng 3, 4 – trước mùa mưa, độ mặn ở mức ba đến bốn phần nghìn. Nguyên nhân là triều cường kết hợp cùng với hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai làm mức nước ở hạ lưu giảm xuống về mùa khô.

Gây ra nguy cơ về địa chấn

Cách đây năm ngày (12/1/2014), tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà Mi, Quảng Nam) lại xảy ra động đất. Đây là hiện tượng tiếp theo của chuỗi các trận động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực này, sau khi xây dựng thủy điện. 

Báo cáo chỉ ra, việc thiếu các quy định cụ thể trong xây dựng và vận hành hồ chứa thủy điện đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực như làm thay đổi chế độ thủy văn, gia tăng ô nhiễm tại hạ lưu các sông, thậm chí gây ra những nguy cơ về địa chấn, động đất kích thích.

Ngoài ra, việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác thiếu sự xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến các hệ sinh thái và hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên các lưu vực sông. 

Điển hình là việc chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang nhóm sông Đông Nam bộ đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và nhu cầu cấp nước đô thị ở hạ lưu. Việc phát triển thủy điện gắn liền với chuyển đổi đất rừng gây ra suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên. 

Diện tích đất giao cho 1.000 dự án thủy điện vừa và nhỏ là 109.569 ha, trong đó đất rừng là 32.373ha. Giai đoạn 2006-2012, chuyển đổi 19.792 ha đất rừng sang xây dựng thủy điện trong khi việc trồng mới thay thế chỉ đạt 3,7%.

MỚI - NÓNG