Sáng 2/8, lãnh đạo bệnh viện đa khoa Thành An – Sài Gòn đã tổ chức cuộc họp với toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện. Một số y, bác sỹ cho biết, cuộc họp bàn xoay quanh vấn đề chế độ, lương. Theo tìm hiểu của phóng viên, phía lãnh đạo bệnh viện đã thống nhất trả trước 3 tháng lương để các bác sỹ, nhân viên trang trải cuộc sống rồi sau đó sẽ dần thanh toán hết.
Trong khi cuộc họp diễn ra tại tầng 3 của bệnh viện thì rất nhiều bệnh nhân đến khám nhưng được thông báo là bệnh viện nghỉ để họp. Không ít bệnh nhân vượt gần 100km đến rồi trở về mà không được thăm khám. Tại các dãy hành lang bệnh viện vắng tanh, các khoa khám chữa bệnh đều khóa trái cửa. Ghế ngồi chờ thường ngày của bệnh nhân thành chỗ ngồi đợi kết quả cuộc họp của bác sỹ, nhân viên.
Trước đó, sáng 1/8, hàng trăm y, bác sỹ, các nhân viên phục vụ ngừng làm việc, tập trung trong khuôn viên của bệnh viện để tiếp tục phản đối ban lãnh đạo của bệnh viện này chưa trả lương 8 tháng qua. Thời tiết nắng nóng nhưng tất cả nhân viên vẫn kiên nhẫn chờ đợi kết quả trả lời của lãnh đạo bệnh viện.
Một nhân viên bệnh viện Thành An – Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi đã chờ 2 ngày rồi nhưng chưa nhận được câu trả lời của bệnh viện, hầu hết chúng tôi đã có gia đình, đi làm cần có kinh tế để trang trải cuộc sống. Chứ đi làm không nhận lương thế này thì không ai trụ nổi đâu”.
“Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi phản ánh sự việc lên ban lãnh đạo bệnh viện, các lần trước chúng tôi đều nhận được câu trả lời là bệnh viện đang khó khăn nên chưa có tiền trả. Hẹn đến lần này rồi lần khác. Cứ yêu cầu mọi người đi làm, đến tháng thứ 8 mà nguyện vọng của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”, một nhân viên cho biết thêm.
Ngoài việc 8 tháng nợ lương, y, bác sỹ nhân viên còn phản ánh việc lãnh đạo bệnh viện Thành An – Sài Gòn thu số tiền nhận việc nhưng không trả theo hợp đồng ký kết. Một số người muốn vào làm việc ở bệnh viện thì phải nộp số tiền 50 triệu, 70 triệu, 100 triệu tùy theo công việc.
Y sỹ Phan Trọng Toàn (Khoa Đông y – bệnh viện Thành An – Sài Gòn) cho biết: “Tháng 5/2015, sau khi tôi nộp 100 triệu đồng đã được nhận vào làm việc. Theo hợp đồng thỏa thuận, tiền lương Toàn được nhận 1,7 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, và mỗi tháng bệnh viện phải trả lãi cho nhân viên 1% trên số tiền 100 triệu đã nộp, khoảng 1 triệu đồng. Theo cách tính này, mỗi tháng y sỹ Toàn nhận tổng cộng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa có tháng nào y sỹ trẻ này được nhận đầy đủ. Duy chỉ có 3 tháng đầu vào làm việc là tôi được trả đầy đủ nhưng các tháng sau thì không thấy trả. Đi làm không lương, nhiều lúc còn phải nhờ hỗ trợ của gia đình”.
Phiếu thu tiền của bệnh viện Thành An – Sài Gòn đối với chị Trang.
Cũng giống như anh Toàn, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang cũng phải nộp 70 triệu đồng để được vào làm việc nhưng mỗi tháng chỉ Trang chỉ nhận được khoảng 1,8 triệu tiền lương. Được biết, chị Trang nộp tiền từ tháng 4/2015 nhưng chỉ nhận được 4 tháng lương đầu tiên, sau đó tương tự bị ngừng hẳn như anh Toàn. Hiện bệnh viện còn nợ chị Trang 8 tháng lương. Để có số tiền đặt cọc xin vào bệnh viện Thành An – Sài gòn làm việc, gia đình chị Trang phải đi vay mượn từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Hữu Lâm (bố chị Trang, Trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi phải còng lưng trả tiền lãi suất cho ngân hàng. Số tiền xin việc cho con có phải chỉ 70 triệu đâu, chúng tôi còn phải đưa cho người giới thiệu 30 triệu nữa. Tôi cùng con ra đây để đòi lại số tiền từ bệnh viện vì không làm theo thỏa thuận hợp đồng”.
Khuôn viên bệnh viện Thành An – Sài Gòn trong những ngày này vắng ngắt. Bệnh nhân từ các huyện tới khám nhưng lại phải đi về trong thất vọng. Ông Nguyễn Trọng Nam (SN 1962, trú tại Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: “Tôi đi gần 60km xuống đây để khám bệnh tiểu đường nhưng đến nơi nghe người giữ xe nói bệnh viện không làm việc lại phải ra đường đứng đợi để đón xe về. Cứ đi lại thế này thì mệt lắm, có lẽ phải tìm chỗ khác khám thôi. Một số người đến khám như tôi thì họ cũng ngao ngán”.
Tại các khoa, phòng bị dán giấy niêm phong tạm ngừng làm việc. Điều này khiến cho nhân viên, người nhà nhân viên thêm lo lắng.
Bệnh viện ĐK Thành An – Sài Gòn.
Ông Nguyễn Đình Khang (Giám đốc bệnh viện Thành An – Sài Gòn) cho biết: “Việc nợ lương nhân viên là có vì bệnh viện đang gặp khó khăn. Khoản tiền nộp vào để làm việc là khoản tiền học và tiền đảm bảo nhân viên làm việc lâu dài với bệnh viện”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu Đình Cừ (Chánh văn phòng sở Y tế Nghệ An) cho biết: “Sở đã nắm bắt được sự việc và đã tiến hành làm việc trực tiếp với bệnh viện Thành An – Sài Gòn) để đảm bảo quyền lợi của người lao động”.