> Sự cố mặt cầu Thăng Long là nan giải
Ông Nải cho biết, theo mẫu bê tông nhựa tại cầu Nguyễn Văn Trỗi, để tránh bị xô lệch mặt bê tông nhựa phải có lớp polimer bảo vệ ở giữa. |
PGS-TS Đặng Gia Nải , Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giao thông (Hội KHKT Cầu đường Việt Nam) đề xuất như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong.
Thưa ông, việc mặt cầu bị trồi lún, xẻ rãnh như hiện nay có ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của cầu Thăng Long?
Sự cố trên mặt cầu Thăng Long hiện nay sẽ làm nước lọt qua lớp bê tông và thấm xuống dưới. Về lâu dài, tình trạng này sẽ phá hỏng các liên kết cũng như tấm bản thép dầm. Khi đó, khả năng chịu lực của các nhịp bị ảnh hưởng.
Tình trạng xấu nhất là làm cầu bị võng xuống. Khi cầu đã bị võng thì mức độ ảnh hưởng sẽ còn trầm trọng hơn nhiều.
Đây là lý do khiến cơ quan chức năng đang yêu cầu đơn vị quản lý kiểm tra mức độ rung lắc cũng như độ võng của một số nhịp hiện nay.
Thời gian qua, nhà thầu đã nhiều lần sửa chữa nhưng sự cố vẫn nguyên vẹn đâu là nguyên nhân của việc này?
Mặt cầu Thăng Long còn đùn lên từng đoạn Ảnh: Trọng Đảng. |
Mặt cầu Thăng Long được Liên Xô (trước đây) làm theo công nghệ Orthotropic (bản thép có sườn). Toàn bộ mặt cầu được cấu tạo 3 phần, gồm: Lớp bê tông nhựa, lớp polimer và lớp bản thép.
Trong 3 lớp này, lớp polimer có vai trò đặc biệt quan trọng, vì đây là lớp làm chất tạo dính bám giữa hai lớp còn lại. Do được thực hiện đúng kỹ thuật nên gần 20 năm sau khi xây dựng xong, mặt cầu Thăng Long đã sử dụng tốt.
Gần đây, do phương tiện tăng, đặc biệt là xe quá tải qua lại nhiều khiến mặt cầu xuất hiện các vết nứt, nhưng chỉ là nứt bề mặt, không trồi lún, đùn ụ như hiện nay.
Để đảm bảo an toàn giao thông, năm 2009 mặt cầu đã được Bộ GTVT đồng ý cho sửa chữa lại.
Do công nghệ thảm Orthotropic được áp dụng với nhiều cầu nên khi đó Viện chúng tôi đã đề xuất tiếp tục áp dụng công nghệ này.
Nhưng không hiểu sao, sau đó các đơn vị thực hiện lại áp dụng công nghệ của Anh và Singapore.
Theo tôi, áp dụng công nghệ mới cũng được, nhưng trước khi thảm cần thử nghiệm một đoạn. Thử nghiệm nếu thấy ổn mới cho thảm đại trà, nhưng rất tiếc, công đoạn này đã bị bỏ qua. Hơn nữa về nguyên tắc, khi thảm bê tông nhựa trên cầu bản thép cần có một lớp polimer trung gian dày khoảng 4 mm.
Khi thảm dưới nhiệt trên 120o C, lớp polimer có nhiệm vụ ôm chặt lấy chân lớp đá và mặt bản thép, khi đưa vào sử dụng không bao giờ có hiện tượng trượt hoặc xô lệch.
Việc mặt cầu Thăng Long xuống cấp như hiện nay, có nhiều khả năng khi thảm mặt cầu Thăng Long lớp bê tông nhựa nhiều đoạn không đạt được 120 độ C, dẫn đến khi sử dụng xảy ra nứt xẻ rãnh, đùn ụ...
Vậy để việc khắc phục này có hiệu quả, theo ông cần làm gì?
Khắc phục hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long hiện nay là rất khó vì phần lớn mặt cầu đã bị ngấm nước do nứt xẻ rãnh trên diện rộng. Giờ bóc ra hàn vá lại như hiện nay vừa tốn kém lại vừa không sử dụng được lâu.
Biện pháp hiệu quả nhất lúc này là nếu đã bóc chỗ hổng để sửa chữa thì nên nghiên cứu điều chỉnh lại công nghệ đã áp dụng hoặc áp dụng hệ mới, trong đó có lớp phủ của Liên Xô cũ đã làm ở cầu Thăng Long trước đây và đã áp dụng thành công ở cầu Nguyễn Văn Trôi cũng là một trong những phương án có thể xem xét lựa chọn.
Cảm ơn ông!
Trọng Đảng - Phạm Thùy Dương