Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, thời gian qua, VTHKCC bằng xe buýt ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương... Phát triển VTHKCC luôn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm ùn tắc giao thông. VTHKCC bằng xe buýt hiện đang giữ vai trò chủ đạo phục vụ người dân đi lại tại các đô thị ở nước ta, đặc biệt đối với Hà Nội và TP.HCM. Năm 2011, xe buýt Hà Nội đã thực hiện vận chuyển hơn 420 triệu lượt khách. Tại TP.HCM, con số này là 358 triệu.
Cả nước có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt với 627 tuyến xe buýt (499 tuyến nội đô, 127 tuyến kế cận) với trên 8000 xe. Trong số này, Hà Nội có 1.272 xe, TP.HCM có 2.951 xe, 52 tỉnh thành còn lại có hơn 3000 xe.
Mặc dù nhà nước đã có kế hoạch đầu tư phát triển một số loại hình VTHKCC có khối lượng lớn như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn (BRT) tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai gần, khả năng đưa các phương tiện vận tải khối lượng lớn vào hoạt động là chưa nhiều. Chính vì vậy, đại diện Vụ Vận tải cho rằng, VTHKKCC bằng xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò chính trong hệ thống VTHKCC giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Rõ vai trò song vẫn bị “thờ ơ”
Vai trò của xe buýt trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ách tắc, tạo bộ mặt mới văn minh cho đô thị là không thể phủ nhận.
Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường thậm chí còn nhất mạnh: Giải pháp cơ bản để giải quyết tận gốc bài toán ùn tắc giao thông đô thị chính là phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Đáng nói là trong khi vai trò của xe buýt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã và đang được khẳng định thì sự quan tâm của các ban, ngành chức năng với loại hình vận tải đặc biệt quan trọng này dường như lại chưa tương xứng.
Công tác quy hoạch phát triển VTHKCC nói chung và VTHKCC bằng xe buýt nói riêng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Hiện tại mới chỉ có Hà Nội, TP.HCM và một số ít địa phương khác là có quy hoạch và định hướng phát triển VTHKCC. Việc triển khai các văn bản pháp luật cũng như các quy định của Bộ GTVT còn chưa linh hoạt. Hầu hết địa phương chưa chủ động xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt, giảm TNGT, hạn chế ách tắc.
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt còn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ngoài Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác có cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách, còn lại hầu hết các địa phương đều chưa có cơ chế cụ thể. Việc đầu tư điểm dừng đỗ, nhà chờ... đều do doanh nghiệp tự xây dựng. Cũng chỉ có Hà Nội và TP.HCM dành ngân sách lớn hàng năm để trợ giá cho xe buýt.
Ở các địa phương khác, doanh nghiệp phải tự hạch toán kinh doanh nên việc đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ còn nhiều khó khăn. Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT Hà Nội cho biết, mặc dù xe buýt Hà Nội đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển, song hiện vẫn còn thiếu cơ chế chính sách cho việc hỗ trợ mua sắm phương tiện tiên tiến, thân thiện môi trường, các chính sách tạo nguồn tài chính cho vận tải công cộng hoạt động ổn định. Các chính sách để đảm bảo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là với đội ngũ quản lý và hoạt động kiểm tra giám sát cũng còn thiếu rất nhiều.
Nâng chất lượng xe buýt cách nào?
Phát triển VTHKCC bằng xe buýt, đại diện Vụ Vận tải - Bộ GTVT cho rằng trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt của các tỉnh, thành phố song song với việc tăng cường đầu tư phương tiện. Đối với hạ tầng hiện có, xem xét ưu tiên bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt; Ứng dụng công nghệ mới để quản lý, điều hành; Trợ giá cho các tuyến buýt thiết yếu đáp ứng nhu cầu giảm ùn tắc giao thông nhưng có doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí... Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân đi xe buýt.
Phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng: “Người dân ở các đô thị lớn hiện không thiếu phương tiện đi lại nên muốn hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường sử dụng xe buýt công cộng thì phải đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ theo nguyên tắc “cung cấp dẫn đầu”.
Cùng với đó, một chính sách nhất quán về trợ giá lâu dài cho người đi xe buýt chắc chắn sẽ là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xe buýt”. “Phải coi giao thông đô thị là chủ thể của quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Lấy VTHKCC khối lớn làm xương sống cho phát triển đô thị; Quy hoạch phương tiện đi lại phải đi trước quy hoạch hạ tầng giao thông...Việc nhất quán cơ chế chính sách (từ những ưu đãi về kinh tế đến hạ tầng, điều kiện vận hành lưu thông) sẽ tạo điều kiện cho xe buýt phát triển bền vững” - ông Thường nhấn mạnh.
Theo Ngân Anh
GTVT