Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : 

Chống tham nhũng phải tiếp tục làm quyết liệt !

Chống tham nhũng phải tiếp tục làm quyết liệt !
Ngày 27/7, tại Hà Nội, BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiến hành phiên họp lần thứ 4. Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo : công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiếp tục làm quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Tham dự phiên họp có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phiên họp lần này nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2007.

Sau khi nghe ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X ) và Luật phòng chống tham nhũng, tạo được nhận thức tích cực và lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác này.

Từ đó, công tác xây dựng thể chế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp được tăng cường, góp phần ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các bộ ngành, địa phương quan tâm thực hiện; trong đó trọng tâm là thủ tục hành chính đã giảm phiền hà nhũng nhiễu và hạn chế những tiêu cực.

Đối với việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng được các cơ quan triển khai tích cực; các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã tập trung xử lý nghiêm minh, nhanh chóng các vụ, việc tham nhũng được phát hiện.

Riêng 8 vụ án trọng điểm đã đưa ra xét xử 3 vụ ( vụ Mai Văn Dâu, vụ Mạc Kim Tôn và vụ đất đai ở Đồ Sơn-Hải Phòng), 2 vụ chuyển hồ sơ xuống địa phương chuẩn bị xét xử ( vụ Lương Cao Khải và vụ PMU18), 3 vụ đã kết thúc giai đoạn điều tra ( vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ Nguyễn Đức Chi và vụ điện kế điện tử).

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiếp tục làm quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều chỉnh và tích cực thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của mình; xác định rõ những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, những nội dung công việc cần chỉ đạo; phân công rõ trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân...

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cho phù hợp, giảm tình trạng " xin- cho" , trước hết là trong lĩnh vực quản lý đất đai (đây là một là nguyên nhân gây thất thoát, tham nhũng, tiêu cực và khiếu kiện của nhân dân), xây dựng cơ bản; đồng thời rà soát việc quản lý tài chính ngân sách như: chế độ xăng dầu, ô tô, tiếp khách... cho phù hợp, ngăn ngừa tiêu cực trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo làm quyết liệt công tác cải cách hành chính, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý các hành vi tham nhũng có đơn thư tố cáo, nhất là điều tra xét xử các vụ án đang được dư luận xã hội quan tâm; chú trọng các lĩnh vực và địa bàn có nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ...

Qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tìm ra những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý của các Bộ ngành, địa phương, những nguyên nhân, điều kiện dễ phát sinh tham nhũng để có biện pháp khắc phục.

Thủ tướng lưu ý các cơ quan tư pháp cần sớm đưa các vụ án trọng điểm ra xét xử; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tiêu cực, tham nhũng... Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tạo bước chuyển biến tích cực, hợp sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

MỚI - NÓNG