Chẳng hạn chuyện Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập được xác định là vào lúc 11 giờ 30 ngày 30 -4. Tuy nhiên, những nhân chứng ở dinh Độc Lập khẳng định không thể như thế vì lúc đó xe tăng chưa vào dinh.
Và hàng loạt thời điểm lịch sử trong lúc đó đều được các nhân chứng nêu ra hoàn toàn chênh nhau đến cả tiếng.
Thậm chí cho đến nay, trong các tư liệu sách báo, hồi ký trong và ngoài nước viết về 30-4 cũng tiếp tục... lộn xộn về giờ giấc.
Tại sao vây?
Câu trả lời là: Khi đất nước bị chia cắt thì giờ giấc hai miền cũng không thống nhất.
Ông Trịnh Tiến Điều, trưởng Ban lịch sử nhà nước cho biết cụ thể như sau: Ngày 1-9 -1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố lấy múi giờ 7 làm giờ chính thức (sắc lệnh số 01/SL của Bộ Nội vụ). Từ đó, miền Bắc và miền Trung lấy múi giờ 7.
Sau đó theo quyết định số 121/QĐ-CP ngày 8-8-1967 thì giờ pháp định của VN Dân chủ Cộng hoà là múi giờ 7 quốc tế, kể từ 0 giờ ngày 1-1-1968.
Trong khi đó, năm 1959, chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 362-TTP ngày 30-12-1959 quy định bắt đầu từ ngày 1-1-1960 giờ chính thức và pháp định của miền Nam VN nhanh hơn 60 phút đối với múi giờ 7.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đến ngày 13-6-1975, Chính phủ cách mạng lâm thời mới ra quyết định chính thức trở lại múi giờ 7, giờ Sài Gòn được vặn chậm lại 1 giờ.
Đến ngày 14-10-2002, Thủ tướng nước CHXHCNVN ra quyết định số 132/2002/QĐ-TTg "lấy múi giờ thứ 7 theo hệ thống múi giờ quốc tế làm giờ chính thức của VN".
Như vậy, trước năm 1975, ở VN sử dụng hai múi giờ khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc theo múi giờ thứ 7, miền Nam theo múi giờ thứ 8 (nhanh hơn 60 phút) cho đến ngày 13-6-1975 mới thống nhất trở lại theo múi giờ 7 như hiện nay.