Sự im lặng khó hiểu

Sự im lặng khó hiểu
TP - Dịch vụ viễn thông từng là lĩnh vực nhanh chóng thoát khỏi thế độc quyền đem lại nhiều sự lựa cho người tiêu dùng. Cách đây khoảng hai chục năm, việc sở hữu một số điện thoại cố định còn là điều xa vời với đa số người dân.

> Khách hàng kêu trời vì bị 'ép' dùng dịch vụ
> Cục Quản lý cạnh tranh kết luận vụ 'bắt tay tăng cước 3G'
> VinaPhone và SHB hợp tác phát hành thẻ tín dụng

Nay tổng số thuê bao điện thoại đã vượt cả dân số quốc gia, lên tới 105 triệu thuê bao, trong đó di động chiếm 93%. Năm 2013 tổng doanh thu viễn thông của Việt Nam ước đạt 9,9 tỷ USD.

Các doanh nghiệp viễn thông năm 2013 lãi hàng chục nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Viettel ước đạt 26.400 tỷ đồng, gấp gần 3 lần VNPT (9.270 tỷ đồng) nơi sở hữu 2 mạng di động khác là Vinaphone và Mobifone.

Việc 3 nhà mạng, hiện gần như độc chiếm thị phần di động Việt Nam, lãi khủng hàng chục ngàn tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ ngành dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ, không những trụ vững trên sân nhà mà còn có thị phần ở một số quốc gia khác.

Càng lớn mạnh, càng ăn ra làm nên, đáng lẽ các tập đoàn này càng phải có cách hành xử chuyên nghiệp, minh bạch với hàng chục triệu khách hàng của họ. Tuy nhiên, rất đáng tiếc một loạt sự kiện vừa qua lại cho thấy điều ngược lại.

Cước 3G bỗng dưng đồng loạt tăng đột biến, có gói tới hơn 300%, trên 3 triệu thuê bao 3G phải móc hầu bao thêm 500-600 tỷ đồng mỗi tháng cho các nhà mạng, người tiêu dùng bất bình.

Tiếp đến là công bố của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã tích hợp dịch vụ nội dung sẵn trên sim điện thoại trả trước mà không cần sự đồng ý của khách hàng, qua đó thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể vấn nạn tin nhắn rác hoành hành, quản lý thuê bao di động trả trước... vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm bớt, gây phiền toái và khó chịu cho khách hàng.

Đáng ngạc nhiên, sau kết luận sai phạm của thanh tra đến nay, khi trả lời chất vấn của phóng viên báo Tiền Phong, đại diện một nhà mạng vẫn thản nhiên cho biết “chưa có kế hoạch khắc phục” sai phạm và “không có ý kiến gì” về kết luận thanh tra. Cách trả lời như vậy liệu có thể hiện trách nhiệm với hàng chục triệu khách hàng? Liệu có coi thường dư luận?

Đúng ra, ngay sau những phản ứng về tăng cước 3G bất thường, ngay sau kết luận sai phạm về việc “ép” khách hàng sử dụng dịch vụ nội dung, hàng chục triệu khách hàng phải nhận được lời giải thích, lời xin lỗi thấu đáo từ 3 nhà mạng, thay vì sự im lặng đến khó hiểu.

Công luận đang đòi hỏi một cách hành xử công khai, minh bạch với hàng chục triệu khách hàng - những người đã và đang đem lại lợi nhuận khủng hàng chục ngàn tỷ đồng cho các nhà mạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG