> Mỗi cuộc nhậu là một trận chiến
> Rượu bia gây bệnh hiểm nghèo như thế nào?
Hồi còn là nữ sinh trung học, tôi sợ nhất là mời bạn bè về nhà. Mỗi lần thấy nhà tôi đông người, là chú đến. Nếu không say xỉn, bá vai hết đứa này đến đứa khác giới thiệu “tôi là chú của Trang”, thì cũng thăm dò xem có ai uống rượu không để tham gia. Mắng chú thì thương, thì thấy có tội. Khuyên chú thì có cả ngàn lần rồi. Rất xấu hổ với đám bạn. Nên Tết đến tâm trạng tôi rất tệ.
Vợ chú chịu đựng đến nỗi không buồn nói nữa. Say về là chú quát tháo, đánh đập. Ít có ngày nào yên. Ngày nào mà chú tỉnh, hiền lành trở lại, là ngày đó vợ chú vui ra mặt. Mấy đứa con chú đang lớn, cãi nhau với chú, thậm chí còn đòi đánh chú. Chỉ vì rượu mà cái nhà này lộn lèo hết quy tắc đạo đức. Tôi cũng buồn vì bất lực nhìn người chú vốn hiền lành thương yêu con cháu, cứ rượu vào là mất hết tự trọng.
Rất ít đêm giao thừa chú ở nhà đón tết, không phải chú không muốn và quá say nên nằm ở bờ đê. Riêng ăn uống mời mọc tất niên chú đã say quắc cần câu rồi. Nếu chú say chưa đến độ nằm bẹp thì thể nào vợ chú cũng cắp nón ra khỏi nhà, nhờ hết người này, đến người nọ can thiệp để được yên đón tết.
Nhìn cái dáng vợ chú gầy đét, tiều tụy, lúc nào cũng hớt ha hớt hải vì bị chú đuổi đánh mà xót xa. Nhiều lần tôi tự hỏi “Có khi nào tỉnh rượu chú thấy thương vợ mình không? Cứ đà này vợ chú xuống mồ rồi chú cũng không kịp tỉnh mà thương”. Mỗi lần nghĩ vậy nước mắt tôi ứa ra. Chỉ cần chú cai rượu, hoặc uống ít đi, không say xỉn thì lập tức gia đình yên ổn, làng xóm yêu mến chú trở lại. Chú vốn hiền lành!
Đã mấy cái tết qua đi, điều ước giản dị của tôi là “mong chú mình cai rượu” vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nói với vợ chú “không lẽ hết cách rồi à”. Vợ chú bảo “lúc còn trẻ đã không cai được, giờ khó thay đổi lắm. Thím chịu đựng quen rồi. Sợ nhất thằng con trai tính khí thất thường cũng vì ức chế với bố rượu, rồi cũng lao vào rượu thì chết”.
Người như chú tôi ở quê tôi không hiếm. Có người suốt ngày chỉ uống rượu rồi chửi vợ, chửi con, gây hấn với hàng xóm. Thanh niên uống còn ác liệt hơn. 18 tuổi trở lên hầu hết đều biết uống rượu. Tôi đến nhà các cô các bác chơi, ai cũng lo lắng chuyện uống rượu của chồng con. Rượu có thể làm cái tết mất vui.
Giờ làng đang triển khai nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm bê tông hóa, sạch đẹp. Nhưng nói đến việc uống rượu, bác trưởng thôn nói: “Cũng nhắc nhở, khuyên răn nhiều rồi. Say quấy phá cũng cho an ninh thôn đến làm việc. Nhưng cấm họ uống rượu lễ tết thì khó vô cùng. Cái này thuộc về ý thức mỗi người”.
Quỳnh Trang
Nghi Xuân, Nghệ An
Lại Mạnh Duẩn (Nhân viên Xí nghiệp xe bus Hà Nội) tâm sự: Dù không uống được nhiều nhưng trong tất cả cuộc vui ít nhiều bị bạn bè ép. Từ chối nhiều quá cũng ngại, đôi khi tôi cũng tặc lưỡi làm vài chén. Nhà tôi cách trung tâm Hà Nội vài chục cây số nên chỉ cần chếnh choáng là đi đường rất nguy hiểm. Tôi sợ nhất ép rượu, nên vào mâm nói ngay từ đầu là không uống được. Dần dần bạn bè hiểu nên ít ép hơn. |