Theo thống kê của y học thế giới, cứ khoảng 500 người dân thì mới có 1 trường hợp bị mắc chứng dị tật bẩm sinh thừa ngón tay, ngón chân. Thế nhưng trong một gia tộc xứ dừa, suốt 6 đời nay nhiều người trong dòng họ này đều mắc chứng bẩm sinh nêu trên.
Theo một bác sĩ có nhiều năm công tác trong ngành y tế của tỉnh Bến Tre, trường hợp “gia tộc” của ông Cống là vô cùng đặc biệt và hiếm thấy. |
Phát hiện con rơi nhờ… nhìn ngón chân
Ông Võ Văn Cống (còn có tên Chín Cống, 71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, chứng dị tật kỳ lạ này có đời cụ ngoại nhà ông và lại bắt nguồn từ phía họ nhà ngoại. “Ngày còn nhỏ thấy mình mỗi bàn tay bàn chân có 6 ngón, của má tôi cũng như vậy nên tôi nghĩ mình là người bình thường.
Đến khi đi học, chơi đùa cùng các bạn, thấy các bạn có 5 ngón, tôi cứ nghĩ các bạn mình mới là người bất thường. Rồi đi săm soi tay chân của cả làng xóm, lúc đó tôi mới hiểu trường hợp những người 6 ngón trong gia đình mình là “độc nhất vô nhị””, ông Cống cười nhớ lại.
Dòng họ của má ông đã mắc chứng thừa ngón tay chân từ vài đời trước. Cha của ông Cống có 20 ngón tay chân bình thường như mọi người, nhưng mẹ của ông thì lại thừa 4 ngón. Sau đời ông Cống, chứng dị tật này giờ đã di truyền sang cả đời cháu của ông. “Như vậy, tính sơ sơ thì ít nhất 6 đời nhà tôi đã có sự khác người”, ông Cống nói.
Thế nhưng không phải tất cả những người trong dòng họ ông Cống đều thừa ngón. Má ông Cống sinh được 9 người con, thì chỉ có ông và người anh trai thứ 3 là di truyền giống mẹ. Con và cháu của người anh thứ 3 này cũng có đặc điểm tương tự. Riêng ông Cống, trong số 12 người con trong giá thú thì có đến 1/3 số người 24 ngón giống như ông. Rồi những đứa cháu của ông cũng tiếp nối mang đặc điểm của các đời trước.
Từ ngày biết đặc trưng của dòng họ nhà mình là thế, cứ mỗi lần đi đâu ra khỏi địa phương là ông lại để ý quan sát ngón tay, ngón chân của người đi đường. Ông khẳng định: “Tôi đã đi khắp đồng bằng Nam Bộ mà không tìm đâu ra người nào có 24 ngón. Nếu có mà cùng họ Võ thì chắc chắn là người cùng họ thất lạc”.
Ông cũng không giấu giếm chuyện từng “léng phéng” bên ngoài, sinh một đứa con trai ngoài giá thú cũng 24 ngón. “Bởi vậy đâu có giấu vợ được. Vừa nhìn thấy tay, chân thằng nhỏ là vợ tôi biết ngay tôi có vợ nhỏ bên ngoài”, ông Cống “khoe”. Vợ ông ngồi cạnh bên liếc mắt nguýt dài: “Chuyện này bộ hay lắm sao mà cũng đem ra kể”. “Tui biết, chuyện đó lâu rồi mà bà cũng đâu còn giận. Cái gì nói thiệt cho chú em nhà báo nó biết chứ đâu có phải khoe khoang”, ông Cống cười hà hà, xoa dịu bà vợ.
Hết bị e ngại nhờ chân sút bóng 6 ngón tài hoa
Ông Cống bảo rằng trước đây nhiều người nghĩ cả nhà ông bị bệnh tật và bị coi là những người … “quái dị” vì tay chân quá nhiều ngón. Nhưng bây giờ những người xung quanh đã quá quen vì họ sinh sống, làm việc chẳng khác người bình thường, thậm chí rất khỏe mạnh. Ông Tám Tần, một bô lão trong làng nhận xét: “Hồi trước thằng Cống đá banh giỏi có tiếng. Nó đá từ xã lên huyện, vừa giỏi chạy cánh, vừa mạnh ném nu (ném biên – PV). Đừng thấy nó chân to, tay bự vậy tưởng nó chậm chạp mà lầm. Nó chạy nhanh, tranh bóng giỏi và sức bền kinh khủng”.
Ông Cống xác nhận câu chuyện trên: “Hồi đó đá giải nông dân nên không bắt buộc mang giày. Tới khi lên huyện, tui phải lội khắp chợ lựa mua giày số lớn nhất mang mới vừa nhưng cũng không thể mang lâu vì rất khó chịu và đau chân. Vừa giải lao là tui lột sạch hết để chân trần”.
Chân sút của cầu thủ 6 ngón Chín Cống đã góp phần lớn trong việc đưa đội bóng của xã trở thành vô địch. Nghe mọi người kể về tài đá bóng của bàn chân 6 ngón, hàng xóm láng giềng không còn e ngại hay có thái độ lánh xa như trước nữa. Nhiều người khoái chuyện lạ, hiếu kỳ lặn lội đường xa đến xem cho biết. Đến cây cầu trước nhà ông người ta cũng lấy tên ông đặt cho dễ nhớ: Cầu ông Chín Cống.
Quan sát bàn tay, chân của ông Cống và các con ông, thấy các ngón tay, chân bố trí rất đều. Nếu không để ý hoặc nhìn kỹ thì khó mà biết là họ có 6 ngón tay, chân. Các ngón chân, tay thứ 6 cũng có xương, cơ, gân, móng và cũng có thể co vào, mở ra; có sức lực, có thể cầm nắm như những ngón bình thường khác. Tuy nhiên, hầu hết các ngón tay thứ 6 đều chỉ có 2 lóng, ngắn hơn ngón út một chút nhưng không phải là mọc nhánh.
Nếu nhìn tổng thể thì bàn tay, bàn chân của người 6 ngón to hơn bình thường chút ít, nhưng họ vẫn cầm nắm dễ dàng, mạnh mẽ. “Điểm chung của những người dư ngón trong gia tộc nhà tôi, từ già đến trẻ, dù trai hay gái là đều thích đi chân đất, không ưa mang dép. Chỉ trừ khi kẹt đi đám tiệc tui mới xỏ chân vào đôi dép, vừa về đến nhà lại lê chân trần trên đất”, ông Cống nói.
Riêng trường hợp người con gái thứ 9 của ông hiện đang ở tuổi đôi mươi nên có phần “ái ngại” về đôi chân thừa ngón của mình. Chính vì nhiều năm khó lòng mang giày dép đẹp như chúng bạn, cô gái đã xin phép gia đình được cắt bỏ những ngón chân thừa. Ông Cống bảo đó là trường hợp duy nhất trong gia tộc đi phẫu thuật cắt bớt ngón chân thứ 6 nhưng tay vẫn giữ bình thường.
Người con trai của ông kể lại: “Hồi 23 tuổi, khi đi hỏi vợ tui mới tìm mua dép vì chú rể không thể đi chân đất. Khổ nỗi đâu phải ra chợ là dễ dàng tìm được đôi giày, dép đúng cỡ để mang. Hồi đó, đứa em bà con của tui làm ở một hãng giày vậy mà lựa mãi cũng khó kiếm cho anh một đôi vừa vặn để mang trong ngày trọng đại. Rắc rối như vậy nên tôi quyết định cứ đi chân không là thượng sách. Tới thằng con tui cũng vậy, không ai dạy tự nó cũng thích đi chân đất”.
Trường hợp hiếm thấy trong y học
Ngón thừa phần lớn là nằm về phía gần xương cẳng tay và cực kỳ hiếm gặp nó nằm ở giữa. Ngón thừa thường tạo thành một cái chạc với ngón đã có (mọc nhánh), hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường. Thông thường khoảng 500 trẻ sơ sinh mới có một trường hợp dư ngón.
Theo một bác sĩ có nhiều năm công tác trong ngành y tế của tỉnh Bến Tre, trường hợp “gia tộc” của ông Cống là vô cùng đặc biệt và hiếm thấy. “Tôi đã công tác hàng chục năm trong lĩnh vực nghiên cứu cơ thể con người, đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng cũng chưa thấy có trường hợp nào tương tự.
Nếu có chăng thì trong dòng họ, gia đình cũng chỉ có một người dư ngón ở bàn tay hay bàn chân, chứ ít thấy cả tứ chi. Trường hợp của gia tộc ông Cống tôi có biết trước đây vì có lần gia đình ông nhập viện điều trị bệnh. Khi mới phát hiện những bàn tay chân thừa ngón hết sức đều đặn của họ tất cả y, bác sĩ ai cũng ngạc nhiên. Đây quả là một hiện tượng đột biến gel nhưng có yếu tố di truyền cực kỳ hiếm thấy”, bác sĩ này nhận định.