Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều 'ôm nợ'

Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều 'ôm nợ'
TP - Tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngân sách đã trở thành tâm điểm của phiên chất vấn hôm qua tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội.

> Đầu tư tràn lan, gây thất thoát là có thật
> Hà Nội thành lập 2 quận mới: Giá đất có tăng?

Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều “ôm nợ”

Không thỏa mãn với trả lời có phần “dễ dàng” của ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội về tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) cho rằng, số tiền nợ đọng XDCB hiện nay đã lên tới trên 3.246 tỷ đồng là thực sự rất đáng lo ngại.

“Tại sao thành phố đã chỉ đạo, cảnh báo nhiều lần nhưng số nợ xây dựng cơ bản vẫn cứ tăng. Có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chạy theo thành tích?”, bà Mai đặt câu hỏi. Lý giải điều này, Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý thừa nhận, việc nợ đọng trên đã gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách.

Lần đầu tiên số tiền nợ đọng của Hà Nội đã lên tới trên 3.246 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án đầu tư không nằm trong kế hoạch! Nhiều đại biểu kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị liên quan...

Theo ông Quý, nguyên nhân do nhu cầu trong 3 năm (2011 – 2013) đầu tư theo phân cấp của 29 quận huyện khoảng 43.000 tỷ đồng, trong khi 3 năm qua chỉ bố trí 19.700 tỷ đồng. Mặt khác tình hình khó khăn về kinh tế, bất động sản đóng băng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất hụt so với dự toán.

Ngoài ra, chủ đầu tư là UBND các quận huyện, sở ngành chưa thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, để nhà thầu thi công vượt kế hoạch đầu tư, chậm quyết toán công trình hoàn thành làm cơ sở thanh toán; một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí; việc bố trí còn dàn trải, phân tán, dẫn đến thiếu vốn.

Thông tin do chính ông Ngô Văn Quý nêu ra tại hội trường về tình trạng có tới 44 dự án ồ ạt triển khai ngay cả khi không nằm trong kế hoạch đã thật sự làm nóng thêm phiên chất vấn.

Ông Quý cho biết: 44 dự án không nằm trong kế hoạch có tổng số tiền lên tới 65,3 tỷ đồng, trong đó huyện Đan Phượng có 38 dự án với số vốn 47,9 tỷ đồng và huyện Phúc Thọ có 6 dự án với số vốn là 17,3 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương (huyện Từ Liêm) chất vấn: “Dự án đang triển khai nhưng thiếu vốn bị dừng để dang dở thì hậu quả ra sao, giải pháp xử lý thế nào?”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị thành phố xử lý nghiêm các trường hợp nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: Minh Tuấn
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị thành phố xử lý nghiêm các trường hợp nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: Minh Tuấn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên đề nghị làm rõ người có trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án chưa được duyệt vốn. “Trách nhiệm để xảy ra tình trạng khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn đầu tư và chưa được thanh toán trước hết là các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; công tác tham mưu quản lý nhà nước và XDCB của các sở, ngành liên quan, chỉ đạo của thành phố đã tích cực nhưng chưa quyết liệt”, ông
Quý nói.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nêu câu hỏi: “Bệnh nợ XDCB có chữa được không và lúc nào thì chữa xong?”. Trước những biểu hiện “nhờn thuốc” của nhiều chủ đầu tư, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị UBND thành phố cần có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng “xé rào” trong đầu tư XDCB, nhất là trong bối cảnh Hà Nội chọn năm 2013 là năm kỷ cương hành chính.

Kỷ cương hành chính ở đâu?

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt khẳng định sự quan tâm của đông đảo các đại biểu và cử tri về nợ đọng XDCB là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề được đưa ra chất vấn.

“Trong số các nguyên nhân mà UBND TP đã trình bày, qua giám sát của thường trực HĐND cho thấy còn một nguyên nhân nữa là nhận thức của cán bộ cấp huyện còn “mù mờ”; kiểm tra, kiểm soát có tình trạng cứ ra văn bản là xong”, ông Hoạt nói.

Kết luận cho nội dung chất vấn về nợ XDCB Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh thực trạng nợ XDCB đến thời điểm này là vấn đề nóng, rất đáng quan tâm. Bà Thanh nêu ra con số, cuối năm 2008, khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính thì con số nợ là gần 2.000 tỷ. Với quyết tâm cao độ của thành phố, số nợ này đã xử lý xong cho đến hết năm 2010. Tuy nhiên, đến hôm nay, báo cáo của UBND TP đưa ra con số nợ lại là hơn 3.200 tỷ.

Trả lời các đại biểu, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho rằng giải pháp là tăng cường quản lý đầu tư, không được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu chưa được bố trí vốn; Chỉ khởi công khi có kế hoạch vốn giao, thực hiện dự án không vượt vốn giao kế hoạch.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu: Trước tiên vẫn cần phân tích kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn, rõ địa chỉ hơn đơn vị, cá nhân sai phạm dẫn đến nợ các cấp và có xử lý nghiêm. Tiếp đó, phải thực hiện đúng quy định nợ cấp nào cấp đó bố trí trả. Phần nợ của thành phố khoảng 1.400 tỷ sẽ phấn đấu trả nợ xong trong năm 2014. Còn phần nợ của quận huyện thị xã cần phải được xử lý trong năm 2014, 2015 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG