Đầu tư tràn lan, gây thất thoát là có thật

Đầu tư tràn lan, gây thất thoát là có thật
TP - Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, cần phân biệt nợ và thất thoát. Vay để đầu tư vào tài sản thì vốn còn đó, chưa thất thoát. Nhưng anh được cấp vốn nhiều, ưu đãi nhiều, lại đầu tư tràn lan, hiệu quả chưa cao, gây thất thoát là có thật.

> Sắp xử hai 'đại án' tham nhũng Dương Chí Dũng và bầu Kiên
> Ông Nguyễn Bá Thanh: Xử nghiêm cán bộ gây khiếu nại - tố cáo

Ngày 2/12, tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà (TP Đà Nẵng), ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, cho biết, “đại án” tham nhũng Dương Chí Dũng sẽ xét xử ngày 12/12, trước Tết xử tiếp vụ bầu Kiên. 

Xử tham nhũng: Phức tạp nhưng sẽ quyết liệt

Hàng loạt ý kiến cử tri tập trung vào vấn nạn tham nhũng, lãng phí, tác hại thủy điện, tăng giá thị trường... Các cử tri kiến nghị tình trạng thủy điện chồng lũ nghiêm trọng, giá cả mặt hàng thiết yếu (lương thực, xăng dầu, sữa…) liên tục tăng, ngành y tế đối mặt hàng loạt vấn đề thuốc giả, y đức, vắc-xin gây mất lòng tin nhân dân; Bộ trưởng y tế đã nhận sai, nhưng giải pháp nào để khắc phục thì chưa rõ ràng. Cần có cơ chế giám sát, lời hứa các bộ trưởng trước dân được triển khai như thế nào, biện pháp, phương hướng và thời gian thực hiện cụ thể...

Cử tri Lê Du Kiếm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), thẳng thắn: tham nhũng trở thành quốc nạn, nhưng đâu là nguyên nhân, các “đại án” xử lý thế nào, hình phạt nặng nhưng chưa “kịch khung” và thích đáng.

Cử tri Nguyễn Nhân (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), đồng tình, với tham nhũng phải làm nghiêm, tăng hình phạt, hướng đến án tử để hạn chế gốc rễ. Cử tri đề nghị nên ban hành cả Luật chống bao che để ngăn ngừa phe nhóm lợi ích, tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thanh, trong Luật phòng chống tham nhũng đã có quy định này.

Ông Thanh cho rằng, triệt tham nhũng muốn lắm nhưng rất phức tạp, không đơn giản. Tuy nhiên hành động phải quyết liệt, thận trọng, xử lý đúng người đúng tội. Đến nay 6 “đại án” tham nhũng đã có kết luận điều tra, hoàn tất và tống đạt cáo trạng.

Vừa rồi, 2 vụ tham nhũng lớn tại Cty cho thuê tài chính II và Vifon đã được đưa ra xét xử, đây là “cú đấm đầu tiên vào tệ tham nhũng”. Các vụ đại án khác sẽ sớm được ra tòa. Trước mắt, ngày 12/12 này sẽ xử vụ Dương Chí Dũng và trước Tết Nguyên đán 2014 xử tiếp vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). “Bối cảnh hiện nay, không chỉ đấu tranh mà còn phải phòng tham nhũng phát sinh” - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, trước kiến nghị của Quốc hội, Chính phủ dừng hơn 400 dự án thủy điện. Ông Thanh thừa nhận thực tế luật nhiều nhưng đi vào cuộc sống chưa nghiêm và nhiều khi lúng túng.

Thất thoát là có

Cử tri Nguyễn Đức Học (87 tuổi) lo ngại khi 127 tập đoàn kinh tế, tổng Cty Nhà nước nợ đến 275.975 tỷ đồng, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng... “Toàn tiền thuế của dân mà để thất thoát, lãng phí, đau lòng lắm. Quốc hội có quyết sách gì để giải quyết?” - ông Học nói.

Cử tri Bùi Thị Tý (quận Sơn Trà) kiến nghị: Lịch sử nhà máy dệt Nam Định từng bán tháo hết tài sản vẫn không đủ trả hết nợ. Lúc đó trình độ quản lý hạn chế, để nợ nần, thất thoát. Giờ hết giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế này nọ mà để “nợ khó đòi” như thế thì trách nhiệm các ông quản lý, ngân hàng, bộ ngành đến đâu?

Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, cần phân biệt nợ và thất thoát. Họ vay để đầu tư vào tài sản thì vốn còn đó, chưa thất thoát. Nhưng anh được cấp vốn nhiều, ưu đãi nhiều, lại đầu tư tràn lan, hiệu quả chưa cao, hoạt động như thế là chưa thuyết phục, gây thất thoát là có thật. “Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội về con số này và sẽ thông báo đến người dân”, ông Thanh nói.

Kiến nghị cử tri về biên chế “công bộc ngày càng phình to”, ông Thanh lí giải, do dân số tăng, địa bàn mở rộng, an ninh trật tự phức tạp, tăng biên chế để quản lý, điều hành là tất yếu. Nhiều lĩnh vực tăng nhưng vẫn còn thấy thiếu. Tuy nhiên, ở một số ngành, lĩnh vực, cán bộ công chức chưa làm việc hết công suất. “Bộ Nội vụ cần có hướng rà soát lại và biện pháp xử lý thời gian tới. Nói bao nhiêu cán bộ ngồi chơi xơi nước thì thật khó”, ông Thanh trao đổi.

“Tôi không khuyến khích xé rào”

“Đà Nẵng manh nha có đua xe, tôi cho tịch thu xe, bán sung công quỹ xây nhà cho người nghèo. Dân chết nhiều vì ăn cá nóc, tôi cũng cấm ăn. Nhờ thế Đà Nẵng tiệt đua xe, giảm hẳn người chết vì ăn cá nóc. Vậy mà ra Quốc hội vẫn bị chất vấn. Nhưng Đà Nẵng quyết làm và mang hiệu quả rõ rệt. Tôi không khuyến khích các địa phương “xé rào”. Một đất nước có quốc pháp, kỷ cương chung. Nhưng chính quyền cơ sở phải quan tâm đến đời sống chính đáng người dân. Cái gì lợi cho dân thì làm”, ông Thanh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG