Đình chỉ công tác điều dưỡng đâm đồng nghiệp

Đình chỉ công tác điều dưỡng đâm đồng nghiệp
Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, quận 8, TP HCM đã quyết định đình chỉ công tác người đâm đồng nghiệp hôm 27/11 và đang chờ kết luận từ cơ quan công an.

Đình chỉ công tác điều dưỡng đâm đồng nghiệp

> Cầm kéo đâm đồng nghiệp vì bị phê bình 

Chiều 28/11, tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu (41 tuổi) mặc dù đã tỉnh, sức khỏe đang dần hồi phục nhưng vẫn còn rất bàng hoàng sau sự việc đã xảy ra.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu đang điều trị vết thương tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu đang điều trị vết thương tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
 

Nạn nhân nói gì?

Nằm trên giường bệnh với vết thương vai phải được băng kín và dẫn lưu máu, bà Nguyễn Thị Sáu đã tỉnh và bắt đầu trò chuyện được. Bà cho biết, tổ trưởng của Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp phân công cho bà Sáu hướng dẫn công việc cho Nguyễn Thị Nam Phương (23 tuổi, người đâm trọng thương bà Sáu vào trưa 27.11), một điều dưỡng mới làm ở tổ. Trong thời gian bà Sáu hướng dẫn Phương thì Phương vẫn thường không tuân thủ giờ giấc làm việc như hay bỏ trực, đến làm trễ, làm không đúng quy trình.

Theo lời của bà Sáu, khi phân mỗi người mỗi việc, Phương chà hộp gạc inox, còn bà Sáu tổng vệ sinh xe trong phòng vô khuẩn thì “Phương luôn miệng than khó. Phương nhận đồ về cũng không ghi biên bản nên tôi bảo Phương: chắc kiểu này phải ghi mỗi ngày cho em một biên bản về sai sót của em quá”.

Sau đó, Phương vẫn chứng nào tật ấy và còn bỏ các dụng cụ tùy tiện nên bà Sáu quyết định sẽ không chỉ dẫn công việc cho Phương nữa.

“Hộp gòn vừa hấp xong, Phương còn lấy tay bốc thì vô khuẩn gì nữa, cộng với nhiều sự việc trước đó nên tôi có gặp tổ trưởng và bảo tôi không hướng dẫn Phương nữa”, bà Sáu thuật lại.

Nói về tình tiết bị đâm trọng thương, bà Sáu cho biết rõ: Sáng 27.11, lúc có nhiều người trong tổ và cả Phương trong phòng làm việc, bà Sáu nói thẳng sẽ không hướng dẫn Phương vì Phương không nghe lời và hay làm sai chuyên môn. Sau đó, cả tổ quyết định sẽ họp vào sáng 28.11 để quyết định trả Phương về Phòng Tổ chức của bệnh viện vì nhiều người khác cũng phản ánh thái độ làm việc của Phương.

Trưa cùng ngày, bà Sáu không nghỉ mà vẫn làm việc. Sau đó, bà qua phòng đi vệ sinh. Lúc đó khoảng gần 1 giờ trưa, bà Sáu đi đến trước cửa thì bị Phương đóng sầm cửa lại. Bà gõ cửa nhưng Phương không cho vô.

"Một điều dưỡng khác phải lấy khóa mở cửa để tôi vào. Đi vệ sinh xong tôi quay qua nói với Phương :“Đây là chỗ để người ta đi vệ sinh đâu phải chỗ riêng để em nghỉ ngơi hả Phương, sao em kỳ vậy?”. Phương quát lại tôi: “Bà nói nữa tôi đánh bà đó!”. Thấy Phương gay gắt, tôi hỏi “Em làm gì vậy?” rồi gọi điện thoại cho tổ trưởng hỏi: “Bữa nay chị nói gì với Phương mà nó hăm đánh em, thấy mặt nó hung dữ lắm”. Khi đang ngồi nói chuyện điện thoại thì đằng sau Phương đã thủ sẵn dao tiến đến đâm vào vai tôi", bà Sáu kể.

Lúc bị đâm, bà Sáu cứ tưởng bị đánh nên vùng bỏ chạy ra phía ngoài cửa. Lúc này có 2 nhân viên đang nằm trong phòng bật dậy thấy sự việc cũng chạy theo. Phương rượt theo đâm tiếp mấy nhát vào người bà Sáu làm máu phun khắp người bà. Hai nhân viên kia thấy vậy, ôm Phương lại. Một nhân viên khác nhanh chóng đưa bà Sáu vào phòng tiểu phẫu của Khoa Ngoại 2 kế bên tổ kiểm soát nhiễm khuẩn. Các nhân viên ở đây băng ép lại vết thương để cầm máu và đưa bà Sáu lên xe cấp cứu chở qua Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cũng theo bà Sáu, trước đó, một điều dưỡng khác trong tổ cũng hướng dẫn Phương nhưng vì Phương nhiều lần tái phạm và không tuân thủ chuyên môn nên điều dưỡng đó cũng không hướng dẫn tiếp. Theo lời bà Sáu, cả bà Sáu và điều dưỡng đó điều từng bị ba của Phương hăm dọa vì cho rằng họ chèn ép con của ông.

Đình chỉ công tác điều dưỡng đâm đồng nghiệp

Trao đổi với Thanh Niên Online về vụ việc trên, bà Huỳnh Thị Quế Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8) cho biết vì nhân sự không đủ nên chỉ thành lập Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn đứng độc lập như một khoa. Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn là nơi hấp dụng cụ như dao, kéo, gòn, gạc để đưa ra các khoa phẫu thuật. Theo tìm hiểu của bệnh viện về vụ việc vừa xảy ra, do Phương có sai sót về chuyên môn nên bà Sáu có nhắc nhở thì xảy ra sự việc đáng tiếc.

Một điều dưỡng đang tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề ngiệp
Một điều dưỡng đang tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề ngiệp.
 

Cũng theo bà Quế Hương, Phương được vào thử việc tại bệnh viện hai tháng tại Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng do hay gặp sai sót chuyên môn nên bệnh viện quyết định cho thử việc thêm một tháng nữa, và mới ký hợp đồng vào cuối tháng 10 vừa qua. Còn bà Sáu là nhân viên lâu năm, có tay nghề vững. Cũng theo thông tin từ tổ, Phương thường hay làm sai nên bà Sáu vẫn thường nhắc nhở. Trong tổ nhiều người cũng có nhắc nhở Phương chứ không riêng gì bà Sáu.

“Nhân viên bệnh viện xưa nay cũng có xích mích trong làm việc, nhưng chỉ nói qua nói lại rồi thôi chứ sự việc chưa khi nào cãi vã to tiếng và đến mức độ phải đánh nhau nói gì đến dùng dao đâm đồng nghiệp”, Phó giám đốc Quế Hương khẳng định.

Sau sự việc xảy ra, bệnh viện đã quyết định đình chỉ công tác của Phương và đang chờ kết luận từ cơ quan công an. Bệnh viện cũng đã cử người sang Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên bà Sáu.

Cũng theo nguồn tin của Thanh Niên Online, ba của Phương là nhân viên của bệnh viện, sau khi nghỉ hưu ông này có làm đơn để xin cho Phương được vào làm việc. Xét thấy ông này có công trong kháng chiến nên lãnh đạo bệnh viện đã đồng ý nhận. Nhưng Phương chưa làm được bao lâu thì sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Theo Hà Minh
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG