Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh hôm nay (28/11) là sự kiện có tính chất lịch sử, đánh dấu thời kỳ mới đưa đất nước ta hội nhập và phát triển.
Theo Chủ tịch, bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn tâm huyết, tận tụy của Quốc hội và cử tri cả nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã thể hiện tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Chủ tịch cũng báo cáo với cử tri cả nước, là mỗi vị đại biểu Quốc hội đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản Hiến pháp này.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và một số vị đại biểu cũng còn ý kiến khác ở khoản này, điều nọ, tuy nhiên tuyệt đại đa số nhân dân và đại biểu đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Tôi xin khẳng định lại, bản Hiến pháp thông qua lần này đã thể hiện được ý chí của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân, có thể yên tâm thông qua. Đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới của đất nước chúng ta”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Tiếp theo, Phó chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Hiến pháp và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.
Vào kỳ họp tháng 8/2011, Quốc hội khóa 13 đã bắt đầu xem xét việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (cuối 2012), dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân từ 2/1 đến 31/3/2013.
Trải qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, hình thức dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu đã thay đổi đáng kể khi được sửa từ nói đầu, và 147 điều của Hiến pháp hiện hành chỉ giữ 7 điều, 140 điều viết lại thành mới 113 điều mới.
Để hoàn thiện lần cuối bản dự thảo, từ 10 ngày trước, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, sửa trực tiếp vào các điều khoản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo được thể hiện trong phiếu xin ý kiến gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi sẽ tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo với mong muốn có bản dự thảo Hiến pháp với chất lượng tốt nhất, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trình Quốc hội xem xét, thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại báo cáo tiếp thu giải trình gần đây nhất.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét thông qua, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, bố cục của dự thảo gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).