Thất thoát, lãng phí từ điều chỉnh dự án

Thất thoát, lãng phí từ điều chỉnh dự án
TP - Hôm qua, thảo luận về Luật Xây dựng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư dự án đang diễn ra khá hồn nhiên, gây lãng phí, thất thoát.

> Xây dựng kém chất lượng, quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Hồn nhiên điều chỉnh dự án

Theo ĐB Trần Minh Diệu, việc điều chỉnh dự án là cần thiết đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số giá xây dựng, bất khả kháng do thiên tai, thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, đang có tình trạng điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do không cấp thiết, diễn ra một cách “hồn nhiên”.

 “Hiện nay có khoảng trống trong pháp luật về quy hoạch xây dựng. Luật cần điều chỉnh để khắc phục tình trạng các đồ án quy hoạch kém chất lượng, dẫn đến quy hoạch treo mà người chịu thiệt là người dân và nhà nước”. 

ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM)

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phân tán nguồn lực, đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ thi công gây thất thoát, lãng phí. Thế nhưng, quy định trong dự thảo sửa đổi chưa có thay đổi để khắc phục những hạn chế này. “Lý do để điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư cần được quy định chặt chẽ và thống nhất. Trong đó, phải bỏ hoặc quy định lại đối với trường hợp điều chỉnh do xuất hiện các yếu tố được coi là mang lại hiệu quả cao hơn của dự án, bởi đây là quy định không rõ ràng, đang bị lợi dụng để điều chỉnh, nâng quy mô và tổng mức đầu tư một cách tràn lan”- ông Diệu đề nghị.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị luật phải quy định rõ về thành phần phân loại và cấp công trình để quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Theo đại biểu này, đang có những dự án đầu tư rất lớn, hiện đại nhưng do không phân rõ chức năng quản lý nhà nước về cấp và loại công trình dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Thay 4 trưởng ban quản lý dự án vẫn dậm chân tại chỗ

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, hiện đa số các chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước chọn hình thức trực tiếp quản lý dự án để lập ra ban quản lý dự án trực thuộc. Việc áp dụng hình thức này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, số lượng các ban quản lý dự án quá nhiều, năng lực quá kém và kinh nghiệm rất hạn chế.

Ông Thạch cho biết, đoàn ĐBQH Hà Nội giám sát hai dự án đầu tư xây dựng tại Hòa Lạc là Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia. Kết quả cho thấy, năng lực các ban quản lý dự án rất kém, đặc biệt dự án Đại học Quốc gia. “Hiện nay đã tổ chức lại đến 3 - 4 lần, thay đến 4 Trưởng ban quản lý, nhưng vẫn chưa triển khai được và sau 12 năm dự án gần như vẫn đang dậm chân tại chỗ” - ông Thạch cho biết.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng có ý nghĩa quyết định đối với tính khả thi, hiệu quả của dự án. Trong đó, việc lập và kiểm soát thiết kế cơ sở là nội dung cốt lõi nhưng pháp luật chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định thiết kế cơ sở.

Dẫn đến gần đây chúng ta phải đón nhận hậu quả khôn lường của một số công trình thủy điện nhỏ và vừa, gây ra lũ lụt. ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt nguồn từ khâu thiết kế, dự toán, thẩm định phê duyệt thiết kế.

Phổ biến là tình trạng thiết kế dự toán vượt quá yêu cầu, vượt quá các chỉ tiêu kỹ thuật cho phép, từ đó nâng tổng mức đầu tư công trình nhưng vẫn được thẩm định và phê duyệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG