> Ma trận hóa chất bảo quản trái cây: Bất lực?
> Chất độc ngâm thực phẩm: Các bộ đều bó tay?
Theo ông Hồng, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) chưa cấp phép cho một đơn vị nào đăng ký về chất ủ chín, bảo quản hoa quả. Thuốc dân đang sử dụng là ngoài luồng, nguồn gốc không rõ ràng. “Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng, đang dự thảo danh mục, và sẽ gửi các viện nghiên cứu, trường, hiệp hội, doanh nghiệp (DN), các đơn vị liên quan về an toàn thực phẩm để lấy ý kiến. Sau đó, Cục sẽ tập hợp, hoàn thiện và công bố rộng rãi; có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đăng ký, phân phối để người dân sử dụng”, ông Hồng nói.
Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, việc đưa ra danh mục chất nào được dùng, chất nào bị cấm sẽ dựa trên hoạt chất thế giới đã sử dụng phổ biến mà Việt Nam chưa cấp phép. Nhiều năm trước, Cục BVTV đã đề xuất với các hiệp hội, DN trong các đề tài nghiên cứu ở các viện, trường về sử dụng hóa chất an toàn, nhưng triển khai còn chậm, chưa nhạy bén.
Theo ông Hồng, các loại thuốc trước khi đưa vào sử dụng, đều phải qua khâu khảo nghiệm, kiểm nghiệm. Việc sử dụng thuốc bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt, với từng loại rau, quả có nồng độ, thời gian sử dụng riêng. Tuy nhiên, với các hoạt chất an toàn, được sử dụng rộng rãi trên thế giới, Cục sẽ tạo điều kiện, khảo nghiệm nhanh cho các DN đăng ký. “Thực ra, khảo nghiệm độc hay không là thế giới họ làm rồi, nhưng trên một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải... phải khảo nghiệm để đưa ra hướng dẫn, quy trình sử dụng”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, các hoạt chất ủ chín, bảo quản hoa quả sẽ được đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để quản lý. Hiện, thuốc không có trong danh mục, việc buôn bán thương mại là vi phạm pháp luật.