'Án oan sai ở Bắc Giang như phim hình sự Mỹ'

'Án oan sai ở Bắc Giang như phim hình sự Mỹ'
TPO - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc  nói như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (5/11) về vụ án oan tại Bắc Giang. 'Tôi nghĩ cái gì gây nên oan ức đó', ông Quốc nói.

> Toàn cảnh vụ 10 năm chịu án oan giết người
> Tù 10 năm trở về không nhớ mặt anh em, hàng xóm

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm bị tù oan
Ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha để chờ minh oan sau 10 năm ngồi tù .

Nhà sử học bình luận: Tôi cũng nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình. Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn.

Cái gì khiến sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là câu hỏi rất là khó, một ẩn số.

Phía cơ quan tham gia quá trình điều tra tố tụng đều nói sự quá tải của mình. Số lượng những vụ án và chất lượng của các cơ quan tham gia, đặc biệt tôi chú ý đến việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại lại có những kết luận gần như trái ngược nhau.

Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy, và đằng sau nó có những mặt tiêu cực. Tôi cho rằng, nó có vấn đề liên quan chất lượng của bộ máy điều tra, xét xử.

Một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội, vì sao họ phải chịu oan ức như thế?

Có thể nói đây là thực trạng khá phổ biến. Chỉ khi ra tòa, họ mới khai ra sự thực. Bởi vì, chắc chắn tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết khi ra tòa mới có thể nói điều muốn nói, thì việc họ phải khai thuận theo điều tra là dễ hiểu.

Dưới con mắt một nhà sử học, qua câu chuyện án oan này, ông có thấy ép cung là không thể chấp nhận?

Nguyên tắc là chúng ta cấm việc sử dụng những nhục hình, nhưng điều đó có thực thi được hay không vẫn là ẩn số.

Ở đây chính là vai trò của các luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, được thực thi hết trách nhiệm của mình, thì đấy chính là yếu tố đảm bảo giám sát ngay trong quá trình điều tra, tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là dẫn đến việc phạm nhân phải khai theo lời của cơ quan điều tra.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Thời gian qua có nhiều vụ án oan sai, nhưng vụ án này do hung thủ ra đầu thú? Nếu như hung thủ không ra đầu thú thì ai sẽ minh oan cho họ?

Thông thường, cơ quan điều tra phải là người góp phần. Nhưng hung thủ ra đầu thú không biết do họ tự giác hay chịu áp lực xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho mình. Hiện trạng tự xử như thế không giống những hiện trạng khác đâu. Nó thể hiện sự giảm sút của vai trò pháp luật.

Tôi chưa rõ việc này, trong quá trình gia đình làm, các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội tiếp cận được chưa, và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa? Nhưng nhiều khi, chính bản thân chúng tôi đưa yêu cầu Tòa án Tối cao, Tòa chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nếu lần này có cơ hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao, tôi sẽ nêu vấn đề này.

Để không có những người bị kết án oan cần phải làm gì, thưa ông ?

Đây là câu trả lời khó, nhưng rõ ràng phải làm sao cho mọi chuyện minh bạch trong quá trình xét xử, và hỗ trợ tư pháp cho các phạm nhân, nhất là đối với những người không có điều kiện tự bảo vệ mình.

Hồng Phúc ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG