> Phá rừng phòng hộ để... trồng rừng
> Ngang nhiên mua bán rừng phòng hộ
Người trồng rừng kêu cứu
Năm 2005, bà Lê Thị Phượng, trú tại thị trấn Kỳ Anh nhận chuyển nhượng 2 thửa đất trồng rừng của hai nhân viên Cty CP Nông Lâm sản Hà Tĩnh (nay là Cty Rau quả Hà Tĩnh) là bà Nguyễn Thị Tĩnh 11ha và Lê Thị Nga 8,5ha, tại khu vực núi Đá Mài, Kỳ Liên, Kỳ Anh. Cả hai lô đất này đều được ghi rõ trong hợp đồng chuyển nhượng tại vị trí khoảnh 1PK1, tiểu khu 389A, thời hạn nhận khoán 40 năm, thuộc đất khoán lâu dài cho hộ dân trồng rừng phòng hộ.
Từ khi nhận đất, bà Phượng chạy vạy khắp các ngân hàng cầm cố tài sản để vay vốn đầu tư cải tạo đất dưới sự giám sát chặt chẽ của Cty Rau quả Hà Tĩnh. Sau gần 6 năm lặn lộn gây dựng trồng rừng, bà Phượng được Đài truyền hình tỉnh nêu gương là hộ điển hình trồng rừng giỏi của huyện.
Đã nhiều lần phóng viên trực tiếp đăng ký làm việc, gọi điện cho Chủ tịch huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng nhưng không được, sau đó ông Bổng nhắn tin hướng dẫn gặp ông Nguyễn Minh Hoàn – Phó Chủ tịch huyện. Liên hệ với ông Hoàn thì phóng viên lại được hướng dẫn gặp ông Nguyễn Hoài Sơn, cũng là Phó chủ tịch huyện. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với ông Sơn thì ông khất lần và cuối cùng cáo bận vào chiều ngày 1/11. |
Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi 83.886,2m2 đất tại khu vực núi Đá Mài, xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) của Cty CP Rau quả Hà Tĩnh (trùng với diện tích đất của bà Phượng) và giao toàn bộ diện tích đất thu hồi trên cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng quản lý để cho Cty CP Việt Gia - Song Hui thuê lại đất khai thác đá xây dựng. Theo bà Phượng, sau nhiều cuộc họp bàn về phương án bồi thường, đại diện Cty Việt Gia - Song Hui không đưa ra một thỏa thuận gì.
Khi chưa có phương án thống nhất về việc bồi thường, bất ngờ ngày 10/10 vừa qua, rất nhiều người lạ mặt đưa xe cơ giới, cưa máy vào chặt phá khu rừng của gia đình bà trồng hơn 8 năm nay.
Khi hai vợ chồng bà Phượng vào để hỏi rõ nguồn cơn sự việc, liền bị lực lượng công an huyện chốt chặn không cho vào vì thực hiện theo lệnh cấp trên giao.
“Công sức hơn 8 năm trời ăn ngủ ở rừng để có được khu rừng phòng hộ như hôm nay. Vậy mà họ ngang nhiên đưa người đến tàn phá, đưa công an, xe cứu thương đến thị uy vợ chồng tôi”, bà Phượng khóc bên những gốc keo đang dính đầy nhựa vừa bị đốn hạ.
Dấu hiệu bất thường
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong tất cả các hồ sơ, thủ tục giữa bà Lê Thị Phượng với Cty Rau quả Hà Tĩnh đều thể hiện rõ vị trí khu vực đất của bà Phượng được giao là tại khoảnh 1PK1, tiểu khu 389A, thuộc khu vực rừng phòng hộ. Thế nhưng, tại các hồ sơ thu hồi của UBND tỉnh và huyện Kỳ Anh ghi tại khoảnh 2, tiểu khu 389A.
Như vậy, căn cứ trên hồ sơ khu vực đất rừng của bà Phượng không liên quan đến diện tích thuộc diện thu hồi của UBND tỉnh Hà Tĩnh để nhường đất cho Cty Việt Gia - Song Hui thuê khai thác đá?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Xuân Sơn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết, nếu căn cứ trên hồ sơ, đây là hai khoảnh hoàn toàn khác nhau. “Đối chiếu các hồ sơ, rõ ràng có dấu hiệu bất thường ở đây. Để biết chính xác từng vị trí, khoản nào, tiểu khu nào, phải dùng bản đồ lưới để rà xét lại”, ông Sơn nói.
Ngày 8/10, UBND huyện Kỳ Anh gửi giấy mời bà Phượng chiều 9/10 lên UBND huyện để giải quyết việc bồi thường. Cũng trong ngày 8/10, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng lại ký quyết định điều động lực lượng để “bảo vệ đơn vị thi công”.
Quyết định ghi rõ: Công an huyện Kỳ Anh cử 30 cán bộ chiến sỹ và các công cụ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 01 xe đặc chủng. Đối với xã Kỳ Liên, UBND xã điều động 35 người (gồm công an viên, đội cơ động mạnh, lực lượng khác) cùng với lãnh đạo xã và các ban ngành, tổ chức đoàn thể. Và dưới sự bảo vệ của huyện, Cty này đã huy động máy móc vào chặt phá rừng của bà Phượng và toàn bộ số gỗ cây chặt hạ đã bị di chuyển khỏi hiện trường.