“Phải xử lãng phí như xử tham nhũng”

“Phải xử lãng phí như xử tham nhũng”
TP - Hôm qua, trao đổi với Tiền Phong bên hành lang Quốc hội, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng: “Phải xử lãng phí với hình phạt nghiêm khắc như xử tội tham nhũng”.

> Không bơm tiền vào nơi thua lỗ
> Đề nghị đóng cửa ngân hàng quá yếu

Ông Tiến nói: Luật quy định rất rõ lãng phí là sử dụng không hiệu quả, làm thất thoát nguồn vốn, thời gian, nhân lực, tài nguyên quốc gia... nhưng chống lãng phí cũng như chống tham nhũng đều chưa đạt yêu cầu.

Thưa ông, chúng ta đã có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng lãng phí không giảm, ngày càng bức xúc nhất là trong đầu tư, chi tiêu công?

Vấn đề là thực hiện không nghiêm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ của nhà nước. Hiện nay, lĩnh vực đất đai, công sản lãng phí rất lớn, có những dự án hàng trăm hécta đất treo xuyên thế kỷ; hàng trăm công trình dự án dở dang phơi nắng, mưa. Còn mua sắm chi tiêu công vượt quá định mức rất phổ biến, cơ quan nào thực hiện nghiêm thì cán bộ thiệt, những cơ quan khác chi tiêu vống lên cũng chả sao.

Về mặt pháp luật, cán bộ, công chức tham nhũng bị xử lý khá nghiêm khắc, nhưng chưa thấy xử quan chức nào về tội gây lãng phí, mặc dù lãng phí gây thất thoát, thiệt hại tới cả ngàn tỷ đồng.

Để lãng phí nhưng người đứng đầu, nhất là cấp phê duyệt, đầu tư dường như không ai phải chịu trách nhiệm. Đây là kẽ hở khiến lãng phí ngày càng lớn.

ĐBQH cho rằng khởi công, động thổ, họp hành quá nhiều đã thành bệnh, và một bệnh nữa là chúng ta chỉ nói chứ không thực sự chống lãng phí?

Mình kêu gọi nhiều nhưng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, người ký quyết định phê duyệt dự án, tổ chức động thổ, khởi công rình rang. Tuy luật có nói đến trách nhiệm nhưng chưa thấy xử lý mạnh hành vi lãng phí. Chúng ta coi tham nhũng là tội phạm nhưng lãng phí chỉ coi là khuyết điểm. Phải kiểm soát việc xây dựng trụ sở, mua sắm công, nếu vượt định mức cần phải xử thật nghiêm, kể cả tình trạng hội họp quá nhiều, lợi dụng hội họp đi nơi này nơi kia để ăn chơi, thăm quan, du lịch. Lãng phí đến mức nào thì chịu trách nhiệm hình sự phải có quy định cụ thể.

Vậy theo ông, cần có giải pháp đột phá gì để chống lãng phí hiệu quả?

Phải rà soát lại toàn bộ sự thất thoát lãng phí ở các bộ ngành, địa phương. Khi phát hiện thì quy trách nhiệm cá nhân thuộc lãnh đạo bộ ngành nào. Các cơ quan pháp luật, thanh tra phải vào cuộc làm việc này. Quốc hội phải tăng cường giám sát tối cao về đầu tư XDCB, đầu tư công. Nhưng giám sát xong rồi không chỉ kiến nghị để đấy, phải đi đến cùng, làm rõ, xử lý rõ trách nhiệm người vi phạm.

Trong tình hình ngân sách “giật gấu vá vai” hiện nay, nhìn lại vụ Vinashin, Vinaline ông thấy có bài học gì?

Thực tế lãng phí cũng gắn với tham nhũng, chẳng hạn vụ mua ụ nổi (Vinaline) đội giá lên 4 triệu đô thì vừa lãng phí, vừa tham nhũng. Vì vậy cần quyết liệt chống lãng phí cũng như chống tham nhũng. Theo tôi, phải xử lãng phí thật nặng, thậm chí nặng hơn cả tham nhũng. Nhưng trước hết, hãy xử lãng phí nghiêm khắc bằng cả biện pháp hình sự như xử tham nhũng thì mới cảnh tỉnh, răn đe được. Kinh nghiệm cho thấy không chỉ người đứng đầu DN ấy, mà cả bộ ngành phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư cho DN cũng phải chịu trách nhiệm.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG