'Ly Ly' vọng một nhịp cầu

'Ly Ly' vọng một nhịp cầu
TP - Bà Nguyễn Thị Mía tay không ngừng lia từng nhát rựa ngọt xớt, nói như thể sẽ không bao giờ được nói: “Tui già như ri, chờ cả đời để nhìn thấy cây cầu, dù nhỏ thôi bắc qua thôn. Chờ mãi mà không thấy. Thôi thì ráng đợi vài năm nữa, có cây cầu rồi chết cũng thỏa lòng”.

Bà Mía đã 85 năm qua chờ đợi cây cầu để ngôi làng Xuân An không còn biệt lập. Có thể, mơ được thấy cầu trước khi chết của bà lúc này đây khó mà thỏa nguyện.

Không dám tán gái…ngoài làng

Làng Xuân An thuộc xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chỉ cách QL1A độ 15km, nhưng để đến được, phải mướt mồ hôi. Làng hình thành từ bao đời nay, mấy trăm năm không ai biết, nhưng sự thật về một cách trở, biệt lập thì cụ già trăm tuổi đến cháu bé lên ba đều quá nằm lòng. Hàng tá câu chuyện cười ra nước mắt ở ngôi làng dường như bị bỏ quên ngay giữa trung tâm đồng bằng.

Mùa mưa, Xuân An mịt mù trong khói sương hư ảo. Bên kia đường, bên kìa bờ sông Ly Ly nhìn sang, thấy lác đác khói chiều bốc lên. Xuân An như chốn thiên không vô ảnh. Đánh liều lội sông, nước xiết ngang ngực, mới chớm mép bờ làng Xuân An, chạm ngay trưởng thôn Trương Văn Chạy. Dép xách, công văn cuộn tròn dắt cẩn thận trên ngực áo, ông Chạy tất bật, như đúng nghĩa với cái tên.

“Chạy sang xã bây chừ. Chuyện chi nói sau, xã mời sang họp bàn việc xây cầu. Biết là chưa thể có mô, nhưng chuyện ni trọng đại. Phải đi trước đã”.

Ông Chạy nhắn lại, câu chuyện xót xa về những thân phận trôi sông, chết nước ở dòng Ly Ly. Mùa hè tưởng cạn, nhưng có nhiều hục sâu. Mùa mưa thì hết nói, hung dữ như bầy sói chực chờ dân lội qua sông làm đồng, các cháu đi học là cuốn. Khổ!

“Mà chuyện này nữa, bao năm qua, sống biệt lập nên trai gái trong làng có dám yêu ai bên ngoài đâu. Quanh quẩn cả thôi” - ông Chạy nói khi đã ra giữa dòng.

Trưởng thôn Trương Văn Chạy: người ta đã hứa quá nhiều
Trưởng thôn Trương Văn Chạy: người ta đã hứa quá nhiều.

Đất vườn nhà ông Lê Văn Tiến (80 tuổi) rộng thênh thang, để cỏ mọc xanh rì. Đây có lẽ là ngôi nhà cổ nhất làng, ọp ẹp thâm xì. Ông Tiến có 5 người con, đã lập gia đình. Ba trai hai gái, trừ người con út, tất cả đều dựng vợ gả chồng ngay trong thôn. Ba người con trai thì hai người sống cạnh nhà, con út sống cùng ông.

“Ở đây ai cũng thế, trai gái lớn lên, muốn đi đâu thì đi, nhưng dựng vợ gả chồng thường trong thôn lấy nhau. Biết sao không? Vì không có đường mà rước dâu. Người ngoài làng, ai thông cảm được thì cưới, nhưng có mấy ai” - ông Tiến chép miệng.

Ông kể, mấy năm trở lại đây còn đỡ vì phía cuối làng đã có một con đường nhỏ độc đạo dẫn thẳng sang bên huyện Quế Sơn. Đó cũng là cứu sinh của mấy ngàn hộ dân mỗi khi có đau ốm. “Trước kia, không điện không đèn, chập tối là cả làng chìm trong bóng đêm.Chuyện gì cũng người trong làng biết với nhau”.

 Ở đây ai cũng thế. trai gái lớn lên, muốn đi đâu thì đi, nhưng dựng vợ gả chồng thường trong thôn lấy nhau. Biết sao không? Vì không có đường mà rước dâu.

Ông Tiến nói

Ông Tiến ngậm ngùi, là bởi người con trai thứ yêu một cô gái làng bên, An Bình. Yêu thì yêu, nhưng cha mẹ cô gái khi biết anh người Xuân An, cản ngay. An Bình và Xuân An giáp mặt nhau, chỉ cách dòng sông Ly Ly mà dường như xa vạn dặm.

Ngày ngày, trai làng Xuân An bơi sang hoặc đi bộ trên cầu thủy lợi, đánh đường sang An Bình cưa gái. Nhiều đôi yêu nhau, nhưng đành dứt gánh bởi quá cách trở. Con út ông Tiến là Lê Văn Đào thì không chịu được sự chia cách. Anh quyết lấy bằng được chị Thắm làng An Bình.

Đầu năm rồi, đám cưới giữa Đào và Thắm diễn ra. Tất nhiên, rước dâu là đi bộ. Mà phải đi vòng, mấy cây số, xuống tận dưới cầu thủy lợi rồi vòng qua thôn.

Liên, cháu ngoại bà Mía cùng làm đồi, cười bẽn lẽn: Quanh năm sống trong làng, có thấy anh nào bên ngoài vào chơi đâu. Chắc lại trâu ta ăn cỏ đồng ta thôi”. Bà Mía, con gái bà rồi bây giờ là cháu của bà, kế tiếp truyền đời. “Quanh năm chỉ biết giới hạn bờ sông Ly Ly.

Xem ra, tên con sông Ly Ly cực kỳ hợp lý, nó chia ly hàng chục đôi trai gái khác làng yêu nhau. Cách QL 1A, cách thị trấn Hà Lam có 15km, vẫn tồn tại những chuyện tưởng chừng xưa như quả đất.

Bà Nguyễn Thị Mía: “Mơ thấy cầu rồi chết”
Bà Nguyễn Thị Mía: “Mơ thấy cầu rồi chết”.

Ở thôn Xuân An, có một người ngoại tỉnh duy nhất về làm dâu, đó là chị Hồ Thị Lâm, quê Hà Tĩnh. Chị Lâm bảo, đừng nói ngoài tỉnh, chị là người duy nhất ngoài xã. Chồng chị Lâm người Xuân An, mấy năm trước bỏ vào Sài Gòn làm công nhân.

Chị quê Hà Tĩnh, là công nhân may ở Bình Dương. Duyên số xui rủi, chị nhận lời yêu anh trai quê Quảng Nam. Ngày về làm dâu cũng là lần đầu tiên về quê chồng, chị không khỏi ngỡ ngàng.

“Không phải gia cảnh anh nghèo mà ngỡ ngàng vì cả làng đều nghèo. Cực nhất là đường sá đi lại, cách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh. Nói xin lỗi anh, ở đây nhiều khi chẳng cần đến tiền. Để làm gì?”.

Chị Lâm kể, đã bám trụ ở Xuân An được 7 năm, nhưng chẳng biết tương lai có gắn bó không. “Tụi em đang tính đường trở lại Sài Gòn. Hồi ấy cưới ở Sài Gòn, nói thẳng ra là không nghĩ tới quê chồng như thế này. Không phải biết vậy thì không cưới, mà là không về lập nghiệp ở đây”.

dfa
dfa.

Mỏi mòn vì lời hứa

Bà Nguyễn Thị Mía dẫu ngoài 80 vẫn thoăn thoắt tay rựa. Từng nhát chặt sắc ngọt. Cụ đang dọn dẹp rừng keo để trồng mới. Bão Nari vừa rồi khiến Xuân An bình thường đã đói nghèo, nay càng thảm cảnh. Bà Mía lẩm nhẩm, may năm nay không lụt, chứ không lại nhịn đói dài dài.

“Tui chờ ở cái làng này 80 năm rồi, xem lúc nào người ta cho dân cái cầu. Nhỏ to gì cũng được, có cái mà qua sông. Thân già này chẳng thiết cầu cống, quanh năm suốt tháng bám làng, không ra đường cái, nhưng lo cho tụi nhỏ đi học, lo cho bọn thanh niên dựng vợ gả chồng”.

Điều ước của bà Mía không phải là cơm no áo ấm, không phải trẻ lại tuổi đôi muơi, mà là mơ trước khi chết thấy được cái cầu bắc từ thôn An Bình qua Xuân An. Nối hai làng lại với nhau, để Xuân An thoát khỏi biệt lập, nghèo đói.

Trưởng thôn Trương Văn Chạy họp cũng nhanh, nhoáng cái chạy về, hớn hở: Sắp xây cầu. Vẻ hớn hở của ông Chạy nhanh chóng tắt ngấm khi bà Mía bĩu môi: Họ hứa lần thứ 5 rồi đó nghe ông. Lần ni nói cho chắc. Ông Chạy liệt kê một tràng dài nỗi khổ: 316 hộ dân thì có tới 90 hộ nghèo, 90 cận nghèo. Số còn lại liệt vào dạng… khó khăn.

Trước không có trường tiểu học, con em cả làng phải lội qua sông. Nay có trường tiểu học Trần Cao Vân… cơ sở Xuân An. Các em nhỏ đỡ, nhưng lên cấp 2 thì chịu cứng, gần như năm nào cũng có đứa nộp mạng cho Hà bá sông Ly Ly.

Cấp ba thì nói làm chi, đứa nào học được khăn gói đi ở trọ, ít thôi. Còn lại lo mà bỏ học đi làm đồng, làm rẫy. Đau ốm thì có bệnh viện huyện Quế Sơn. Phải đi vòng ra phía sau làng, chừng chục cây số đường đồi núi. Cực lắm.

Ông Chạy kể, ấm ức nhất vẫn là đời sống bà con cực khổ mà không cách nào thoát ra được. Sắn khô bình thường có giá 4.500đồng/kg thì ở Xuân An, thương lái thu gom 900đồng/kg còn chê ỏng chê eo. Anh Trương Rin cào một đống sắn khô chất đầy sân, ngao ngán: “Họ nói có nhiều thì mới mua, mất công đưa xe lên một lần. Nội chuyện cõng qua sông thôi, họ trừ mất mấy ngàn”.

Chủ tịch xã Bình Định Bắc Trà Tấn Túc tỏ ra thấu hiểu được nỗi khổ của dân Xuân An: “Đề nghị mấy chục năm nay, công văn có, nói miệng có nhưng không được. Cấp trên hứa bao nhiêu lần vẫn thế”.

Ông Túc nói một tin rất vui, rằng cuối năm nay, khoảng tháng 12 sẽ khởi công xây một cây cầu bắc qua thôn Xuân An với đơn giá 21,6 tỷ đồng. Tôi đem tin này, lội ngược trở lại làng thông báo, người dân Xuân An, già trẻ lớn bé chưa lấy đó làm mừng mà hoài nghi: Lúc nào làm xong rồi mới chắc chắn. Dân nghe hứa nhiều quá rồi!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG