Phòng khám tư bủa vây bệnh viện

Phòng khám tư bủa vây bệnh viện
TP - Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong công tác khám và chữa bệnh hiện nay. Song một trong những nguyên nhân cơ bản chính là sự thiếu vắng một hệ thống y tế tư nhân phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp, trong khi lại đang quá thừa các cơ sở y tế tư nhân hoạt động manh mún, thậm chí chộp giật.

> Hiểm họa từ các thủ thuật thẩm mỹ
> 'Thẩm mỹ viện' Cát Tường tự nhận là trường dạy nghề

Chỉ một đoạn đường Giải Phóng khoảng 100m đối diện BV Bạch Mai (Hà Nội) đã có tới hàng chục phòng khám, thẩm mỹ viện. Tương tự đoạn đường chưa đầy 300m trước cổng BV Ung bướu (TPHCM) cũng có đến dăm chục phòng khám các loại hoạt động bát nháo bất kể ngày đêm.

“Hái lượm” trên sức khỏe người bệnh

Hàng chục phòng khám tư san sát ngay trước cổng BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh : như ý
Hàng chục phòng khám tư san sát ngay trước cổng BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh : Như Ý.
 

PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết BV Bạch Mai được Bộ Y tế đánh giá là BV hạng đặc biệt, mỗi năm điều trị cho cả triệu lượt bệnh nhân.

Thế nhưng ai cũng dễ dàng nhận thấy ngay trước mặt tiền rất lớn của BV này là hàng mấy chục phòng khám ken dày các nhà thuốc tư nhân. Tất cả các chuyên khoa như sản phụ, tim mạch, xương khớp, nội tiết… đều có phòng khám dọc con phố Giải Phóng đoạn chạy qua BV Bạch Mai.

Đây cũng chính là con phố có nhiều phòng khám tư bị cơ quan chức năng “sờ gáy” bởi hoạt động trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất là việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật nâng ngực làm chết bệnh nhân rồi ném xác xuống sông Hồng. Trước đó khoảng một năm, người dân xôn xao vì Thẩm mỹ viện Hà Nội cũng tọa lạc trên phố Giải Phóng làm chết bệnh nhân trong khi nâng ngực.

Phóng khám Việt Hải (709 đường Giải Phóng) cũng đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí khi liên tiếp vi phạm các quy định hành nghề y dược tư nhân. Nhiều bệnh nhân đã phải bỏ hàng chục triệu đồng để điều trị các bệnh như trĩ, rối loạn tiêu hóa, xương khớp… nhưng hóa ra lại chỉ được uống hoặc tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc với giá trên trời.

Cũng chung tình trạng này là BV Mắt T.Ư nằm trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Hầu hết bệnh nhân đến khám tại BV Mắt T.Ư đều bị các “cò” níu kéo chào mời mua sổ y bạ, hứa hẹn khám bác sĩ giỏi, không phải xếp hàng… Nằm đối diện BV Mắt T.Ư là một dãy các phòng khám mắt tư nhân với lời chào mời hấp dẫn. Không ít bệnh nhân ngại cảnh xếp hàng chờ đợi đã bước chân vào các phòng khám này. Thế nhưng cũng không ít bệnh nhân bước ra từ các phòng khám tư này lại phải quay lại BV Mắt T.Ư để điều trị các biến chứng do phòng khám tư gây ra.

Tại TPHCM, chỉ một đoạn đường chưa đầy 300m trước cổng Bệnh viện Ung bướu có đến 50 phòng khám. Đường Nơ Trang Long và Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh, TPHCM, nơi cặp nách bệnh viện ung bướu này, được người dân ví là lãnh địa của “cò” bệnh viện hoạt động lộng hành với sự giúp sức của một số phòng khám nơi đây. Hầu hết những cơ sở hành nghề y tư nhân này đều có “chân” của các bác sĩ ở trong bệnh viện ung bướu.

“Bắt khách, giành bệnh từ trong bệnh viện đưa ra cho phòng mạch lấy tiền hoa hồng khiến nơi đây lúc nào cũng náo loạn, mất trật tự”- ông Hoàng Văn Giao, một người dân sống ở đường Nơ Trang Long, phản ánh.

Hàng loạt phòng khám chui mọc vây quanh Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh : Lê Nguyễn
Hàng loạt phòng khám chui mọc vây quanh Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh : Lê Nguyễn.

Hoạt động bát nháo nơi đây phải kể đến phòng xét nghiệm- siêu âm ung bướu ở số 18 Nơ Trang Long do bác sĩ Phạm Trần Bảo Ngọc làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đảm trách chuyên môn. Vậy nhưng, lạ thay phòng khám này không có giấy phép hành nghề y nhưng vẫn vô tư hoạt động một thời gian dài, đến khi Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện vào cuối tháng 9/2013 mới chịu ngưng hoạt động.

Bất chấp hoạt động không phép, lợi dụng bệnh viện Ung bướu quá tải, phòng khám này còn móc nối với “cò” lôi kéo bệnh nhân qua phòng mạch để…khám nhanh với giá cắt cổ. Cách phòng khám này không xa, phòng khám Chuyên khoa Ung bướu ở 26 Nơ Trang Long thậm chí không có cả giấy phép hoạt động.

Hai bác sĩ nơi đây cũng công tác ở bệnh viện Ung bướu chưa có chứng chỉ hành nghề. Nhiều bệnh nhân là nạn nhân của phòng khám này, cho biết khi đến bệnh viện Ung bướu lấy số khám bệnh, liền được nhiều “cò” thông báo hết số, đồng thời dẫn qua phòng khám này khám nhanh và lấy tiền cò 200 nghìn đồng/lần.

Khi chúng tôi có mặt tại phòng khám số 48 đường Nguyễn Huy Lượng, nằm cách Bệnh viện Ung bướu TPHCM 50m, được yêu cầu bác sĩ đứng tên phòng mạch khám thì được thông báo bác sĩ vắng mặt, chỉ có bác sĩ khác khám.

Còn sát đó là phòng khám số 48B, bác sĩ nội khoa nhưng sẵn sàng làm luôn siêu âm. Loạn hơn là phòng khám số 42, mặc dù chỉ được làm ngoài giờ về xét nghiệm sinh hóa, huyết học nhưng nơi đây làm luôn cả xét nghiệm HIV.

Không chỉ ở Bệnh viện Ung bướu, khoảng 500m ở trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, nơi bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đóng chân cũng có hơn 40 phòng mạch chuyên khoa về cơ xương khớp, chỉnh hình…của hầu hết các bác sĩ ở bệnh viện này.

Lợi dụng quá tải, nhiều phòng khám ở đây cấu kết với “cò” lôi bệnh nhân ra phòng mạch tư để khám nhanh với giá cao gấp 3-4 lần so với trong bệnh viện.

Hoạt động “chui”, nhiều sai phạm

Có khoảng 15 nghìn cơ sở hành nghề y dược tư nhân đang hoạt động ở TPHCM, tuy nhiên không ít trong số đó đang hoạt động không phép. Kết quả thanh, kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế về cấp phép hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn TPHCM vừa qua, cho thấy mới chỉ có khoảng 2,5% cơ sở y tế được cấp phép hoạt động.

Theo Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM Bùi Minh Trạng, đang xuất hiện hàng loạt phòng khám ăn theo các bệnh viện, dù được cấp phép hoạt động ngoài giờ nhưng vẫn khám bệnh trong giờ, cấu kết với “cò” lôi kéo người bệnh. Điển hình là các phòng khám nằm quanh khu vực Bệnh viện Ung bướu TPHCM. “Nhiều phòng khám chưa có giấy phép hành nghề, vẫn lén lút hoạt động, hoặc hoạt động vượt quá chuyên môn cấp phép”- ông Trạng thừa nhận.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 7/2013, Hà Nội có 2.518 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 28 BV, 185 phòng khám đa khoa, 1.352 phòng khám chuyên khoa, 706 cơ sở y học cổ truyền.

Theo ông Cường, nhận thức của người hành nghề y dược ngoài công lập mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn hoặc kiểm tra xử lý vi phạm, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hoạt động quản lý hành nghề y tế tư nhân vẫn còn những hạn chế, thể hiện ở tình trạng vi phạm về phạm vi hành nghề, về quy chế chuyên môn còn phổ biến. Thậm chí, có những cơ sở chưa xin phép nhưng vẫn hoạt động. Những vi phạm trên đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người bệnh, đang là mối lo ngại cho toàn xã hội.

Theo Bộ Y tế một trong các vấn đề lớn nhất của y tế tư nhân ở Việt Nam là việc kê đơn bất hợp lý và bán thuốc tràn lan, chính điều này đã góp phần gây ra tình trạng kháng thuốc cũng như tăng tỷ lệ mắc tác dụng phụ. Thêm vào đó do thiếu các trang thiết bị cũng như kiến thức chung về y tế cộng đồng, việc chẩn đoán và điều trị của các thầy thuốc tư nhân cũng có nhiều bất cập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
TPO - Theo dự báo, từ ngày 22 đến 24/11, tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm, gây khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.