> Tạm ngừng tìm kiếm thi thể nạn nhân bị bác sĩ ném xuống sông
> Ngành y chưa hết bàng hoàng vì bác sĩ phi tang xác bệnh nhân
Hành động của vị thầy thuốc có dáng vẻ “hiền lành” làm ở một bệnh viện lớn, lại đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ, khiến một đại biểu Quốc hội, cũng là đồng nghiệp, phải thốt lên “đến xã hội đen cũng còn bất ngờ”…
Mọi phân tích, lên án trong trường hợp này đều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, dưới góc độ nào đó, có thể thấy thêm rằng hành vi ném xác phi tang là một thứ tạm gọi là “tội ác ngây ngô”.
Một người bình thường nhất cũng có thể hiểu rằng không thể che giấu được sự thật một cách “ngây ngô” như vậy. Nhất là khi hành vi phạm tội không phải chỉ riêng mình anh ta biết. Như một đứa trẻ thấy người lớn vội quăng món đồ chơi mình vừa làm hỏng rồi giấu tay ra sau lưng...
Có thể hành vi tàn độc quá ngưỡng tưởng tượng trên xuất phát từ những ám thị hoặc phần “quỷ dữ” vốn ẩn tàng trong con người anh ta nay bùng phát, nhìn từ tâm lý học. Nhưng dưới góc độ con người xã hội, đây không chỉ là tội ác đơn lẻ, mà còn cho thấy một nguy cơ. Nguy cơ của sự thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết pháp luật.
Nguy cơ của sự chối bỏ trách nhiệm bản thân, mà ngay chính nhiều trí thức cũng không có đủ tri thức về điều đó. Trong trường hợp này, nếu viên bác sĩ nọ biết và dám chịu trách nhiệm, tuân thủ mọi quy trình pháp luật, và biết sợ pháp luật thì sai lầm chết người ban đầu không đến nỗi trở thành một thảm kịch kinh hoàng như thế, cho cả xã hội.
Không rõ ở trường Y, ngoài chuyên môn, người ta có dạy kỹ năng, tâm lý ứng xử với những trường hợp bệnh nhân tử vong ngoài tiên lượng như vậy không? Không chỉ ngành y, mà với bất kỳ ngành nghề nào khác, nguy cơ rất lớn sẽ xảy đến nếu người ta chỉ biết cắm mặt vào sách vở, chuyên môn, cộng với động cơ thăng tiến, kiếm tiền một cách tham lam, ích kỷ.
Xã hội đang biến động dữ dội theo những xu hướng tâm lý vượt ngưỡng, không còn theo trật tự đơn thuần. Hàng loạt những “tội ác ngây ngô”, phi lý tương tự diễn ra. Liên tưởng vụ sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu người yêu, rồi đem phi tang xuống sông cách xa hàng trăm cây số.
Nhìn vào ngành Y, thấy bạo lực ngoài xã hội đang tràn vào bệnh viện. Bao nhiêu vụ người nhà bệnh nhân ôm mã tấu, đao kiếm ùa vào bệnh viện truy sát thầy thuốc. Rồi khiêng quan tài bệnh nhân đến nhà bác sĩ, đập phá, hành hung. Căn nguyên xã hội mang tính tàn bạo ấy dội ngược lại một cách âm thầm, đè nặng tâm lý của những người khoác áo blouse trắng. Sự lây nhiễm lạnh lùng, vô cảm của không ít y bác sĩ như là một thứ “phản xạ có điều kiện” chăng ?
Trở lại với vụ Cát Tường. Dù người đứng đầu ngành Y tế đã công khai thừa nhận đây là “lỗi quản lý của ngành”, nhưng bên dưới, từ Sở, phòng ban, bệnh viện, tới quận, và thậm chí cả phường vẫn đang tìm cách “đá” trách nhiệm cụ thể cho nhau. Một xã hội mà cấp nào cũng tìm cách phủi bỏ trách nhiệm của mình, thì nguy cơ rối loạn là hiển nhiên, không chỉ vì những thứ “tội ác ngây ngô”.