Những bữa cơm thấm máu và nước mắt

Những bữa cơm thấm máu và nước mắt
Nhìn chị bốc từng nắm kính vụn sắc lẹm, tôi lại nghĩ tới câu thơ được một nhà thơ "bất đắc dĩ" biến tấu đi: "Sống với kính máu chan cùng kính, những đứa con như ngọc sáng ngời". Trong ánh mắt người đàn bà đã bước sang tuổi đáng được "nghỉ hưu" này vẫn không ngừng hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn của các con chị.

> Nhọc nhằn nghề ‘đổ máu’

Máu ứa cùng kính

Chúng tôi về làng Ngô Xá, xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh) vào một ngày mưa thu dịu nhẹ. Đường làng vốn chật chội hôm nay trở nên trơn dễ bị trượt, lại càng chật hơn và luôn tấp nập người và xe hai ven đường là các chồng bao tải kính vỡ có mảnh đâm toạc khỏi bao "mai phục" người đi đường.

Nhìn các công nhân nhặt kính trên đầu đội nón lá, bịt khẩu trang kín đang hốt từng mảnh kính vụn đủ loại sắc nhọn như dao găm, có mảnh to như… mã tấu, sẵn sàng đâm vào thân thể con người khi họ sơ suất, chúng tôi không khỏi xa xót cho những thân phận con người lam lũ bước ra từ đồng ruộng giờ lại từng giây từng phút đối diện với cảnh đứt tay đổ máu. Dường như với họ máu đang ngày ngày chan lẫn vào miếng cơm manh áo của chính mình và người thân.

Chị Hồng bên ngổn ngang kính
Chị Hồng bên ngổn ngang kính.

Chị Hồng đã ngoài 50 tuổi vẫn hàng ngày mưu sinh nghề nhặt gom vào bao những mảnh thủy tinh vụn sắc lẹm. Mỗi ngày người đàn bà mảnh dẻ gầy guộc này cần mẫn lượm từng mảnh kính gom vào bao, dùng búa đập từng miếng ra đồng thời phân loại kính để cho vào bao khác nhau, từ sáng sớm đến tối mịt nhưng thu nhập không đáng là bao.

"Mấy năm trước làm cật lực mỗi tháng đủ 30 ngày thu nhập còn được 2 đến 3 triệu không đủ nuôi 3 đứa con ăn học, giờ kinh tế khó khăn làm không đủ ăn. Vẫn biết nghề nhặt kính thường xuyên đối mặt với hiểm nguy vất vả nặng nhọc, không may mảnh kính vỡ bắn cả vào người vào mắt gây đau đớn nhưng vẫn phải làm để mưu sinh. Do các con tôi học hành không đến nơi đến chốn nên hai đứa con gái đầu đi làm công nhân, còn đứa con trai thì đi phụ hồ thu nhập không đáng là bao, không đủ để lo cho việc dựng vợ gả chồng chưa nói đến việc nuôi con sau này", chị Hồng phân trần.

Chiếc găng tay của chị mặt bên lòng bàn tay màu đỏ thẫm, không biết do máu hay người ta nhuộm hay chính chị đã tự nhuộm đỏ để che đi những vết kính đâm làm chảy máu(!?). Nhìn chị bốc từng nắm kính vụn, tôi lại nghĩ tới câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã được một nhà thơ "bất đắc dĩ" biến tấu đi: "sống với kính máu chan cùng kính, những đứa con như ngọc sáng ngời". Trong ánh mắt người đàn bà đã bước sang tuổi đáng được nghỉ hưu này vẫn không ngừng hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn của các con chị.

Cùng chung một nghề nghiệp như chị Hồng là chị Chính (31 tuổi, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An). Sau khi lấy chồng và sinh một bé trai được gần hai năm, anh chị buộc phải gửi cháu lại cho bà nội chăm sóc. Chồng chị làm bảo vệ công ty. Chị từng đi làm công nhân may nhưng hết hạn hợp đồng công ty không ký mới do công ty sản xuất cầm chừng.

Sau khi "vác" hồ sơ đi khắp các công ty trong khu công nghiệp Yên Phong nhưng đều nhận được lời từ chối, chị đành nhắm mắt "đưa tay" đi làm nghề "bốc" kính những mong kiếm đủ tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền gửi về nhà mua sữa cho con nhỏ phụ giúp anh chồng làm bảo vệ thu nhập không đáng là bao. Chị hãnh diện "khoe" làm công việc này tuy nguy hiểm nhưng hơn ở quê quanh năm chỉ có mấy sào ruộng cấy trồng mà đói vẫn hoàn đói, làm gì dám mơ hàng năm dư ra được chục triệu thì ở đây mỗi tháng hai vợ chồng tằn tiện tiết kiệm được đến cả triệu đồng để lo cho con.

"Nhiều hôm tôi bưng bát cơm ăn mà mảnh kính còn cắm trên tay đau nhói rỉ máu, lúc đó chỉ biết ngắm hình đứa con thơ trong điện thoại mà tự động viên mình vươn lên thôi anh à", giọt mồ hôi chan lẫn giọt nước mắt lăn dài trên má người mẹ trẻ.

Trên bàn tay trái chị có vết sẹo khá rộng, bàn tay khô ráp của chị đã bắt đầu chai sạn vì những mảnh kính nhỏ làm xây xước. Khuôn mặt đã điểm những nét chân chim của chị hiện lên nụ cười nhọc nhằn đầy chất phác của người nông dân lam lũ miền Trung giàu nghị lực, chịu đựng và bắt đầu dần yêu cái công việc vốn không dành cho phụ nữ này.

Việc nặng nhọc hơn được đặt lên vai nam giới nhiều hơn, anh Nguyễn Văn Trung (43 tuổi) hàng ngày đi thu gom các mảnh kính về tập kết. Công việc này đòi hỏi sức lực và tính cẩn thận rất cao vì chỉ một sơ xuất nhỏ có thể đánh đổi bằng vết thương, thậm chí tính mệnh của người đi đường và của chính mình.

Có nhiều lần không may bị kính rơi làm xây xước chân tay, trên đùi anh có đầy vết sẹo. Khi được hỏi sao không tìm công việc khác?'' Tôi có muốn làm công việc thường xuyên đối mặt với tử thần này đâu, tại không thể tìm được công việc nào khác để có thu nhập vài chục nghìn một ngày nên đành phải sống chết với nghề.

Những hệ lụy môi trường

Ông Nguyễn Song Lâm, trưởng thôn Ngô Xá thở dài: "Trên mười năm nay xuất hiện nhiều hộ làm nghề tái chế vật liệu, hiện có hơn 20 hộ thu gom kính vụn và nhựa về xử lý để tái chế. Môi trường ô nhiễm lắm nhà báo à, mùi chất thải, hóa chất bốc lên nồng nặc khắp nơi, kênh ngòi nước đục ngầu, có thời gian chú cứ đi quanh thôn một vòng là thấy hết. Trước đây có đoàn cán bộ về quay phim chụp ảnh nhưng rồi không thấy xử lý được đâu lại vào đó. Tôi có lần nhắc nhở các hộ này thì người ta lớn tiếng còn văng nọ văng kia với tôi, chẳng lẽ là trưởng thôn tôi lại đi tố cáo gây mất tình làng nghĩa xóm, thật sự khó xử lắm. Đặc biệt là mỗi tuần có một xe chở bơm kim tiêm về đây xử lý tái chế mùi tàn dư của thuốc cộng với hóa chất xử lý bốc lên nghi ngút làm cho dân kêu than nhiều lắm".

Rác thải khắp nơi trong thôn
Rác thải khắp nơi trong thôn.

Cũng theo ông Lâm đã một tháng nay không còn đội thu gom rác nữa do hết hạn hợp đồng và mức phí thấp nên họ không làm nữa. Mức phí chỉ có 130 triệu đồng/năm quá thấp so với công việc thu gom rác vất vả. Bây giờ muốn ký hợp đồng tiếp bên thu gom rác đòi thù lao cao hơn, trong khi ngân sách thôn không đủ chi trả.

Tình hình này càng dẫn tới vấn đề môi trường nơi đây trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Hiện nay thôn Ngô Xá có gần 5.000 nhân khẩu. Cộng với khoảng gần 4.000 công nhân trong khu công nghiệp Yên Phong về trọ tại các nhà trọ do dân xây dựng nên áp lực môi trường do dân số cơ học càng làm cho tình hình ô nhiễm môi trường tăng lên.

"Bên cạnh tình hình an ninh trật tự địa phương có diễn biến phức tạp và môi trường sống không còn trong lành nữa, hầu hết ao hồ quanh làng bị san lấp để xây dựng, hệ thống cống rãnh thoát nước bị ách tắc trầm trọng do quá tải. Bãi rác tập trung được xây dựng từ mấy năm trước nhưng nay đã có dấu hiệu quá tải và vẫn chưa có phương án xử lý kịp thời. Đây là những vấn đề đáng báo động hiện nay của thôn", một cán bộ cấp ủy thôn Ngô Xá cho biết.

Theo những người dân nơi đây việc các hộ làm nghề thu gom tái chế kính gây nên nhiều vấn đề. Trong số đó trẻ em không có chỗ để chơi, trẻ em dễ bị trầy xước khi chạy nhảy giẫm phải mảnh thu ãy tinh rơi ra khắp đường. Đây là một trong những vấn đề môi trường mà việc thu gom tái chế kính đem lại hậu quả.

Khi tôi quay lại đường cao tốc để về Hà Nội thì chiếc xe máy bỗng nhiên chao đảo, dừng kiểm tra thì lốp sau đã xẹp, dắt bộ ra trước cổng công ty Sam Sung thì có một anh xe ôm kiêm nghề tay trái "tình nguyện" vá với giá "mềm". Vừa vá anh ta vừa hỏi nhà báo vào Ngô Xá phải không(!?), nhìn mảnh kính đang gắn trong lốp xe này không lẫn đi đâu được. Tôi làm nghề xe ôm đã lâu, trong hành trang luôn "thủ" sẵn dụng cụ đề phòng vì chuyện bị thủng lốp như... cơm bữa.

Từ biệt Ngô Xá, trong lòng tôi luôn ám ảnh về gương mặt những người phụ nữ làm công việc không chỉ vất vả nguy hiểm, thậm chí có thể trả giá bằng một phần thân thể họ. Những người phụ nữ làm nghề vốn không dành cho phái yếu này có hoàn cảnh thân phận khác nhau.

Tuy nhiên, tựu trung lại họ là những người nông dân chân chất bước ra từ ruộng đồng sẵn sàng chấp nhận đổ máu để hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn cho những mầm non của đời họ

Theo Sơn Hà
CAND

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.