Tiếng la hét ở những ngôi làng

Tiếng la hét ở những ngôi làng
TP - Chỉ trong giây lát, cơn lốc đã cày nát năm ngôi làng nằm dọc sông Rào Nan của xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

> 15 người chết, mất tích do bão lũ
> Hà Tĩnh: Lũ nhấn chìm 3 huyện miền núi

Tiếng la hét ở những ngôi làng ảnh 1

Xem thêm những hình ảnh tang thương sau cơn lốc xoáy mà PV Tiền phong ghi lại TẠI ĐÂY

Ngày thứ hai sau cơn lốc mạnh vào lúc nửa đêm làm 2 người chết, 36 người bị thương nặng, hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái tại hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, cả vùng Nam Quảng Trạch vẫn bạc trắng nước lũ. Quan chức địa phương, các nhà hảo tâm... trên đường về vùng lốc xoáy đều bị kẹt lại phía nam chân cầu Quảng Hải.

Nằm phía bên kia sông Rào Nan, làng Hà Sơn, xã Quảng Sơn giờ chỉ còn lại một màu bạc trắng, xác xơ. Muốn vượt qua dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy lúc này, chỉ duy nhất xuồng cao tốc của bộ đội Biên phòng.

Ông Nguyễn Văn Lân, trưởng thôn Hà Sơn, người bám đầy bùn đất, giọng ngắt quãng: “Không còn gì hết chú ơi. Thôn có 69 hộ thì có 9 nhà sập hoàn toàn, 5 nhà sắp sập, số còn lại tốc hết mái. 12 người bị thương nặng đang nằm viện không biết chết sống ra sao”. Theo ông Lân, cơn lốc xoáy quá mạnh và quá nhanh, lại diễn ra trong đêm tối nên người dân trở tay không kịp.

Ông Nguyễn Minh Lới (70 tuổi) dùng cuốc cào đống đổ nát trước sân với hi vọng có thứ gì đó còn sót lại, kể: “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng. Tui đang ngủ, giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng rít ầm ầm. Chưa kịp biết chuyện chi thì nghe một tiếng ầm, tui ngất lịm. Khi tỉnh dậy, thấy người nặng trĩu, sờ xung quanh thì toàn là gạch đá đè lên người. Kêu cứu nhưng chẳng có ai, tui từ từ gạt từng viên đá rồi ngồi dậy được. Với tay sang bên thì đụng trúng bà ấy. Tui vừa gạt gạch đá, vừa lay gọi bà ấy rồi hai vợ chồng cũng dìu nhau bò ra sân. Định thần lại, tui mới nghe tiếng người kêu cứu thất thanh, rồi tiếng trâu bò, lợn gà kêu rống thảm thiết khắp làng. Giờ hai vợ chồng người đầy vết thương, muốn đi khám coi bị chi không nhưng không có tiền”.

Kế bên nhà ông Lới là nhà chị Võ Thị Huế cũng bị mất một nửa ngôi nhà. Chị Huế nói: “Tui đang ngủ, nghe rầm một tiếng, gạch đá bay tung tóe. Lồm cồm bò dậy chạy sang giường mệ thì vấp phải đá bổ nhào đập mặt xuống nền. Đang quờ quạng thì gặp chân mệ, tui lần mò gạt đá kéo được mệ ra thì phát hiện đầu mệ chảy máu lênh láng. Không biết kêu ai, chồng tui xé áo cuốn hết đầu mệ. Máu ra nhiều, nhìn mệ thoi thóp nhưng không biết làm răng. Chờ đến sáng, mọi người mới đến giúp cõng mệ chèo thuyền qua sông, chạy về bệnh viện. Đã chuyền hết 3 bịch máu nhưng giờ mệ vẫn chưa tỉnh”.

Ở phía đầu làng, trên nền một ngôi nhà gỗ bị sập, trên đó là một con heo và bé gái nhỏ xíu Mai Thị Hồng Đào, học lớp 1 đang mân mê mấy cuốn vở bị ướt. Nghe tiếng người hỏi, anh trai Mai Văn Đông, học lớp 6 đang chui dưới đống đổ nát ngoi đầu lên.

Đông cho biết, nhà sập đè lên, mẹ cháu là Trần Thị Lan bị gãy xương cổ, chấn thương sọ não đang nằm viện. “Mấy chú đưa mẹ cháu đi viện về, nói là tìm chứng minh nhân dân của mẹ để được hưởng bảo hiểm. Cháu chui vô, lục tung cái đống ni khi sáng đến giờ mà không thấy mô cả, chỉ lôi ra được mấy cuốn vở thôi” - Đông nói.

Cột xác người vào cây

Cháu Đông chui rúc, lục tung cả đống đổ nát nhưng vẫn không tìm thấy chứng minh thư cho mẹ để làm thủ tục bảo hiểm
Cháu Đông chui rúc, lục tung cả đống đổ nát nhưng vẫn không tìm thấy chứng minh thư cho mẹ để làm thủ tục bảo hiểm.
 

Sau khi tàn phá làng Hà Sơn, cơn lốc quật sang phải, vượt sông Rào Nan tàn phá 247 hộ ở làng Linh Cận Sơn. Nhà của nạn nhân Mai Xuân Phụ (56 tuổi), có khá đông thanh niên đang giúp che chiếc bạt trước sân để gia đình trú ngụ. Bà Phạm Thị Hương, vợ ông Phụ xới bát cơm để lên bàn thờ chồng kể về thân phận bạc bẽo của mình.

Ông bà lấy nhau sinh được 5 đứa con, thì lần lượt nuốt nước mắt đưa tiễn 3 đứa về trời vì gặp bệnh hiểm nghèo khi chúng đang tuổi đi học. Nhà không có công ăn việc làm, ông Phụ thì đau yếu, bà và hai đứa con phải phiêu bạt miền Nam nuôi lợn thuê cho họ.

Đang yên tâm làm ăn thì bà Hướng bất ngờ nhận được điện thoại từ làng vào, ông Phụ chết do nhà sập. Bà Hương cùng hai con tức tốc bắt xe về trong đêm, khi đến cầu Quảng Hải mẹ con bà mắc kẹt hơn một ngày ở đó mới về đến nhà. Đợi lâu không thấy mẹ con bà về, nước lũ thì lên nhanh, không ai canh giữ thi hài người chết, dân làng đành mang ông đi chôn.

“Tui về nghe mọi người kể lại, ông ấy bị tường đè nát người. Nhà nào trong làng cũng bị thiệt hại nặng, nên khi lôi được ông ấy ra, mọi người đành dùng dây cột xác ông ấy vào gốc cây vì sợ nước lũ cuốn trôi để còn đi cứu người khác. Khi đưa ông ấy ra huyệt thì chìm thuyền, may có bộ đội Biên phòng ra vớt vào, không thì xác ông ấy đã trôi ra biển” - bà Hương nói.

Chung tay cứu trợ đồng bào miền Trung

Ngày 17/10, ông How Kam Chiong, Tổng giám đốc Cty TNHH Amway Việt Nam thay mặt cho cán bộ nhân viên công ty đã đến tòa soạn báo Tiền Phong trao tặng số tiền 50.000.000 đồng góp phần ủng hộ đồng bão miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước đó, anh Hoàng Ngọc Phương, đại diện diễn đàn www.alomobile.vn cũng tới cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM gửi 100 thùng mì tôm ủng hộ đồng bào bão lut.

Chiều 17/10, đại diện siêu thị Co.opmart Thanh Hóa (thuộc hệ thống Saigon Co.op của Liên hiệp Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh) đã trao 50 suất quà cho người dân vùng mưa lũ xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), tổng trị giá 15 triệu đồng.

Chiều 17/10, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, Hà Nội quyết định trích 4 tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ thiên tai của MTTQ thành phố hỗ trợ các tỉnh miền Trung sau cơn bão số 11.

Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đón chúng tôi phía bờ thôn Hà Sơn, nói: “Đời binh nghiệp của tôi đã qua không biết bao nhiều đợt phòng chống thiên tai địch họa, nhưng chưa bao giờ chứng kiến thảm cảnh như ở đây”.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG