1 giờ 15 phút ngày 15/10, tại TP.Đà Nẵng, gió càng lúc càng rít mạnh. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ tăng sức gió, bão Nari khiến hàng loạt cây cối, một số nhà bị tốc mái. Theo nhận định, gió mạnh dần lên cấp 8-9 và tiếp tục gia tăng. Gió đánh mạnh vào mái tôn, bảng hiệu, mạn nhà cao tầng tạo tiếng rít dài, khiến nhiều người dân Đà Nẵng không thể chợp mắt.
Tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11 (UBND TP.Đà Nẵng), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vẫn túc trực để cập nhật tình hình. Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ yêu cầu chủ tịch UBND quận huyện túc trực 24/24 giờ để chủ động ứng phó với bão.
0 giờ 45 phút, trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, Phó BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng cho hay: đang tiếp nhận thông tin về một số nhà ở Liên Chiểu- vùng tâm bão đổ bộ bị tốc mái. Số cây đổ mỗi lúc một nhiều.
Trước đó, 23 giờ ngày 14/10, toàn thành phố Đà Nẵng mất điện trên diện rộng sau khi một số nơi mất cục bộ và tình trạng lúc mở, lúc cắt điện. Toàn thành phố chìm trong bóng tối, chỉ lác đác một số nhà cao tầng, khách sạn giăng điện nhờ hệ thống máy phát.
22 giờ 45 phút, tại cầu Sông Hàn (TP.Đà Nẵng), một dây văng bị giãn, lắc lư mạnh theo gió. Mé cầu bên phía cầu Rồng, một mảng tôn lớn ốp thành cầu bị văng ra ngoài. Gió giật mạnh, phương tiện lưu thông qua cầu rất hạn chế. Cầu Sông Hàn, Thuận Phước và nhiều tuyến phố chính bị cắt điện.
Tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng),gió lớn khiến các tàu neo đậu bị xô dồn, nghiêng ngả. Theo các ngư dân, nếu gió tiếp tục gia tăng, sẽ khiến nhiều tàu bị xô vỗ, đánh chìm.
22 giờ phút, PV Nguyễn Huy trực tiếp trên địa bàn quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) ghi nhận những cơn gió giật mạnh kèm mưa lớn liên tiếp quất dọc tuyến đường, khu dân cư. Sức gió mỗi lúc một gia tăng. Gió liên tục rít mạnh. Người dân không thể lưu thông.
Trên tuyến đường ven bển Nguyễn Tất Thành, hầu hết các phương tiện xe máy không thể lưu thông. Xe ô tô hạn chế tối đa. Sóng biển vỗ bạc đầu vào bờ kè. Liên tiếp những cơn sóng xô dồn, nguy hiểm, tung bọt phủ cả đỉnh bờ kè.
Nhiều tuyến dân cư bị mất điện. Tại khu vực Hòa Minh (Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), một trong những vùng trực diện bị ảnh hưởng bởi tâm bão 11, có nhiều cây cối lớn bị ngã đổ, bật gốc, ách tắc giao thông.
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ. Mực nước các sông trên địa bàn lên nhanh.
20 giờ 30 phút, tuyến đường ven biển Hoàng Sa- Trường Sa, mưa lớn bao phủ, tầm nhìn hạn chế, gió mạnh. Phía ngôi nhà cao tầng, gió quất vào mạn tường, rít từng hồi dài. Hàng loạt tấm bảng quảng cáo, pano, áp pích bị xé rách.
Ở những giao lộ chính, lực lượng CSGT túc trực, sẵn sàng cấm đường khi thời tiết nguy hiểm.
20 giờ, trên tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng… các hàng quán, nhà cửa, cơ sở kinh doanh được người dân gia cố cẩn thận.
Theo BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng, 11.000 hộ với 55.000 người, chủ yếu thuộc các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và đặc biệt là huyện Hòa Vang (nơi được dự báo là tâm bão) đã được sơ tán đến nơi an toàn với phương châm sơ tán tại chỗ. Trong đó, 15h chiều nay, các lực lượng chức năng đã sơ tán được 8.000 hộ với 42.000 người về nơi trú ẩn an toàn.
BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng đã kêu gọi hơn 1.200 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ở vùng nguy hiểm không còn tàu cá nào hoạt động.
Đại tá Dương Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho hay: đơn vị huy động lực lượng túc trực, đảm bảo an toàn tàu thuyền, ngư dân. Điều lo ngại nếu bão đổ bộ với sức gió giật cấp 14-15, nhiều tàu thuyền neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang sẽ dễ gặp nạn vì va đập, gió xoáy.
Một số hình ảnh khi bão đổ bộ Đà Nẵng tối nay (14/10)
Trước đó, 18 giờ cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ trực tiếp thị sát âu thuyền Thọ Quang, khu neo đậu tàu thuyền. Theo ông Thọ: đến 20 giờ tối cùng ngày, ngành chức năng phải vận động các ngư dân còn trên tàu thuyền lên bờ, trú tránh.
Nhiều địa phương khẩn cấp di dời dân
Tại Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của bão số 11, ở Thừa Thiên Huế đã triển khai phương án phòng chống từ chiều 13/10. Sáng 14/10, ngoài việc kêu gọi 1.810 phương tiện tàu, thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú bão, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án di dời 3.463 hộ với 11.042 nhân khẩu thuộc các vùng sạt lở ven biển, ven sông ra khỏi vùng nguy hiểm.
Các địa bàn huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền... chủ động sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn, đưa hết người lên bờ, tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Xác định bão số 11 diễn biến phức tạp, tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Các địa phương trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; chủ động phương án đối phó bão kết hợp với lũ, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ven biển và miền núi; sơ tán dân khi có tình huống thiên tai khẩn cấp. Để chủ động khi bão diễn ra dài ngày, tỉnh này đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 230 ngàn lít xăng, dầu hỏa, diezel.
Riêng 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, mỗi huyện dự trữ thêm 30 tấn gạo, 10 tấn muối và các loại nhu yếu phẩm để đề phòng sạt lở tắc đường, hỗ trợ kịp thời tại chỗ cho người dân khi cần thiết; đồng thời chỉ đạo các cơ sở lưu trú trên địa bàn sắp xếp, kiểm soát chặt chẽ các khách sạn bảo vệ an toàn cho khoảng 7.672 khách du lịch đang lưu lại ở địa phương.
Quảng Bình đã lên kế hoạch sơ tán 6.111 hộ với 27.148 người của 7 huyện , thị. Tỉnh Quảng Trị là 13.121 hộ với 43.680 người tại 10 huyện, thị. Thừa Thiên – Huế là 6 huyện, thị với 3.463 hộ/11.042 người. Tỉnh Quảng Nam là 4.686 hộ/18.674 người dân của 5 huyện, thị. TP Đà Nẵng có số lượng dự kiến sơ tán đông nhất, 11.000 hộ/55.000 người dân của 7 quận, huyện.
Tại miền Trung, công tác kiểm, đếm, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão cũng được triển khai khẩn trương. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo, hướng dẫn cho tổng số 44.343 tàu với 180.734 người lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 04 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Ông Hải cho hay: với tốc độ di chuyển 15km/h, khoảng từ 2 đến 8 giờ sáng 15/10, tâm bão Nari chính thức đổ bộ đất liền các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Trị- Quảng Ngãi, trọng tâm giữa Đà Nẵng- Hải Vân với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15. “Điều bất lợi bão số 11 so với những cơn bão gần đây là nó đổ bộ vào ban đêm, người dân dễ chủ quan, trong khi khả năng quan sát, ứng phó của cơ quan chức năng bị hạn chế”, ông Hải nhận định. |