> Tướng Giáp và cuộc chiến tranh chống Mỹ
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
Sau cuộc tiến công (Xuân 1968 – TP), ông Giáp nói: “Các giới ở Lầu Năm Góc đã nhận ra rằng họ không còn có một cơ hội nào để thắng cuộc chiến tranh về mặt quân sự. Hơn nữa họ thấy họ đang thua về mặt quân sự. Chính trong tình hình này mà vấn đề “Hòa bình trong danh dự” được đặt ra đối với họ.
Cách nói này trước đây đã được bọn thực dân Pháp dùng trước trận Điện Biên Phủ. Việc nước đế quốc lớn nhất thế giới đã bị đẩy tới chỗ phải tìm một kết cục như vậy cho một cuộc chiến tranh xâm lược là điều rất chua chát đối với bọn đế quốc và một điều rất khích lệ đối với chúng ta, đối với nhân loại tiến bộ”.
Cuộc tiến công mùa Xuân mà ông Giáp phát động qua khu phi quân sự năm nay (1972 – TP) là một điều chứng minh cho Nixon thấy rằng quân đội Nam Việt Nam không thể “đứng vững được một mình” - theo chữ dùng của ông. Một sự tiêu hao đáng chú ý của quân đội Việt Nam cộng hòa, một sự giành giật được nhiều đất đai sẽ làm cho Nixon không còn có bất kỳ hành động nào nữa, trừ việc thương lượng với những điều nhượng bộ.
“Chiến tranh du kích tạo điều kiện cho quần chúng tiến hành các cuộc nổi dậy và giành chính quyền ở cơ sở. Nhưng chỉ có chiến tranh chính quy mới có khả năng tiêu diệt kẻ địch giải phóng những vùng rộng lớn. Chiến tranh du kích phải tiến lên chiến tranh chính quy”. Đại tướng Võ nguyên Giáp |
Trước tình trạng Hà Nội rõ ràng bị cô lập về mặt ngoại giao do có những thỏa thuận của Nixon với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh (một tình thế giống một cách kỳ lạ với tình hình mà ông Hồ Chí Minh đã gặp sau Điện Biên Phủ và buộc ông phải chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp), cuộc tiến công 1972 là một sự thử thách quan trọng. Thiệu gọi nó là trận quyết định của cuộc chiến tranh.
Năm 1970, ông Giáp đã đưa ra luận thuyết mới của ông trong một cuốn sách xuất bản ở Hà Nội, “Chiến tranh du kích tạo điều kiện cho quần chúng tiến hành các cuộc nổi dậy và giành chính quyền ở cơ sở. Nhưng chỉ có chiến tranh chính quy mới có khả năng tiêu diệt kẻ địch giải phóng những vùng rộng lớn. Chiến tranh du kích phải tiến lên chiến tranh chính quy”.
Trong một nỗ lực mới, ông Giáp bắt đầu huấn luyện và trang bị cho một đội quân chính quy bằng xe tăng, đại bác, tên lửa điều khiển và lần đầu tiên có kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh chính quy – hy vọng giải phóng nhiều vùng rộng lớn.
Được Mỹ trang bị tận răng nhưng quân đội Sài Gòn không thể đọ được Quân giải phóng. |
Kể từ năm 1965, lúc các cuộc ném bom của Mỹ buộc Bắc Việt Nam phải xây dựng các trạm tên lửa và học cách sử dụng máy bay Mig, cuộc tranh luận về vấn đề tăng cường binh lực đã diễn ra trong nội bộ đảng. Vấn đề chủ yếu là không được quên thực chất của chiến tranh nhân dân, với tính cơ động, tinh thần và tính sáng tạo của nó, không được mờ mắt trước kỹ thuật.
Mới đây, ông Phạm Văn Đồng có nói: “Thắng lợi của chúng ta sẽ là thắng lợi của con người đối với kỹ thuật”. Và đối với ông Giáp cuộc tiến công là một trách nhiệm khủng khiếp. Nếu nó thất bại thì 30 năm đấu tranh và hy sinh có thể sẽ mất hết và Đảng có thể mất quyền kiểm soát.
Hòa bình với “danh dự”: Tổng thống Nixon chỉ có thể đòi như vậy
Đã có những vấn đề về tuyển quân nảy ra. Trên báo Quân đội đã có những lời kêu ca là cán bộ chính trị không chịu làm công tác ở nông thôn. Ông Giáp bắt đầu một chiến dịch mới về tiết kiệm.
Trước kia ông nói: “Đối với vũ khí hiện đại, người ta chống lại bằng chủ nghĩa anh hùng vô giới hạn”.
Bây giờ đây, trong một loạt bài nói chuyện quan trọng, ông nói: “Lúc chúng ta tập trung lực lượng chúng ta phải tính toán kỹ càng. Về mặt số lượng, càng ít càng tốt”. Nhân dân phải làm chủ chiến trường “trong khi chịu tổn thất ít hơn về phía chúng ta”.
Ông nói: “Lúc cần thiết, chúng ta phải thay đổi những hình thức chiến tranh đã lỗi thời, chúng ta không được áp dụng lại một cách máy móc kinh nghiệm trước kia”.
Lật ngược lại hoàn toàn 25 năm kinh nghiệm, ông Giáp nói rằng trong tương lai các đơn vị chủ lực phải tạo ra những điều kiện cho các hoạt động du kích. Trước kia tình hình ngược lại thế, khẩu hiệu của ông dùng trong chiến dịch sắp tới là: “Đánh bại số đông với số ít”.
Đầu năm nay, lúc các khẩu đại bác 130mm của ông Giáp đặt dưới hầm sâu nã vào các căn cứ hỏa lực của quân đội Việt Nam cộng hòa tại phía nam khu phi quân sự, các cố vấn Mỹ phải kinh ngạc trước tính chất dữ dội của các trận bắn phá đó.
Một cố vấn Mỹ nói với tôi “Chúng tôi rất chú ý đến Tết và chúng tôi đang chờ đợi sẽ xảy ra điều gì đây nhưng chẳng có điều gì giống như vậy cả”.
Nụ cười lính Cụ Hồ, lính ông Giáp. |
Bỗng nhiên người ta thấy hình như là vô nghĩa nếu đem quân lính Việt Nam cộng hòa đi lên các vùng đồi núi đó để bảo vệ khu vực phía Bắc. Không có vấn đề giữ họ làm gì. Sư đoàn 3 đã bỏ chạy tán loạn, và sẽ không bao giờ được thành lập lại. Chẳng những tình báo Mỹ không phát hiện được là cuộc tiến công sắp xảy ra mà họ cũng không hề ngờ được rằng ông Giáp đã tập trung nhiều chiến cụ đến như thế. Cũng như người Pháp ở Điện Biên Phủ, họ không thể hình dung được là số chiến cụ đó đến địa điểm như thế nào mà không bị phát hiện.
Từ đó trở đi các cố vấn Mỹ coi cuộc tiến công của ông Giáp là một cuộc chiến tranh chinh phục kiểu phương Tây và tuyên bố rất sớm sủa rằng ông ta sẽ thất bại. Họ nói ông ta không thể duy trì được cuộc tiến công xảy ra ở nơi xa các căn cứ của ông mà quên mất rằng sức mạnh truyền thống của ông Giáp là các kho vũ khí đầy ắp của ông chôn cất dưới đất.
“Kẻ nào là bọn man rợ của thế kỷ 20? Và ai là những người duy nhất đã chặn bàn tay chúng lại?”. Đại tướng Võ nguyên Giáp |
Đến tháng 9 (1972), các quan chức Mỹ nói rằng ông Giáp đã thất bại vì ông không thể chiếm giữ được một tỉnh lỵ nào. Họ bối rối không hiểu vì sao ông không tiến thẳng từ Quảng Trị theo đường số 1 vào để chiếm Huế. Nhưng đó không phải là thuyết của ông Giáp. Sẽ là một cuộc tự sát khi chiếm lấy một thành phố rồi bị các cuộc oanh tạc của B.52 phá tan. Nguyên tắc mà ông Giáp sử dụng vẫn giống như nguyên tắc ông đã sử dụng ở Đắc Tô, Cồn Tiên, đồi Hamburger (Đồi Thịt Băm): “Ta phải tránh những tổn thất đau đớn khi cố sức chiếm giữ đất với bất cứ giá nào. Chiến sĩ của ta không bao giờ ta được phí phạm chỉ vì mục đích bảo vệ hoặc chiếm lĩnh đất đai”.
Lúc thành Quảng Trị bị quân đội Việt Nam cộng hòa chiếm lại vào tháng 9, theo lệnh của Thiệu sau một trận đánh rất tốn kém kéo dài trong 5 tháng, nó chỉ còn là một đống gạch vụn.
Ông Giáp đã chuyển cuộc tiến công vào những nơi khác trong khi bản thân tỉnh đó vẫn nằm trong tay ông. Cuối cùng hầu như ông đã thành công. Đến tháng 10, quân đội Việt Nam cộng hòa bị thiếu các đơn vị chiến đấu chiến lược một cách nghiêm trọng. Những đơn vị còn để lại bị tập trung vào những trận đọ súng rất tổn hại ở 3 hoặc 4 điểm chủ yếu hoặc bị dàn mỏng ra khắp cả nước để đối phó với các cuộc tiến công du kích hoặc bảo vệ các trung tâm dân cư. Rõ ràng là họ không thể cướp lại hoặc chiếm lại các vùng “đã bị giải phóng”.
Trong một tháng, khi đã điều đi nơi khác tất cả các đơn vị chủ lực của quân đội Việt Nam cộng hòa, Việt cộng phá sạch công cuộc bình định ở vùng châu thổ, và một lần nữa việc đi ra ngoài các thành phố trở thành không an toàn. Vào thời gian mà người ta đã bàn tán đến một giải pháp trong tháng 10, các sư đoàn của quân đội Bắc Việt Nam tập trung ở biên giới Campuchia ven vùng châu thổ và hoạt động thâm nhập của họ diễn ra hầu như không bị ngăn chặn. Wilbur Wilson cố vấn cao cấp của Mỹ ở vùng châu thổ có nói với tôi là tình hình đã trở lại như hồi năm 1965.
Khi báo tin với giới báo chí ở Washington rằng quân đội Nam Việt Nam thực ra đã bị “thua thiệt” nhiều, ông Bray, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm rằng cộng sản có cái lợi thế là có khả năng tập trung các cuộc tiến công vào một mục tiêu đặc biệt, trong khi đó quân Nam Việt Nam phải chuyển lực lượng dự bị đi khắp nơi để bảo vệ cả nước.
Tình hình trông giống như là cái công thức thần kỳ của vị tướng cộng sản cuối cùng đã phát hiện được nhưng không ai có thể làm được điều gì để khắc phục “những mâu thuẫn của cuộc chiến tranh thực dân xâm lược” (Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mâu thuẫn đó chính là việc đội quân xâm lược không bao giờ đủ lực lượng để chiếm đóng khắp nơi – TP).
Cuối cùng hình như bên nào cũng khoe là mình thắng lợi trong giải pháp hòa bình - và chắc chắn là mỗi bên hình như đã phải nhận những sự thỏa hiệp - trong khi Việt cộng và cảnh sát của Thiệu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hao mòn đẫm máu và không tránh khỏi ở Sài Gòn và ở nông thôn. Một giải pháp, thực sự hình như nếu có thì còn lâu mới đạt được. Nixon chỉ có thể khoe là ông ta đang thực hiện hòa bình trong “danh dự”. Cuộc ném bom hủy diệt ở miền Bắc, được phát động trong thời gian đàm phán để tìm giải pháp, hình như đã chỉ rõ điểm này.
Trong các sách và bài phát biểu của mình, ông Giáp thỉnh thoảng thích nói tới đòn đau đã gây ra cho người Mỹ là những người liên tục thất vọng vì không giành được thắng lợi ở Việt Nam, nó đã làm lung lay đến mức nào quan điểm của người Mỹ là người của nước mạnh nhất thế giới. Ông Giáp chỉ rõ tính chất tàn bạo của bộ máy chiến tranh lớn nhất thế giới được tung ra để đánh lại một nước gồm toàn nông dân.
Ông tự thấy mình - và hình như là như vậy - là một trong hàng loạt những vị chỉ huy của Việt Nam đã chặn đứng quân Mông Cổ, quân Trung Quốc, quân Xiêm La. Mới đây ông Giáp có nói: “Kẻ nào là bọn man rợ của thế kỷ 20? Và ai là những người duy nhất đã chặn bàn tay chúng lại?”.
James Fox
The Sunday Times Magazine -1972( tiếp theo và hết)