Vì sao tầm vóc người Việt thấp bé?

Vì sao tầm vóc người Việt thấp bé?
TP - Theo ngành Y tế, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ dưới 5 tuổi vẫn cao, đặc biệt vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm. Đây là nguyên nhân tình trạng chiều cao thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế.

> Sữa học đường: Lợi ích dành cho trẻ
> Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu vi chất cần thiết

Một số ít trẻ em được uống sữa tại trường mầm non
Một số ít trẻ em được uống sữa tại trường mầm non.

Nam, nữ đều thấp so với chuẩn

PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn. So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc của thanh niên Việt Nam kém hơn.

Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giai đoạn tuổi học đường rất quan trọng, vì đây là thời điểm trẻ tăng nhanh về thể lực, phát triển giới tính và hình thành nhân cách. Giai đoạn học sinh tiểu học từ 6-10 tuổi là giai đoạn có tốc độ phát triển chậm hơn nhưng lại tích lũy các chất dinh dưỡng cho phát triển thể lực nhanh ở giai đoạn vị thành niên sau này.

Chưa có số liệu điều tra mang tính toàn quốc về dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi học đường, tuy nhiên nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và nghiên cứu của trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho thấy: Vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm nhiều, chiều cao, cân nặng của trẻ em Việt Nam lứa tuổi học đường luôn thấp hơn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thấp do chế độ ăn uống không đầy đủ

Trong Quyết định 641/QĐ-TTg, Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân cho người Việt Nam là khoảng 6cm trong 25 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng trong vòng 15 năm từ 1985 - 2000, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng được 1,5cm.

Theo bà Lâm, một trong các nguyên nhân quan trọng của tình trạng trẻ em thấp còi, yếu thể lực là do chế độ ăn không đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng quá kém, trong đó có bữa ăn gia đình và tại trường học. Tình trạng này xảy ra khi trẻ bị thiếu một bữa ăn trong ngày mà phổ biến nhất là trẻ không có bữa ăn sáng tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên...

Riêng đối với khẩu phần canxi (một chất khoáng để tạo xương phát triển chiều cao của trẻ) trung bình trên một trẻ em tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 49% nhu cầu. Để cơ thể trẻ có thể hấp thu được lượng canxi trong thức ăn cần có tỷ lệ canxi nhiều hơn phốt pho.

TS Lê Bạch Mai cho biết thêm, tỷ lệ này chỉ có được trong sữa và các chế phẩm của sữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ trung bình này chỉ là 0,8 vì nguồn canxi trong bữa ăn hằng ngày của trẻ chủ yếu từ đậu, rau, củ, thức ăn thực vật… Điều này lý giải phần nào tình trạng 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam bị thấp, còi.

Sữa là nguồn thức ăn bổ sung giàu đạm và vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi một số vitamin cần thiết có thể hỗ trợ cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học giảm suy dinh dưỡng. Trong khi trẻ em Việt Nam ít được uống sữa. Tỉ lệ sử dụng sữa trên đầu người tại Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực và trên thế giới, đạt khoảng 14 lít/người/năm. Con số này tại Thái Lan là 23 lít, Trung Quốc là 25 lít.

Chương trình sữa học đường đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới từ gần 20 năm nay. Thành công nhất trong khu vực là chương trình sữa học đường của Trung Quốc và Thái Lan. Độ tuổi uống sữa thường từ 5-13 tuổi, có nơi đến 14 tuổi, thường các chương trình cung cấp cho các em sữa 3-5 ngày/tuần, mỗi ngày khoảng 200 ml. Việc bổ sung sữa cho trẻ em ở Thái Lan đã giúp cải thiện tốc độ tăng chiều cao của trẻ mầm non từ 2,1 cm/năm lên 4,4 cm/năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.