> Pháp ca ngợi Tướng Giáp là ‘nhà chiến lược lỗi lạc’
> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một trí tuệ thuyết phục
Ông Giàng Seo Phả, người Mông, cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ, cũng có mặt trong đoàn người. Ảnh: Công Khanh |
Trước đó, ngay từ trưa 6/10, hàng đoàn người đã đổ về khu vực gần nhà Đại tướng. Từ đầu đường Điện Biên Phủ gần 1km, người dân đứng chật kín vỉa hè xếp hàng chờ đến lượt vào viếng.
Lực lượng công an và dân phòng phường Điện Biên đã có mặt kịp thời hướng dẫn bà con xếp hàng, lần lượt dâng những bó hoa tươi thắm nhất tiễn biệt một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XX, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Như Ý. |
Trong đoàn người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn cùng gia đình.
Trả lời câu hỏi phóng viên Tiền Phong, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết "Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới."
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trả lời báo Tiền Phong trước khi vào viếng Đại tướng. |
Bùi ngùi trước giờ vào viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, (92 tuổi nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, ông là trong số những chiến sỹ quyết tử của Thủ đô năm xưa) cho hay: Mặc dù Đại tướng ốm, nằm viện đã lâu rồi, nhưng khi nghe tin ông mất, chúng tôi hết sức bàng hoàng và đau buồn.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm và các cựu binh. |
Với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng đại diện cho ý chí chiến đấu, tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn như người anh cả của Trung đoàn Thủ đô năm xưa.
Trong những năm tháng theo Đại tướng, chúng tôi đã học được nhiều điều trong chiến đấu cũng như cuộc sống. Điều mà tôi ấn tượng sâu sắc nhất và học được là tính kiên trì của Đại tướng. Tôi cũng khắc ghi mãi câu nói của Đại tướng đó là "chúng ta chiến thắng được hai đế quốc là thắng về trí tuệ, chứ dựa vào vật thì chất chúng ta làm sao thắng được", từ đó tôi đều suy nghĩ một cách kỹ càng trước khi quyết định làm bất kỳ một điều gì.
Đặc biệt, trong dòng người có ông Giàng Seo Phả (79 tuổi, người Mông), cựu chiến binh Điện Biên Phủ, không quản ngại đường xa từ Yên Bái về Hà Nội bày tỏ lòng tri ân với Đại tướng.
Trong dòng người lặng lẽ tới viếng Đại tướng có những cựu chiến binh cao tuổi, những bà nội trợ, bác xe ôm, anh công nhân...
Tất cả dường như hòa vào trong không khí trang trọng, linh thiêng tiễn đưa một con người mà tất cả thống nhất hai từ VĨ ĐẠI để nói về ông: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo thông báo của gia đình, giờ mở cửa mời khách vào bên trong nhà số 30 Hoàng Diệu bắt đầu từ 14h30 chiều 6/10 và kéo dài đến hết 11/10, một ngày trước lễ truy điệu Đại tướng theo nghi lễ Quốc tang.
Trong thông báo ghi rõ, đồng bào vào viếng không mang theo lễ phúng viếng. Thời gian đón khách từ 14h30 ngày 6/10. Từ ngày 7/10 đến 11/10, sẽ mở cửa hai buổi (Sáng từ 8h đến 11h30’, Chiều từ 14h đến 18h)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lúc 18h9 ngày 4/10 tại Bệnh viện quân y 108.
Tang lễ ông sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức cùng địa điểm từ 7h30 ngày 12/10.
Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra vào ngày 13/10 tại quê nhà Quảng Bình thể theo ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, được biết khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) được gia đình chọn làm nơi an táng cho Đại tướng. |
>>> Người dân Hà Nội khóc thương Đại tướng
>>> Đau thương ngập dòng Kiến Giang