Đại tướng thương nhất người lính

Đại tướng thương nhất người lính
Bày tỏ sự tiếc thương, niềm hãnh diện, xen lẫn tự hào là tâm trạng chung của những người từng vinh hạnh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
GS Nguyễn Đăng Hưng (thứ 2 từ bên trái qua) trong một lần diện kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: GS Hưng cung cấp
GS Nguyễn Đăng Hưng (thứ 2 từ bên trái qua) trong một lần diện kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: GS Hưng cung cấp.

Thế giới ngưỡng mộ

Trong cuộc đời mình, GS Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) hai lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cuộc gặp năm 1977 khi Đại tướng dự hội nghị toán học có sự tham gia của trí thức Việt kiều và lần gần nhất cách đây 8 năm.

Nhắc tới lần gặp gần đây, GS Hưng kể, ông may mắn khi được Đại tướng “kéo” ngồi kề bên mình. Khi câu chuyện trở nên thân tình, GS Hưng hỏi: Đại tướng có biết ai tên là Nguyễn Đăng Phan không ạ? Đại tướng nhìn GS Hưng một hồi rồi ôm chầm lấy ông, bởi không ngờ rằng “vị giáo sư Việt kiều này là con trai người bạn học của mình hồi niên thiếu”.

Cha của GS Hưng sinh cùng năm, học cùng lớp, cùng trường Quốc học Huế với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo GS Hưng, tướng Giáp kể khi đó “hai ông luôn thay nhau ở hai vị trí học giỏi nhất nhì trong trường”.

“Sau này, dù sống ở Sài Gòn nhưng ba tôi vẫn luôn dành sự thán phục và ngưỡng mộ đối với người bạn thời niên thiếu của mình”, GS Hưng kể.

Năm 1960, GS Hưng nhận học bổng du học ở Bỉ. Những năm tháng học tập ở đất khách quê người, chàng sinh viên trẻ, cũng như phần lớn sinh viên đến từ Việt Nam, vẫn luôn coi “Võ Nguyên Giáp là tấm gương, là niềm hãnh diện”. Bởi Đại tướng chính là người chỉ huy “đội quân chân trần thắng hai kẻ thù Pháp, Mỹ mạnh hơn mình gấp nhiều lần”.

Theo GS Hưng, “cụ Giáp” luôn được coi là bậc khai quốc công thần và là một vị tướng tài ba của Việt Nam. Không những vậy, ông còn là nhà trí thức, nhà sử học dù ở vị trí lãnh đạo nhưng luôn khiêm tốn, học hỏi, cân nhắc trong mọi hành động đến vận mệnh dân tộc".

Trong giới Việt kiều, tướng Giáp còn là người đặt nền móng cho nền khoa học kỹ thuật non trẻ Việt Nam khi là người khởi xướng thành lập các Viện khoa học, Viện toán học, Viện cơ học…

“Rất nhiều tờ báo lớn của thế giới đã có những bài báo trang trọng khi Đại tướng mất. Đó cũng là niềm hãnh diện của dân tộc mình!” - ông Hưng nhấn mạnh.

Trong nước tự hào

Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), cho hay bản thân ông và quân dân Huyện đảo Trường Sa vô cùng đau buồn và thương tiếc khi nghe thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp -người anh cả của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và là một trong những người sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam - từ trần.

Từng nhiều năm sát cánh với người lính Trường Sa và nay là người đứng đầu huyện đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thuân đúc kết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại khi là người chỉ huy cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện đánh thắng Pháp, Mỹ mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần.

“Ông cũng là vị tướng rất thương lính. Điều này thể hiện trước mọi chiến dịch, Đại tướng thường dốc hết tâm huyết đưa ra những phương án tối ưu nhất để bớt tổn thất, hy sinh cho người lính”, ông Thuân đúc kết.

Bản thân ông Thuân cũng từng được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông tham dự Đại hội thi đua yêu nước năm 2005. Khi đó, ông Thuân là Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết. Lần ấy, dù chỉ được gặp đại tướng trong chốc lát nhưng ấn tượng về vị tướng già vô cùng đôn hậu, gần gũi và thân thiết khi chủ động bắt tay mọi người vẫn luôn khắc sâu trong ký ức của ông Thuân.

“Quân và dân huyện đảo sẽ biến thương tiếc thành hành động trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Thuân nhấn mạnh.

Lần ấy, dù chỉ được gặp đại tướng trong chốc lát nhưng ấn tượng về vị tướng già vô cùng đôn hậu, gần gũi và thân thiết khi chủ động bắt tay mọi người vẫn luôn khắc sâu trong ký ức của ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG