>>Võ Nguyên Giáp, trăm tuổi giữa nhân gian
>>Võ Nguyên Giáp: Một trong 21 danh tướng của thế giới
>> Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tràn ngập mạng xã hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế . |
Phóng viên đã được gặp đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý đã gắn bó với đại tướng gần 40 năm để hỏi ông một số câu hỏi còn gợi băn khoăn pha chút tò mò với những người kính yêu đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, vậy thì cách cư xử của đại tướng có "quân sự" và rất nguyên tắc không, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Huyên: Anh (đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) nghiêm túc trong công việc nhưng không cứng nhắc đâu. Anh Văn (tên thân mật của đại tướng Võ Nguyên Giáp) còn hay đùa dí dỏm nữa. Ví dụ như khi đang tập trung làm việc tôi có việc cần xin anh nghỉ 10 phút thì anh bảo: “Cho cậu nghỉ hẳn 11 phút luôn!”
Trong trường hợp gặp những ý kiến khác ý của mình thì Đại tướng có chấp nhận và chấp nhận thế nào, thưa ông?
Anh luôn thích trung thực, thẳng thắn. Anh hay dặn: “Cái gì thấy đúng thì cứ giữ ý kiến.” Đại tướng luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, dù ý kiến đó có thể ông chưa đồng tình. Chính vì thế khi anh đến các địa phương, các ngành ở đâu có có vấn đề gì người ta cũng muốn nói với anh. Có lẽ nhờ vậy mà anh có điều kiện để phân tích tình hình một cách khách quan, toàn diện, hiểu được thực chất và tìm ra giải pháp thuận lòng người.
Xin được mạo muội hỏi ông một chuyện? Có lần phỏng vấn một cán bộ quân đội, tôi được biết chuyện đồn về đại tướng có treo chữ "nhẫn" ở chỗ làm việc là không đúng. Vậy mong ông nói rõ về việc này?
Đại tá Nguyễn Huyên: Chuyện nói đại tướng treo chữ “nhẫn” là hoàn toàn bịa đặt. Đại tướng không hề treo chữ đó. Một lần, có người yêu kính đại tướng muốn tặng anh chữ "nhẫn" thư pháp lồng trong khung kính. Trước khi tặng, anh ấy có đến hỏi tôi, tôi nói chữ “nhẫn” có hai cách hiểu.
Thứ nhất có nghĩa là kiên nhẫn, nhẫn nại nhưng cũng có nghĩa thứ hai là nhẫn nhục. Đại tướng chưa bao giờ là người chịu nhẫn nhục theo cách hiểu thứ hai. Vì vậy tặng là không nên vì có thể làm cho người ta hiểu sai lệch hoặc có kẻ xuyên tạc.
Tôi còn được biết bài thơ “Chữ Nhẫn” đã đăng lên báo nói là của đại tướng. Nhưng đại tướng không hề có bài thơ ấy và tờ báo đó đã phải đính chính. Trong bài thơ có câu “Có khi nhẫn để tiến thân” thì đại tướng của chúng ta không bao giờ như vậy.
Đại tướng là người luôn làm chủ tình hình, luôn chủ động, không bao giờ bị động, biết làm việc gì, nêu ý kiến gì, lúc nào cho đạt hiệu quả. Anh cũng là người giữ ý kiến của mình mà không gây mất đoàn kết, lại có phương pháp đấu tranh phù hợp để cuối cùng thực hiện được ý kiến đúng đắn đó và được mọi người đồng tình.
Suốt bao nhiêu năm ở bên đại tướng, ông có cảm nghĩ gì về chính mình?
Một câu hỏi có tính tổng kết quá! Được làm việc với đại tướng, bản thân tôi khi mới về làm việc giúp đại tướng chỉ là một thiếu tá, một cán bộ nghiên cứu ở cơ quan cấp dưới. Trình độ của tôi ban đầu còn hạn chế nhưng sau này và đến giờ đã mở rộng được hiểu biết, về lý luận cũng như về thực tiễn. Tôi thấy trình độ của mình được nâng lên nhiều và học được anh Văn nhiều lắm: Học được về phẩm chất đạo đức, về kiến thức và về phương pháp làm việc, về cách cư xử ở đời.
Điều sâu sắc mà anh Văn nhiều lần kể với anh em là thời kỳ đầu cách mạng, một đêm nằm ngủ với Bác Hồ trên giường làm bằng cành cây khiến người rất đau tại hang Pắc Bó, đang trao đổi công việc, bỗng dưng Bác dừng lại và nói một câu: "Chú Văn ạ! làm cách mạng là phải "dĩ công vi thượng" - nghĩa là phải lấy việc công làm trên hết, cũng có nghĩa là luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, không cá nhân chủ nghĩa. Điều này rất có nghĩa với chúng ta hiện nay.
Là một cán bộ quân đội, tôi thấy mình thật hạnh phúc là đã có một thời gian khá dài được làm việc, gắn bó với anh Văn - một vị tướng kiệt xuất, nhân nghĩa, tài ba, luôn hết lòng vì nước vì dân.
Trân trọng cảm ơn đại tá! Chúc ông luôn mạnh khỏe!
Theo Vietnam+