Hôm qua, 2/10, nước đã rút, thị xã Hoàng Mai và các vùng phụ cận người dân có thể đi lại, thu dọn đồ đạc bị nước lũ bao vây, nhấn chìm sau đợt xả lũ kinh hoàng hồ Vực Mấu khiến hàng nghìn hộ dân bị chia cắt, cô lập. Trên đường làng, bùn đất đỏ quạch, lợn gà trâu bò chạy tứ tung. Thảng hoặc xe thồ, xe bò lốp như từ ruộng ngoi lên, thùng xe chất đầy những bao tải lúa, khoai, gạo, sắn.
“Mất hết rồi! Nỏ lưa chi nữa (chẳng còn gì nữa), một lão nông bần thần nhìn đống lương thực hư hỏng mà ông vừa kéo lê từ nhà lên đường. Nước đã rút, nhưng phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai) vẫn còn nhiều hộ bị ngập.
Tiếng xe máy phành phạch, phành phạch nặng nhọc trên đường quê ướt lụt, phía sau chở mấy thùng mì tôm. Nhác thấy bóng xe cứu trợ bão lụt, mọi người ùa đến. Một ngày co ro ngồi trên chạn nhà tránh lụt, ngâm mình dưới nước mò mẫm bì gạo, bì khoai, nhiều người đói lả.
Có mì tôm cứu trợ kịp thời, nhưng hầu hết các giếng nước ăn đã đục đỏ phù sa. Một vài đứa trẻ bóc mì tôm sống nhai ngon lành. Thấy một người đàn ông mặc quần phụ nữ ngắn cũn cỡn, chúng tôi tiến đến hỏi chuyện. Ông Đậu Vệt Thái (khối 20, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai) nói: “Quần áo, chăn màn ướt hết. Sáng nay về nhà lượm được cái quần của vợ, mặc vào đỡ lạnh!”.
Ông Thái kể, gần nhà ông có bà Ngô Thị Thao (61 tuổi) suýt bị lũ nhấn chìm. Bà Thao sống độc thân, tuy ở gần nhà con trai Nguyễn Văn Hoan nhưng giữa đêm hôm mưa gió lũ về quá nhanh khiến gia đình bà “không kịp trở tay”.
Khoảng 4h sáng ngày 1/10, cu Cường (con anh Văn Đức Chuyên, trú tại phường Mai Hùng, Hoàng Mai) đang thiêm thiếp ngủ bỗng kêu ré lên: “Mẹ ơi! Đứa mô đái vô quần con, ướt hết rồi mẹ ạ!”. Vợ anh Chuyên đang mang bầu, tỉnh dậy, tá hỏa phát hiện thấy nhà ngập nước bèn hô hoán ầm ĩ.
Chạy! Người vợ mang bầu chạy trước, theo sau là anh Chuyên cõng con thoát sang nhà anh Nguyễn Văn Năm. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Hiệp hàng xóm anh Chuyên thức giấc, đi kiểm tra hồ cá. Thấy nước lên nhanh, ông Hiệp ba chân bốn cẳng chạy về nhà định cứu lúa, nhưng không kịp.
Có 3 người chết và mất tích do lũ lụt tại Hoàng Mai và Quỳnh Lưu: Chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1978, trú tại khối 5, Quỳnh Thiện); một PGĐ Sở Công thương Nghệ An trên đường đi cứu trợ lũ lụt đã tử nạn; Một người dân xã Quỳnh Phương bị lật thuyền, mất tích.
Một người dân với thùng mì tôm cứu trợ. Ảnh: Q.L. |
Bất khả kháng?
Qua nhịp cầu báo Tiền Phong, Cty Văn Minh (Nghệ An) ủng hộ 200 thùng mỳ tôm. Trong ngày hôm nay, toàn bộ số hàng cứu trợ nói trên sẽ được chuyển đến tận tay người dân vùng lũ. |
Trong các ngày 29, 30/9, mưa lớn tiếp tục đổ xuống khu vực huyện Quỳnh Lưu. Lúc 7h ngày 30/9, mực nước tại hồ Vực Mấu ở cao trình +20,60m. Theo quy trình điều tiết vận hành xả lũ và căn cứ vào dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu ra thông báo số 92/TB-XNTL ngày 30/9 “v/v chuẩn bị mở tràn xả lũ hồ Vực Mấu”.
Văn bản do PGĐ Nguyễn Cảnh Hy gửi đến UBND các xã hạ lưu gồm Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và các vùng phụ cận, loan báo thời gian xả lũ bắt đầu từ 8h ngày 30/9 cho đến hết mưa bão.
Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đề nghị UBND các xã nói trên thông báo cho những hộ dân sống ở vùng thấp, vùng dọc sông Mai Giang di dời lên vùng cao; các thuyền bè, nuôi trồng thủy sản trên sông Mai Giang thu dọn, thông dòng chảy và vào nơi an toàn.
Ngay trong ngày hôm đó hồ Vực Mấu đã tiến hành xả lũ. Trong thời điểm mưa to gió lớn, điện bị cắt ở nhiều xã, việc đi lại rất khó khăn, thì liệu thông báo xả lũ có đến được vùng hạ lưu hồ Vực Mấu để UBND các xã này loan báo và có phương án di dân? Việc hồ Vực Mấu đồng loạt mở 5 cửa xả lũ khiến mực nước hạ lưu dâng đột ngột, bao vây và uy hiếp hàng nghìn người, lũ cuốn trôi nhiều tài sản gây thiệt hại lớn, ai phải chịu trách nhiệm?
Đành rằng, với lượng mưa trên 500mm dồn dập trút xuống Quỳnh Lưu trong một thời gian ngắn, nếu không mở 5 cửa xả lũ, áp lực nước có thể gây vỡ đập, thiệt hại sẽ khôn lường. Nhưng quy trình xả lũ và cả việc truyền tải thông tin văn bản số 92/TB-XNTL từ cơ quan quản lý hồ Vực Mấu đến UBND các xã, từ các xã đến các hộ dân cần phải được làm rõ.
Quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung Cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh tay trắng, thiếu thốn các nhu yếu phẩm tối thiểu. Báo Tiền Phong phát động chương trình chung tay đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn. Các đơn vị, cá nhân có thể đóng góp: Tiền mặt; lương thực, thực phẩm, sữa, nước uống; đồ dùng sinh hoạt, học tập, nước tẩy trùng, bột giặt... Thể thức thực hiện: Báo Tiền Phong sẽ kết nối với các tỉnh bị thiên tai, xác định địa phương và đối tượng bị nạn cần cứu trợ để đại diện của đơn vị ủng hộ đến tận nơi trao quà tận tay từng người. Với những trường hợp không thể tham gia trao quà tận nơi, báo Tiền Phong sẽ thay mặt trao quà. Mọi đóng góp có thể chuyển trực tiếp đến địa phương nơi tổ chức việc trao quà theo kết nối của Tiền Phong hoặc gửi về: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 04.3.9434341. Hoặc qua tài khoản: Báo Tiền Phong, Số TK: 12310.00.00.6217.5 Ngân hàng Đầu Tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Quang Trung, Hà Nội. Trân trọng cảm ơn. |