> Cắt điện đường dây 500kV từ 1/10: Miền Nam có thiếu điện?
EVN cho biết, hiện các đơn vị liên quan đang nỗ lực để đóng điện đường dây 500kV đoạn Phú Mỹ-Sông Mây (dài khoảng 66km). Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, phải đóng được đường dây 500kV Phú Mỹ-Sông Mây mới cắt được điện đường dây 500kV Đắk Nông-Phú Lâm và Tân Định-Phú Lâm (để xây dựng đường dây 500kV mới Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông).
Việc cắt điện đường dây 500kV Đắk Nông-Phú Lâm và Tân Định-Phú Lâm sẽ ảnh hưởng tới TPHCM thế nào? Ông Phạm Ngọc Minh, Quyền Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TPHCM cho biết, sẽ tác động đến việc cung cấp điện cho huyện Củ Chi. Vì thế EVN-HCMC đã tập trung cải tạo đường dây 110kV từ Trảng Bàng (Tây Ninh) xuống để cung cấp điện cho toàn bộ huyện Củ Chi. Ngoài ra, đơn vị này sẽ lấy điện từ khu vực Hóc Môn qua các đường dây trung thế để cung cấp thêm cho một số phụ tải.
Cũng theo ông Minh, hiện, khi chưa cắt 2 mạch đường dây 500kV, nguồn điện cung cấp cho huyện Củ Chi có 3 nguồn: Từ trạm Hóc Môn, từ Tân Định và từ Trảng Bàng.
Ông Vũ Thế Cường, Trưởng Ban Kỹ thuật thuộc EVN-HCMC cho biết, nhu cầu sử dụng điện toàn thành phố trung bình khoảng 50 triệu kWh/ngày.
Một lãnh đạo EVN cho biết, cắt điện đường dây 500kV Đắk Nông-Phú Lâm và Tân Định-Phú Lâm sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho 21 tỉnh, thành phố do Tổng Cty Điện lực miền Nam quản lý.
Chiều tối 30/9 trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc, cho biết: Giai đoạn 2 và 4 rơi vào 2 ngày 10/11 và 24/11, phải cắt toàn bộ 2 đường dây (cả mạch 1 và 2). Việc này, giảm công suất khoảng 20.000 MW.
Tuy nhiên, việc cắt này thực hiện vào Chủ nhật, có công suất sử dụng thấp hơn ngày thường 2.000 MW. Cùng đó, sẽ huy động tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy dầu để tăng cường cấp điện miền Nam (với tổng công suất 8.000 MW). Cũng theo ông Phúc, trong quá trình thi công, sẽ có một số đường dây trung, hạ thế, cắt chéo qua đoạn cắt điện.