Khi nhà máy phân loại rác 10 triệu USD đắp chiếu

Khi nhà máy phân loại rác 10 triệu USD đắp chiếu
TP - Chưa phân loại được rác tại nguồn khiến nguồn nguyên liệu tái chế ở Việt Nam thiếu trầm trọng, buộc các nhà máy sản xuất phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Trong lúc nhà máy phân loại phế liệu tái chế trong nước được đầu tư hàng triệu USD đắp chiếu.

> Nhà máy xử lý rác xin nhập... phế liệu
> Bỏ phí dây chuyền hàng triệu USD vì thiếu rác

Nhà máy 10 triệu USD đắp chiếu do không có rác phân loại để tái chế
Nhà máy 10 triệu USD đắp chiếu do không có rác phân loại để tái chế.

Lệ thuộc

Nguồn nguyên liệu giấy phế thải trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, nhiều năm qua, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai phải nhập hầu hết giấy phế liệu từ các nước.

Ông Phan Minh Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai cho biết, ở các nước, ngành công nghiệp tái chế rất phát triển, trong đó chủ yếu là tái chế giấy nhưng Việt Nam đang bỏ ngỏ lĩnh vực này.

Theo ông Nghĩa, Tân Mai cần 3.000 tấn giấy phế liệu mỗi tháng, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước rất ít nên công ty phải nhập giấy phế liệu từ châu Âu, Mỹ, New Zealand, Singapore, Nhật Bản.... “Do ngành thu mua giấy phế thải ở Việt Nam hiện mang tính tự phát, chủ yếu tập hợp từ các vựa ve chai nên không đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tái chế” - ông Nghĩa nói.

Một nghiên cứu mới đây do Viện Công nghệ tái Chế phế liệu Hoa Kỳ thực hiện, mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu nước này đem lại cho nền kinh tế khoản thu trên 90 tỷ USD và tạo ra hơn 460.000 việc làm. Nghiên cứu của viện này còn cho thấy, ngành công nghệ tái chế đã tạo ra một khoản thu 10,3 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Trong hơn 1.200 tấn giấy nguyên liệu nằm trong Nhà máy giấy Xuân Đức ở TPHCM, thì có đến 1.000 tấn được nhập từ nước ngoài về. Ông Dương Văn Cào – TGĐ Công ty CP Giấy Xuân Đức cho biết, nguyên liệu để sản xuất hiện nay là giấy phế thải, nhưng ở nước ta nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 20% lại không ổn định, buộc 80% nguyên liệu phải nhập. Theo ông Cào, nguyên nhân thiếu phế liệu tái chế do việc tổ chức thu gom giấy phế thải ở Việt Nam không có ai quan tâm, chủ yếu là tự phát. “Ngành giấy của doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được so với những doanh nghiệp nước ngoài. Ngay cả cây dùng làm giấy cũng vậy, Việt Nam không thiếu nhưng không có sự quản lý đồng bộ”- ông Cào đánh giá và đề nghị nhà nước cần quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ giấy phế thải trong nước.

Cũng như giấy, loại nhựa phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trong nước cũng thiếu trầm trọng. Ông Trần Đức Hòa - Giám đốc Công ty TNHH nhựa Đạt Hòa cho biết, Nhà máy nhựa tại Vĩnh Phúc sử dụng 100% nguyên liệu là nhựa phế liệu, sản xuất các sản phẩm ống thoát nước. Nhu cầu nguyên liệu khoảng 3.000 tấn/năm nhưng phải nhập khẩu nhựa phế liệu từ nước ngoài về để làm nguyên liệu sản xuất, vì thị trường trong nước không đáp ứng.

Lợi ích chưa được coi trọng

Theo ông Phan Minh Nghĩa, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu gom và phân loại rác có thể tái chế, kể cả sử dụng nguồn nguyên liệu từ rác tái chế. Ngoài bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, ông Nghĩa cho rằng, việc làm này còn tạo việc làm cho quốc gia.

“Sản xuất giấy tái chế dùng ít năng lượng hơn nhiều so với sản xuất từ bột gỗ nguyên thủy. Trung bình cần khoảng 2,2 - 4,4 tấn gỗ để sản xuất được một tấn bột giấy, trong khi chỉ cần 1,3 tấn giấy phế liệu khi tái chế sẽ cho ra 1 tấn bột giấy, hiệu quả kinh tế lớn hơn so với sử dụng bột giấy từ gỗ. Do vậy, các nước tiên tiến sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất giấy từ giấy tái chế” - ông Nghĩa phân tích.

Ông David Dương - Tổng Giám đốc Cty Xử lý chất thải rắn Việt Nam- VWS cũng cho rằng, nhiều năm qua, ngành công nghiệp tái chế Việt Nam đã được hình thành thông qua việc biến những phế phẩm như giấy phế liệu thành giấy văn phòng, vỏ hộp sữa thành mái tôn lợp nhà, vỏ chai nước suối thành hạt nhựa... Tuy nhiên, lo lắng là nguồn nguyên liệu hiện đang thiếu, như vỏ hộp sữa mới chỉ thu gom được 1/3 nhu cầu thực tế, trong khi đó khảo sát của các nhà máy sữa thì mới chỉ có 80% vỏ hộp sữa được thu hồi. Nguyên nhân của những hạn chế này là công tác phân loại tại nguồn chưa tốt. Vì vậy, theo ông Dương ngành tái chế sẽ đem lại hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận và giải quyết việc làm cho lao động tại các cơ sở tái chế thủ công, manh mún như hiện nay nếu phân loại rác tại nguồn làm quyết liệt.

Phân loại tại nguồn: Bỏ ngỏ!

Hơn 10 triệu USD cho nhà máy phân loại rác vô cơ để thu hồi các loại phế liệu có thể dùng làm nguyên liệu tái chế, với công suất 600 tấn/ngày được VWS đầu tư và hoàn thành vào tháng 9/2010. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, nó vẫn đắp chiếu do VWS chưa nhận được lượng rác phế liệu theo hợp đồng cung cấp từ phía TPHCM.

Sau khi nhà máy bắt tay vào xây dựng, việc phân loại rác tại nguồn cũng được TPHCM chỉ đạo thực hiện. Nhưng thống kê từ các quận huyện được chọn thí điểm chương trình phân loại rác tại các hộ gia đình từ năm 1999 đến 2010 cho thấy, kết quả chưa như mong muốn. Thời điểm này, thành phố chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ nên sau khi ra khỏi gia đình, các loại rác đã phân loại lại được đổ vào vận chuyển chung một xe.

Năm 2001, TPHCM tiếp tục triển khai tiếp chương trình phân loại rác tại nguồn ở quận 1, 4, 5, 6, 10 và Củ Chi với tổng kinh phí khoảng 280 tỷ đồng. Lần triển khai này, Sở Tài nguyên & Môi trường cấp cho mỗi hộ dân 2 loại thùng đựng rác, túi đựng rác.

Theo đó, số lượng hộ dân tham gia và thực hiện đúng kỹ thuật phân loại tăng lên 60% - 70%. Tuy nhiên, chương trình này lại thất bại, vì các quận không có tài chính đủ để trang bị được xe thu gom rác theo rác đã được phân loại. Vậy là nhà máy phân loại rác tái chế vẫn nằm chờ.

Ông David Dương cho biết, không có rác tái chế, nhà máy chưa hoạt động được nên chưa tạo được việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương. “Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần sớm triển khai đại trà và thực sự hiệu quả chương trình phân loại rác tại nguồn tới tất cả cộng đồng dân cư. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác bằng các hình thức có thể để cùng thành phố nhân rộng hình thức phân loại rác tại nguồn tới cộng đồng dân cư” - ông Dương đề xuất và cho biết, khi nhà máy có nguồn phế liệu được phân loại sẽ góp phần cho các ngành sản xuất bao bì trong nước có nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng và giá rẻ hơn các mặt hàng mà các nhà sản xuất đã nhập lâu nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG