> Hay là chán rồi?
> 'Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức?'
> Án tham nhũng đình trệ vì giám định
1% hay 20% cán bộ không làm được việc?
“Mặc quần đùi áo trắng, vợt mấy chục triệu, mà lương như thế thì làm sao đủ tiêu? Ông ấy mới là ông tham nhũng, vì phải nghĩ cách để kiếm cái nọ cái kia cho đủ tiêu chứ...”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng |
Câu chuyện tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại hội mổ xẻ. “Có phải tới nay các đồng chí vẫn đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ như kiểu 20 năm trước? Tỷ lệ chưa qua đào tạo còn rất lớn, ví như chưa qua đào tạo về chuyên môn là 12%, chưa kể còn một tỷ lệ lớn chưa được đào tạo về lý luận chính trị... Tựu trung lại, chất lượng cán bộ thế nào?” - Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Nghị quyết T.Ư 4 chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Vậy qua giám sát, tình hình này có giảm không, có vấn đề gì trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không?”.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết “báo cáo của Chính phủ không nêu rõ vấn đề có tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng cán bộ. Ủy ban yêu cầu cung cấp, nhưng tới nay vẫn chưa có báo cáo về vấn đề này”.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, chưa có dữ liệu để đánh giá đúng về chất lượng cán bộ công chức (CBCC) từ trung ương đến địa phương. “Đến cuối năm 2012, nhiều địa phương chưa có báo cáo về chất lượng CBCC. Nhưng bước đầu đánh giá thì tỷ lệ CBCC không hoàn thành nhiệm vụ là trên dưới 1%. Vẫn phải chờ thêm số liệu cụ thể để báo cáo Quốc hội”, ông Bình cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Có ý kiến 20-30% cán bộ không làm được việc, nếu giảm số này đi, bộ máy vẫn đảm bảo. Vậy thực tế có đúng như vậy hay 100% cán bộ vẫn rất tốt? Sáng 8 giờ đến cơ quan, cà phê, ăn sáng xong mới làm việc; chiều 4-5 giờ lại rủ nhau đi chơi thể thao... Với cách làm việc như thế thì mức lương như hiện nay cũng là cao lắm rồi”, ông Hiển nói.
Quá nhiều Thứ trưởng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa. |
Tình trạng phong chức, phong tướng ở nhiều bộ, ngành cũng được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên. “Quy định bộ không quá 4 thứ trưởng, nhưng tôi xem danh bạ có bộ tới 11 thứ trưởng, cấp tổng cục có nơi cấp phó lên tới cả chục anh. Vậy trách nhiệm Bộ Nội vụ gác cổng cho Chính phủ như thế nào?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Theo ông Phước, việc bổ nhiệm cán bộ rất loằng ngoằng, giống như bầu cử phải qua các vòng lấy phiếu, nhưng không thực chất. Đương chức, Thủ tướng Phan Văn Khải nói cách làm này rất khó xử lý cán bộ về sau, vì không quy được trách nhiệm người đứng đầu (chẳng hạn bổ nhiệm cán bộ thì bộ trưởng cũng chỉ được 1 phiếu bầu), không kỷ luật được ai.
“Nghị quyết T.Ư 4 chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Vậy qua giám sát, tình hình này có giảm không, có vấn đề gì trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không?”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu |
“Cung cách bổ nhiệm nặng hình thức bằng cấp, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Chạy chức, chạy quyền, chạy việc nói từ lâu, ai cũng biết. Quy định không bổ nhiệm người quá tuổi, phong tướng là để làm việc, nhưng vẫn thấy có người được bổ nhiệm, phong tướng sau 1 năm rồi về nghỉ hưu. Con số đó ở các bộ, địa phương như thế nào, tại sao giám sát lại không nói đến?”, ông Phước nói. Ông cho rằng, tình trạng cục bộ trong bổ nhiệm cán bộ, “bổ nhiệm cho đồng hương, đồng khói vẫn phổ biến”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần xem lại mô hình bộ máy hiện nay. Mỗi bộ chỉ cần 3-4 thứ trưởng, nhưng lại bổ nhiệm quá nhiều, bộ máy quá cồng kềnh, không hiệu quả, như vậy là không hợp lý. “Chúng ta vẫn bổ nhiệm cán bộ theo cách bỏ phiếu, cứ trên 50% phiếu là bổ nhiệm, mà bỏ phiếu thì dĩ hòa vi quý sẽ được phiếu cao, người làm được hay nói thẳng sẽ bị loại”, ông Hiển nói.
“Bôi trơn” khâu nào cũng có
Chốt lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải đánh giá xem chính sách, pháp luật về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay có gì hay để phát huy, chỉ rõ cái chưa hay, cái dở để sửa.
Cơ chế, chính sách ấy có chọn được người có tài, có đức chưa hay từ năm 1993 đến nay vẫn thế? Theo Chủ tịch QH, phải trả lời câu hỏi, nếu cứ làm như hiện nay, liệu chúng ta có tìm được người tài đức “vừa hồng vừa chuyên” không? Muốn tìm được người tài thực sự, phải chống tiêu cực từ bên trong, bởi tiêu cực, bôi trơn và nạn chạy chọt ở khâu nào cũng có.
“Mặc quần đùi áo trắng, vợt mấy chục triệu, mà lương như thế thì làm sao đủ tiêu? Ông ấy mới là ông tham nhũng, vì phải nghĩ cách để kiếm cái nọ cái kia cho đủ tiêu chứ...” - Chủ tịch QH nhận định.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nếu không có đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức thì sự nghiệp đổi mới khó thành công.
Đừng tuyển người tài về rót nước pha trà GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, không nên tuyển người tài theo kiểu phong trào như một số địa phương đang làm. “Phải có cơ chế sàng lọc, giúp cho tài năng có điều kiện phát triển. Tránh tuyển theo kiểu phong trào như một số địa phương đang làm, tuyển xong để các em điếu đóm, rót nước pha trà thì không nên. Lương bổng chỉ là một phần, cơ hội, điều kiện để phát triển mới là cái người tài cần. Họ phải có chỗ phát huy, thi thố tài năng, nếu không tuyển về một thời gian họ sẽ ra đi”, ông Thi nói. |