Miền Trung, Tây Nguyên chống chọi mưa to, lũ lớn

Miền Trung, Tây Nguyên chống chọi mưa to, lũ lớn
TP - Bão số 8 hôm qua gây mưa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên. Người dân từ Đà Nẵng đến Bình Định hối hả chèn chống nhà cửa, kéo tàu thuyền lên bờ.

> Bão số 8 gây mưa lớn tại miền Trung, Tây Nguyên
> Bão số 8 hướng vào Trung Trung bộ

Đà Nẵng Quảng Nam: Nguy cơ lũ lớn

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), ngư dân gần như đã hoàn tất việc cột tàu vào các địa điểm an toàn. Nhiều tàu có kế hoạch ra khơi vào dịp này nhưng phải hoãn lại.

Tại bờ biển đường Hoàng Sa, hàng trăm người dân hối hả kéo tàu thuyền lên bờ trong mưa xối xả. Anh Phạm Đình Quang (Mân Thái, Sơn Trà), nói: “Đã lâu rồi Đà Nẵng không bão, hy vọng nó sẽ tan sớm trước khi vào bờ. Kiểu mưa thế này chắc chắn sẽ lụt lớn”. Người dân vùng Mân Thái, Mân Quang, Thọ Quang… đã kéo tàu từ ngày trước, tuy nhiên do lượng tàu, thuyền thúng nhiều nên đến chiều hôm qua vẫn chưa xong. Đến sáng 18/9, đã có trên 40 nghìn tàu thuyền của các tỉnh, thành miền Trung vào trú ẩn an toàn.

Từ ngày 16/9 đến chiều 18/9, nhiều địa phương ở Quảng Nam có mưa lớn, phổ biến 50- 100mm. Đến chiều 18/9, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn bắt đầu lên nhanh. Mực nước Sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) và Sông Thu Bồn tại Nông Sơn đã lên xấp xỉ báo động 2, đạt 7,8m và tiếp tục dâng. Ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, từ sáng 18/9, huyện chỉ đạo bắt đầu di dời hơn 500 hộ dân trong vùng nguy hiểm, mỗi nhà chỉ để lại một đàn ông khỏe mạnh, còn lại trẻ em phụ nữ người già… đều phải di dời. Toàn bộ học sinh trên huyện được nghỉ học từ sáng 18/9.

Theo ông Phan Đức Tính, mực nước sông Ái Nghĩa lên nhanh một phần do nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 xả lũ. Bình thường, Đăkmi 4 xả theo hệ thống sông Thu Bồn để phát điện, nhưng khi nguy cơ lũ tràn hồ, nhà máy này bắt đầu xả theo hệ thống Vu Gia từ 13h30 ngày 18/9, với lưu lượng 700m3/s. Điều này làm huyện Đại Lộc và một số vùng hạ du sông Vu Gia đối diện nguy cơ ngập sớm.

Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã kêu gọi được 480 tàu vào nơi trú ẩn an toàn. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến đường lên 4 xã vùng biên Tây Giang tạm thời bị cô lập.

Chiều 18/9, Đại tá Phạm Mưng, Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết, ngày 17/9, mưa lớn đã khiến anh A Lăng Mốt (18 tuổi, trú xã Ma Coi, huyện Đông Giang) bị cuốn mất tích trên suối đổ ra sông Thanh.

TT-Huế: Sẽ di dời tiếp 2.800 hộ dân

Đến chiều 18/9, gần 300 nhân khẩu thuộc 60 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, TT-Huế) đã di dời đến nơi an toàn. Các địa phương thuộc vùng xung yếu, sạt lở, ngập lụt sâu tại TT-Huế cũng lên phương án di hơn 2.800 hộ dân, với trên 11.500 người để phòng tránh bão lũ.

Trong ngày qua, bão số 8 chưa đến nhưng gây nhiều thiệt hại cho hệ thống giao thông quốc gia, đê kè ven biển.

Loay hoay trú tránh ở Hoàng Sa

Báo cáo nhanh của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho hay, đến cuối chiều 18/9, vẫn còn 19 tàu/237 lao động (Đà Nẵng: 9 tàu/114 lao động; Quảng Nam: 5 tàu/67 lao động, Quảng Ngãi: 5 tàu/27 lao động, Khánh Hòa: 3 tàu/29 lao động) vẫn còn nằm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các tàu để ra ứng cứu một khi số tàu thuyền này gặp bất trắc.

Tại Quảng Ngãi, mưa to ngày hôm qua và hôm nay làm sạt lở, gây ách tắc giao thông tại một số tuyến đường huyện miền núi. Một số bản làng đã bị cô lập do đường sạt lở chưa thể đi lại.

Đắk Lắk: Một người chết, 12 người mắc kẹt

Chiều 18/9, ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp cho biết, đã có một người dân bị lũ cuốn chết tại xã Ja Lơi. UBND huyện cũng đang tập trung các phương tiện cứu hộ để tiếp cận vị trí 12 người dân xã Cư K’Bang đang bị mắc kẹt trong lũ, do đi làm rẫy nhưng nước lên quá nhanh nên không về kịp.

Đến chiều 18/9, trên địa bàn huyện Ea Súp đã có 52 thôn với 2007 căn nhà của 7 xã và hơn 1.500 ha lúa đang độ thu hoạch bị ngập. 52 hộ dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm đã được sơ tán đi đến nơi an toàn. Ngoài ra, tỉnh lộ 1 đoạn từ xã Ea Lê sang Ea Rốc, đường liên xã Ea Bung - YaTmốt, đường liên huyện EaSúp- CưM’gar ngập sâu trên 0,5m gây ách tắc giao thông.

Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB&TKCN tỉnh Đăk Lăk, mưa lớn trên diện rộng trong những ngày qua đã gây ngập lụt một số địa phương làm cả trăm ngôi nhà bị cuốn trôi và ngập.

Ở Gia Lai, Kon Tum, mưa lớn cũng gây ngập ở nhiều nơi.

* Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đến 16 giờ ngày 18/9, bão số 8 cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Bão số 8 di chuyển chủ yếu theo hướng tây vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai có mưa to đến rất to.

* Theo BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, mực nước các hồ thủy điện đang lên nhanh. Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, nước đổ về lòng hồ tăng mạnh, nước đổ về hồ chứa bình quân 768,89m3/s, mực nước lòng hồ đã dâng lên cao trình 142,25m.

Nhà máy đã huy động phát liên tục tối đa 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước hồ chứa nhưng lượng nước thoát tối đa qua tua bin 2 tổ máy chỉ khoảng 220m3/s nên mực nước hồ chứa sẽ còn tăng.

Dự báo, nhiều khả năng nếu có mưa lớn tiếp tục, mực nước hồ chứa có thể dâng cao đến cửa xả tràn (cao trình 160m). Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, đã mở sẵn toàn bộ 6 cửa xả tràn, đề đón và xả lũ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sau kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT xin kéo dài thời gian khắc phục về thể chế vì sắp 'sáp nhập'
Sau kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT xin kéo dài thời gian khắc phục về thể chế vì sắp 'sáp nhập'
TPO - Tại buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến trong quý I/2025 sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan, nhưng đối với các biện pháp khắc phục về thể chế đề nghị "cho phép kéo dài vì sắp tới sáp nhập các đơn vị nên các thông tư, nghị định sẽ có thay đổi”.