> Bản Khoang vẫn tan hoang sau lũ
> Phó thủ tướng thăm người dân Bản Khoang bị lũ quét
Chung tay cho lễ khai giảng muộn
Chúng tôi đến thôn Can Hồ A (Bản Khoang) hai ngày sau trận lũ quét kinh hoàng. Cả vùng rộng lớn ngập ngụa trong bùn đất. Khu vực trường Tiểu học Bản Khoang I (Can Hồ A) là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Cô Lê Thị Hoàn, Phó hiệu trưởng cho biết, cơn lũ làm hư hại nhiều phòng học bán trú, phòng chứa đồ đạc, sách vở, đồ dùng học tập và chăn chiếu của học sinh.
Những tấm bảng trên tường vẫn còn in nét phấn trắng, nhưng ở dưới nền phòng học la liệt bùn đất, rác rưởi nhão nhoét. Kính cửa sổ phòng học bị vỡ bung trước sức mạnh của cơn nước lũ, trên thanh sắt còn vương nhiều bùn, cỏ rác. Thỉnh thoảng người quét dọn lại nhặt được những con số bằng nhựa, que tính, sách vở học trò mủn nát dính đầy bùn đất.
Với tinh thần “trường giúp trường”, giáo viên các trường trong huyện Sa Pa đã về sẻ chia và giúp đỡ các thầy cô ở Can Hồ A. Cô Hoàng Thị Loan (SN 1991), giáo viên trường tiểu học Sử Ván cùng đồng nghiệp Phạm Thị Kim Phượng vượt hơn 30 km đường rừng vào Can Hồ A giúp đỡ cô trò ở đây dọn dẹp lại trường. Hết khiêng đất, rửa nền nhà, cô Loan, cô Phượng lại khênh bàn ghế, chuyển đồ dùng học tập, sách vở vào phòng.
Cùng là giáo viên, nên các cô đều hiểu được nỗi buồn của thầy và trò Bản Khoang khi ngày khai giảng không trọn vẹn. Buổi trưa, hai chị cùng những đồng nghiệp của trường mang bánh mỳ, bánh ngọt chuẩn bị từ trước ra ăn. “Mình biết ở trên này không có quán ăn, mà cũng không có nhiều đồ ăn nên chủ động mang theo trước”, cô Loan nói.
Một cây cầu tạm được đoàn viên thanh niên địa phương và bà con nhân dân dựng lên cho học sinh đi dự lễ khai giảng năm học mới. |
Phía bên ngoài, các thầy cô giáo, bà con nhân dân cùng nhau dựng lại tường rào thép, lát xi măng sân trường, xây lại bồn cây… Họ phần lớn là những thầy cô chủ nhiệm đứng lớp và làm công tác quản lý.
Dưới cơn mưa nặng hạt, thầy Nguyễn Duy Ngọc và thầy Nguyễn Thanh Hòa (trường Tiểu học Bản Khoang I) sang bên thôn Can Hồ Mông để vận chuyển tre về dựng lại tường rào cho nhà trường.
“Thiếu dụng cụ để làm như cưa, dao xây… nhưng chúng tôi phải cố gắng tận dụng hết những gì có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại cảnh quan nhà trường”, thầy Ngọc nói.
Ngày 8/9, hàng chục thành viên CLB tình nguyện Hope tỉnh Lào Cai đi xe máy từ TP Lào Cai vào thôn Can Hồ A phối hợp với đoàn viên, thanh niên, bà con nhân dân trong thôn dựng tạm một chiếc cầu nhỏ vượt qua con suối để các em học sinh đến lớp. Các đoàn viên, thanh niên cũng vận chuyển đá nhỏ, rải thành một con đường nhỏ dẫn từ suối bắt vào con đường dẫn lên trường học. |
Không khí nhộn nhịp dọn dẹp vệ sinh, dựng lại cảnh quan trường lớp của các thầy cô phần nào xua tan sự ảm đạm của ngày mưa, cũng như sự lạnh vắng sau lũ quét.
Trong phòng giám hiệu trường Tiểu học Bản Khoang I còn ngổn ngang nhiều đồ vật, cô giáo Nguyễn Thị Bình (24 tuổi, đến từ trường Tiểu học Sa Pả 2) cùng với nhiều thầy cô giáo khác thuộc nhóm Mỹ thuật đang kẻ vẽ, cắt dán bảng biểu, danh sách học sinh, bảng thi đua… để chuẩn bị trang trí lại các phòng học.
Thầy giáo Vi Hồng Kỳ (SN 1988, trường Tiểu học San Sả Hồ 2, Sa Pa) cho hay, mặc dù đã xem thông tin lũ quét ở Can Hồ A qua truyền hình, đọc báo, nhưng khi đến nơi mới thấy thực sự khủng khiếp.
Tay dao, tay bút, thầy Kỳ thoăn thoắt cắt những họa tiết hình hoa, bươm bướm, chữ cái để làm khẩu hiệu, dụng cụ giảng dạy cho các em học sinh. “Nếu một người làm đầy đủ công đoạn từ kẻ vẽ, cắt dán và trang trí phải mất gần cả buổi mới được bảng khóa biểu, hay sơ đồ dạy học”, thầy Kỳ cho hay.
Trong tâm trí nhiều phụ huynh và trẻ em ở Bản Khoang, trận lũ quét vẫn gây nhiều lo sợ. |
Cùng góp sức vì lễ khai giảng muộn ở Bản Khoang, gần hai chục cô giáo trường mầm non xã Sa Pả (Sa Pa) cùng sang hỗ trợ cho các đồng nghiệp giáo viên ở Can Hồ A. Giữa trưa, trong căn phòng vừa mới được chính tay mình dọn sạch, các cô giáo ngồi ăn bánh mỳ ngon lành. Một giáo viên trong đội nói, ăn gì cũng được, miễn là hỗ trợ được các thầy cô giáo và các em học sinh, sao cho sớm khai giảng để thầy được dạy, trò được học là vui rồi.
Vượt suối, đội mưa vận động trẻ đến trường
Chiều 8/9, trường Mầm non, Tiểu học Bản Khoang 1 và THCS Bản Khoang đã được dọn dẹp sạch sẽ. Các phòng học đã được trang trí lại bằng những khẩu hiệu thi đua học tốt, năm điều Bác Hồ dạy…; bàn ghế được kê ngay ngắn sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.
Thầy Nguyễn Thanh Hòa (trường Tiểu học Bản Khoang I) cho hay, mới mấy hôm trước, giữa đống bùn đất, nhìn không thấy trường đâu, nay trường đã ra trường, lớp đã ra lớp, sẵn sàng để các em học sinh tiếp tục cắp sách đến trường.
“Cơn lũ quét gây sốc tâm lý đối với tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh. Trước đây, ngày nào sân trường cũng nhộn nhịp tiếng chơi đùa của các em. Sau cơn lũ, không có một bóng em nào qua đây”, cô Lê Thị Hoàn, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Khoang I kể.
Các em nhỏ ở Bản Khoang trước ngày khai giảng muộn. Ảnh: Trường Phong . |
Cùng với việc chuẩn bị cơ sở phòng học, ngay từ sáng sớm 8/9 giáo viên từ nhiều điểm trường ở Bản Khoang đã tập trung tại trường Tiểu học Bản Khoang I để đi về các bản vận động phụ huynh và học sinh đến trường khai giảng. Vượt qua những mỏm đá ngổn ngang đầy bùn đất, nhóm thầy giáo Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Duy Ngọc và cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung… cùng Trưởng thôn Chảo Dáo Hin đi đến từng nhà để vận động học sinh đi khai giảng.
Tay xách những túi bánh làm quà, cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung (giáo viên lớp 3, điểm trường Tiểu học trường Bản Khoang I tại thôn Lũ Khấu) chia sẻ: “Mình đứng lớp đã được năm năm. Trước đây, thi thoảng, mình mới phải vận động một, hai trường hợp theo bố mẹ làm nương quay trở lại lớp học. Lần này thực sự rất đặc biệt”.
Vào từng nhà, vừa nói tiếng Dao với người lớn, vừa nói tiếng Kinh với trẻ nhỏ, các thầy cô hỏi thăm tình hình nhà cửa, ruộng nương của bà con sau trận lũ quét và tranh thủ vận động các em tới trường.
“Thầy giáo đến thăm gia đình và tặng ít quà cho trẻ em. Mai cho con đi học nhé. Đường qua suối đã có cầu và sẽ có các thầy cô đón”. Nghe các thầy cô thông báo, nhiều phụ huynh đồng ý sẽ đưa con đến trường khai giảng. Anh Chảo Duần Điềm (38 tuổi) cho biết, rất vui khi trường học khai giảng năm học mới. Anh Điềm có 2 người con, đứa lớn học lớp 8, đứa nhỏ học lớp 6. “Sáng mai tôi sẽ lội qua suối đưa hai chị em nó đi học”, anh Điềm nói.
Còn chị Tản Sứ Mẩy (29 tuổi, thôn Can Hồ A) có con học lớp 1 và mẫu giáo đồng ý sẽ đưa con đến trường khai giảng, đi học, cho hay: “Chiều nay, mình sẽ đón các cháu đang gửi bên bà ngoại, cách đây gần 30 km để mai lên trường. Sau đêm xảy ra lũ quét, vợ chồng mình đã gửi các cháu sang đó”.
Trên đường đi vận động, gặp em nhỏ nào, các thầy cô cũng nhận ra học sinh lớp mình, gọi tên và nhắc nhở: “Thứ 2 tới đây, lên trường khai giảng, đi học nhé”. Em Chảo Láo Tả nói: “Rất muốn được đi học. Những ngày vừa qua, em muốn lên trường chơi, nhưng sợ không dám lên. Giờ thì có thể đi học, được gặp thầy, cô, bạn bè nên vui lắm”.
Hai chị em Chảo San Mẩy và Chảo Sừ Mẩy cũng mong muốn được đi học. Chảo San Mẩy năm nay học lớp 5, còn Chảo Sừ Mẩy đang học lớp 3. Trận lũ quét đã khiến hai em bị mất đi ngôi nhà. Giờ đây, sách vở cũng không còn nữa, quần áo thì lấm lem, cũ nát. Vừa nói vừa nấp sau lưng người họ hàng, San Mẩy bảo thích đi học vì được gặp cô giáo, bạn bè và được chơi trò chơi. “Đang ngủ thì bố mẹ gọi dậy và chạy”, trong ký ức của Chảo Sừ Mẩy chỉ còn lưu lại được từng đó về trận lũ quét kinh hoàng.
Gặp được nhiều học sinh, phụ huynh, nhưng các thầy cô giáo trường Tiểu học Bản Khoang I vẫn lo lắng về số lượng các em quay trở lại trường đi học. “Cơn lũ đã khiến mọi người thực sự sợ hãi. Hiện giờ trời còn mưa nên người lớn và các em nhỏ sợ lại có lũ quét. Thậm chí, một số người không cho con cháu đi qua suối do sợ có ma”, cô Phương Dung bộc bạch.
Cô Lê Thị Hoàn chia sẻ: “Để các em đến trường khai giảng và đi học, các thầy cô giáo phải rất kiên trì. Sáng khai giảng, các thầy cô sẽ tiếp tục đến các nhà để đón trẻ đến trường”.
Chưa kịp mặc áo đồng phục của lớp Nhắc đến khai giảng năm học mới, nhiều thầy cô giáo lại buồn và tiếc cho trường hợp em Chảo San Mẩy, học sinh lớp 6 trường THCS Bản Khoang đã không may bị lũ cuốn trôi và thiệt mạng. Trong ký ức của nhiều thầy cô, Chảo San Mẩy là học sinh ngoan, là cây văn nghệ của trường. “Buổi tối hôm trước, cháu nó còn sắp xếp sách vở để sáng hôm sau dự khai giảng năm học mới. Nó cũng vừa đi lấy áo đồng phục của lớp về, vẫn chưa kịp mặc lần nào”, anh Chảo Duần Chìu, bố cháu Chảo San Mẩy chia sẻ với phóng viên. |