Vụ phó hiệu trưởng bị bắt: Số nợ lên đến nghìn tỷ?!

Vụ phó hiệu trưởng bị bắt: Số nợ lên đến nghìn tỷ?!
Sau khi tin bà Trương Thị Hải Yến, chủ tịch HĐQT kiêm phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam bị khởi tố, bắt tạm giam lan rộng, liên tiếp xuất hiện thêm nhiều "chủ nợ" mới. Theo phản ánh chung của các bị hại, nếu cộng cả tiền và sổ đỏ bà Yến đang cầm và vay của họ đã lên đến nghìn tỷ?!

Vụ phó hiệu trưởng bị bắt: Số nợ lên đến nghìn tỷ?!

> Phó Hiệu trưởng bị tạm giam: Phụ huynh, giáo viên hoang mang

> Hiệu phó bị tố quỵt hàng trăm tỷ từng đe đánh gãy chân chồng 

Sau khi tin bà Trương Thị Hải Yến, chủ tịch HĐQT kiêm phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam bị khởi tố, bắt tạm giam lan rộng, liên tiếp xuất hiện thêm nhiều "chủ nợ" mới. Theo phản ánh chung của các bị hại, nếu cộng cả tiền và sổ đỏ bà Yến đang cầm và vay của họ đã lên đến nghìn tỷ?!

Bà Ngô Thị Anh Thư lo lắng về số tiền cho bà Yến vay
Bà Ngô Thị Anh Thư lo lắng về số tiền cho bà Yến vay.
 

Còn nhiều nhân vật nghi vấn?

Như báo đã phản ánh, theo đơn tố cáo của các bị hại: Bà Trương Thị Hải Yến, chủ tịch HĐQT, phó hiệu trưởng trường THPT Dân lập Phương Nam (trụ sở tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã vay mượn nhiều tiền và sổ đỏ của 18 hộ gia đình. Với mức lãi suất (theo lời hứa) là 6%/tháng cùng với danh nghĩa là chủ tịch HĐQT của trường, bà Yến đã vay số tiền lên tới vài trăm tỷ và sổ đỏ, thậm chí nhiều hơn.

Theo tài liệu PV thu thập được, trong nhiều giấy vay nợ của bà Trương Thị Hải Yến đều có chữ ký và đóng dấu của trường THPT Dân lập Phương Nam. Khi được hỏi, vì lý do gì mà lại cho bà Yến vay nhiều tiền đến vậy? Các chủ nợ đều thừa nhận do ham lãi suất cao cùng với việc bà Yến hứa nếu trong trường hợp không trả được tiền thì người cho vay vẫn có quyền lợi trong việc tham gia cổ đông và kinh doanh giáo dục từ trường THPT Dân lập Phương Nam.

Theo nguồn tin mới nhất PV nhận được, bà Yến vay tiền và mượn sổ đỏ của nhiều người, trong đó có cả cán bộ, giáo viên trong trường. Điển hình có người cho bà Yến mượn đến hai cuốn sổ đỏ để bà này thế chấp vay tiền bên ngoài. Tuy nhiên, vì có quan hệ cá nhân nên sau khi sự việc bị phát giác hầu hết các "chủ nợ" đều muốn tự giải quyết chứ không làm to chuyện.

Sau khi bà Trương Thị Hải Yến cùng em gái là Trương Thị Kim Dung (51 tuổi) và Mai Huy Thành (28 tuổi, con trai bà Yến, đều trú ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xuất hiện nhiều nhân vật mới với các tình tiết bất ngờ.

Ông Hòa cũng cho biết, ông và ông Cấn Hữu Hải, ông Ngô Mạnh Thường (trước đây là Chủ tịch Công đoàn, Chánh văn phòng của trường, bạn học cùng lớp đại học với bà Yến) là những người cùng bỏ vốn đầu tư xây dựng trường. Trong quá trình làm việc, do không đồng nhất quan điểm nên bà Yến đã đưa ông Định về và sa thải ông cùng những thành viên cũ. Theo lời ông Hòa và một số người khác, ông Định có quan hệ tình cảm với bà Yến. Trước đây, ông Định là thầy cúng chứ không hề có chuyên môn trong ngành giáo dục?!.

Bà Trương Thị Hải Yến ăn ở, sinh hoạt ngay tại trường trước ngày bị bắt tạm giam
Bà Trương Thị Hải Yến ăn ở, sinh hoạt ngay tại trường trước ngày bị bắt tạm giam.
 

Nguồn tin từ một số chủ nợ khác cho biết: Sự việc bà Yến cùng em gái và con trai bị bắt tạm giam còn liên quan đến trước đó bà Yến bị "tố" lừa đảo của anh Bùi Hoàng Linh (trú tại Thanh Xuân) hơn 100 tỷ đồng. Theo bà Yến, anh Linh là con của một vị đại tá công an. Khoảng năm 2010 khi trường đang phát triển, anh Linh và bố có góp tiền đầu tư vào cổ phần của trường. Trước khi bị bắt, bà Yến đã từng cho PV biết là anh Linh chưa đóng đủ số tiền thỏa thuận để chuyển nhượng % cổ đông như dự tính nên HĐQT chưa bổ nhiệm thêm thành viên. Do vậy hai bên đã xảy ra xung đột. Được biết, bà Yến cũng đã gửi đơn sang TAND quận Hoàng Mai để giải quyết số tiền nợ giữa bà và anh Linh.

Bà Yến vay tiền để làm gì?

Theo lời bà Ngô Thị Anh Thư, ở khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, người "tố" bà Yến vay 140 tỷ đồng cho biết: Khi đó bà Yến hứa sẽ trả lãi suất 6%/tháng và nhấn mạnh, nếu bà Thư muốn trở thành cổ đông trong HĐQT của trường thì bà Yến sẽ thu xếp cho. Do vậy, bà Thư đã không ngần ngại huy động tiền từ tất cả những người thân quen trong gia đình để chuyển cho bà Yến. Được biết, bà Thư đã bán tới 7 căn nhà của gia đình, anh em... và hiện đang phải trả lãi hàng tháng cả tỷ đồng...

"Khi tôi phát giác ra bà Yến có dấu hiệu lừa đảo thì cũng là lúc có nhiều người khác đến trường Phương Nam đòi nợ. Rất nhiều người tố bà Yến vay tiền và mượn sổ đỏ của họ để thế chấp. Theo tôi nghĩ, sở dĩ bà Yến nợ tiền nhiều do lãi suất cao cộng với việc bà ấy đầu tư vào bất động sản nên thua lỗ nhiều. Nếu tính cả những chủ nợ mới phát sinh thì số tiền và sổ đỏ của bà Yến chiếm giữ đã lên đến nghìn tỷ. Tôi rất hoang mang không biết có lấy lại được số tiền đã cho bà Yến vay không", bà Thư lo lắng nói.

Một góc trường THPT Dân lập Phương Nam
Một góc trường THPT Dân lập Phương Nam.
 

Theo phản ánh, để thuyết phục những chủ nợ cho mình vay tiền và cho mượn sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), bà Yến đã hứa hẹn sẽ cho họ trở thành cổ đông của nhà trường và thừa hưởng rất nhiều việc "hái ra tiền" khác trong nhà trường vì thế, không ít người đã mắc lừa bà hiệu phó và cho bà ta vay hàng trăm tỷ đồng.

Chị Trần Thị Nam Hải (39 tuổi, trú tại huyện Từ Liêm, Hà Nội), một trong nhiều chủ nợ cho biết: "Bà ta trưng ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của trường lên tới gần 3.000m2, nói rằng giá trị của miếng đất này lên tới cả ngàn tỷ đồng. Nhưng do còn thiếu tiền để hoàn thiện thủ tục cầm cố ngân hàng vay vốn nên bà ta đề nghị tôi cho vay thêm tiền. Bà ta còn hứa chỉ cần cầm cố được miếng đất của nhà trường là sẽ hoàn trả tất cả khoản nợ và cho tôi vay lại nữa. Tin lời bà ta nên tôi cho vay". Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2013, chị Hải đã đem cho bà Yến vay gần 50 tỷ đồng, 3 sổ đỏ và 2 hợp đồng đầu tư bất động sản.

Trước ngày bị khởi tố, bắt tạm giam, trao đổi với PV, bà Yến cho biết trước đây bà vay tiền để đầu tư vào xây dựng trường. Tuy nhiên bà Yến cũng cho rằng, bà cũng là nạn nhân khi đứng ra cầm sổ đỏ để vay tiền hộ cho một số người?.

Trường sẽ tiếp tục hoạt động

Do có sự can thiệp của cơ quan công an, một số gia đình kéo đến trường ăn ở, sinh hoạt để đòi nợ bà Yến mấy ngày trước đã rời khỏi khu vực nhà trường và gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an. Theo ghi nhận của PV, chiều 27/8 khu vực cổng trường lại xuất hiện thêm một số chủ nợ mới, trong đó có những người "tố" bà Yến đã vay của họ cả trăm tỷ cùng với nhiều sổ đỏ.

Theo các giáo viên, những năm gần đây, việc tuyển sinh của trường Phương Nam ngày một khó khăn. Cấp tiểu học vừa mới giải thể và UBND quận Hoàng Mai cam kết các trường trong quận có trách nhiệm nhận học sinh của Phương Nam. Hiện tại, khối THPT của trường có bốn lớp 12, ba lớp 11, hai lớp 10. Cấp THCS chỉ có sáu học sinh lớp 8.

Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Sở sẽ có trách nhiệm giúp đỡ nhà trường duy trì hoạt động dạy học bình thường. Trước băn khoăn của giáo viên, nếu tiếp tục dạy học tại trường Phương Nam, ai sẽ là người trả lương cho họ, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc sở GD&ĐT trả lời: "Thông tin từ cơ quan công an cho biết, trước khi bị tạm giam, bà Trương Thị Hải Yến đã làm giấy uỷ quyền cho các cổ đông góp vốn để họ có trách nhiệm duy trì các hoạt động của nhà trường".

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo Người Đưa Tin

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.