Ngang nhiên mua bán rừng phòng hộ

Ngang nhiên mua bán rừng phòng hộ
TP - Nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Mang Yang, Gia Lai đã bật đèn xanh cho nhiều hộ dân ở tiểu khu 496, 499, 501 trên địa bàn huyện phá rừng phòng hộ trồng gỗ thông, sao xanh (mấy chục năm tuổi) lấy đất trồng cà phê, hồ tiêu, mì, bắp. Hàng trăm ha đất rừng của nhiều gia đình được ông Nguyễn Như Phi- Chủ tịch UBND huyện ký cấp sổ đỏ.

> Rừng xanh thành... rừng đen
> Khởi tố vụ phá 25 ha rừng phòng hộ

Biến đất rừng thành bìa đỏ

Rừng phòng hộ ở huyện Mang Yang tại các tiểu khu 496, 499 và 501 có trên 400 ha đã tốn nhiều sức người sức của trồng 20-30 năm qua chủ yếu là thông 3 lá, sao xanh.

Các tiểu khu 496, 499 thuộc lâm phần do Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Đoa cai quản, tiểu khu 501 có 170 ha thuộc quyền quản lý của chính quyền huyện Mang Yang. Hàng năm ngân sách chi cả trăm triệu đồng để nuôi bộ máy quản lý bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng.

Trong nhiều năm qua việc quản lý rừng và rừng phòng hộ của các Ban quản lý Rừng phòng hộ và một số chính quyền địa phương ở tỉnh Gia Lai là hết sức lỏng lẻo. Hàng trăm ha đất rừng được mua đi bán lại với giá trị rất lớn, có ha lên đến 400-500 triệu đồng lẽ nào cán bộ xã huyện những người trực tiếp mua bán và ký giấy không biết. Đất rừng được chính quyền cấp bìa đỏ thành đất sản xuất là kích thích người dân phá rừng.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm nay chính quyền huyện Mang Yang đến xã Đăk DJrăng 9 Mang Yang) đã tiếp tay cho việc phá rừng, mua đi bán lại đất đai khu vực này. Để biến rừng phòng hộ thành nương rẫy, người dân chỉ cần băm vỏ cho cây chết khô sau đó san ủi lấy đất bán viết tay cho người khác.

Người mới mua trồng cà phê tiêu, bắp mì trên đất này một thời gian là được chính quyền huyện Mang Yang hợp thức hoá thành đất nông nghiệp và được cấp bìa đỏ.

Tại tiểu khu 501 theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tháng 2/2008 của UBND tỉnh Gia Lai công bố ghi diện tích rừng phòng hộ tiểu khu này là 170 ha, tuy nhiên đến tháng 8/2013, kiểm tra thực địa của cơ quan chức năng , diện tích rừng chỉ còn 42 ha, mất gần 130 ha. Tiểu khu 496 có 150 ha sao xanh trồng nhiều năm trước nay đã bị san phẳng thành nương rẫy.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-một người sản xuất ở khu vực này khi chúng tôi hỏi về mua bán đất đã bộc bạch: Nhà tôi ở Tổ 9, thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang xuống đây mua đất canh tác. Ở đây họ mua bán đất rừng thông nhiều lắm. Tôi đã đưa em trai từ Lâm Đồng đến mua 1,6 ha đất với giá 380 triệu đồng. Mấy người bán đất có đưa sổ đỏ lân cận cho tôi xem hứa sẽ làm sổ đỏ khi tôi giao tiền.

Tại tham mưu sai?

Tại tiểu khu 501 Mang Yang, tháng 2/2008 khi tỉnh Gia Lai ban hành quy hoạch 3 loại rừng, xác định đây là rừng phòng hộ thì ngày 22/5/2008 ông Nguyễn Như Phi, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (GCNQSDĐ), diện tích 14.136m2 cho hộ ông Nguyễn Quang Tuấn trú Tổ 5 phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai.

(Tháng 8/2012 ông Tuấn đã bán đất này cho 2 hộ khác là ông Cao Văn Sơn trú ở An Nhơn, Bình Định và ông Trương Văn Lý ở thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang). Cũng trong tháng 5/2008 ông Phi cấp GCNQSDĐ cho ông Chu Văn Chung ở tận Thái Hoà, Ba Vì, Hà Tây với diện tích 10.340 ha trên rừng phòng hộ. Ngày 24/2/2010 ông Phi cấp bìa đỏ cho ông Nguyễn Văn Hoá ở TP Pleiku 43.134m2 đất ở khu rừng phòng hộ tiểu khu 501 nhưng không vào sổ bìa đỏ này…

Hỏi vì sao cấp bìa đỏ trên đất rừng phòng hộ, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang ông Nguyễn Như Phi trả lời thản nhiên cho rằng: Sau năm 2008 UBND tỉnh đã có quyết định quy hoạch 3 loại rừng rồi. Huyện ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do tham mưu sai. Mà tham mưu sai thì đề nghị cơ quan điều tra thu hồi lại.

Ông Trương Văn Biện-Chủ tịch UBND xã Dăk Djrăng là một trong những người tích cực mua đi bán lại đất rừng phòng hộ thành nương rẫy ở xã. Ông Biện thanh minh: Việc phá rừng thông ở đây là có nhưng tôi không nắm rõ bao nhiêu hộ dân phá rừng mua bán đất. Giữ rừng là việc chung của xã. Còn tôi trước đây có mua một số nhưng đã bán lại cho ông Nguyễn Văn Nhiên.

Được biết, UBND tỉnh Gia Lai đang yêu cầu Công an huyện May Yay điều tra làm rõ việc hàng trăm hộ dân xâm lấn rừng phòng hộ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.