> Thanh Hóa: Nhiều sai phạm trong khai thác tài nguyên
> Bắt chủ lò than thổ phỉ làm ba người chết
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú khẳng định, trên 50% giấy phép do chính quyền địa phương cấp không đúng quy định là con số không thể tưởng tượng được. Việc chậm trễ công bố quy hoạch quốc gia về khoáng sản sẽ dẫn tới tình trạng “tranh tối tranh sáng”, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi.
Lỗ hổng trách nhiệm, luật
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong hơn một năm qua tại các địa phương trên cả nước có 957 giấy phép khai khoáng được cấp, trong đó quá nửa là không đúng quy định, ông bình luận gì về thông tin này?
Trong giai đoạn từ 1/7/2011 đến 30/12/2012, số lượng giấy phép cho phép khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh lên đến con số 957; trong đó có trên 50% giấy phép do chính quyền địa phương cấp không đúng quy định. Đó là con số không thể tưởng tượng được.
Vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản là vấn đề rất nóng được các cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội thảo luận trước khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) được thông qua. Chúng ta cũng kỳ vọng rất nhiều vào việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là “thuốc” chữa cơ chế xin- cho. Nhưng hiện nay, số lượng cấp phép còn quá nhiều, gần như không có dấu hiệu thuyên giảm.
Qua việc này, có thể thấy Bộ TN&MT đã nỗ lực trong việc kiểm tra và công bố số liệu việc cấp phép khai khoáng tại các địa phương. Đây là bằng chứng tốt, là cơ hội để chúng ta sòng phẳng trong việc quy trách nhiệm và siết lại việc cấp phép khai khoáng. Tôi được biết sau khi Bộ TN&MT báo cáo, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh có vi phạm báo cáo giải trình và chúng ta đang chờ đợi câu trả lời của các địa phương.
Trong việc quản lý khai khoáng, liệu có sự chồng chéo trong quản lý dẫn tới việc không chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của ai?
Mỗi một trường hợp cụ thể có thể phân rõ trách nhiệm của ai, cũng như mức độ trách nhiệm của doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng nhìn vào bức tranh toàn cảnh thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Khi doanh nghiệp vi phạm, các cơ quan nhà nước thực thi công vụ phải có biện pháp, chế tài để quản lý.
Theo tôi vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý khai khoáng từ trung ương tới địa phương. Trong khi cấp bộ chỉ ra khung chính sách tổng thể vĩ mô thì việc thực thi thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bộ chủ quản vẫn có trách nhiệm liên đới.
Khắc phục “tranh tối, tranh sáng”
Khai thác titan tại Bình Định. Ảnh: CODE. |
Vậy hệ thống luật pháp về khai thác, quản lý khoáng sản vẫn còn khoảng trống để các doanh nghiệp có thể “lách”?
Luật Khoáng sản (sửa đổi) năm 2010 và có hiệu lực từ 1/7/2011, được kỳ vọng sẽ thắt chặt hoạt động khai khoáng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, luật này sẽ là “khắc tinh” của cơ chế xin - cho và cấp phép tràn lan trong hoạt động khoáng sản. Có hiệu lực được hơn 2 năm, nhưng Luật Khoáng sản vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, do việc chậm ban hành các văn bản dưới luật. Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa nhận mới chỉ ban hành được 2 nghị định. Như vậy chưa thể đầy đủ để thực thi được luật.
Ông Phạm Quang Tú. |
Báo cáo môi trường chỉ để trang trí Hiện nay, số doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã tăng. Nhưng chất lượng báo cáo chỉ mang tính hình thức để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai khoáng Ông Phạm Quang Tú |
Tôi thấy ngay trong Luật Khoáng sản cũng có những bất cập, như việc đấu giá về quyền khai thác khoáng sản không trên cơ sở định giá, khiến cho chủ sở hữu tài sản không nắm được giá trị tài sản trước khi đấu giá. Luật Khoáng sản bao gồm quy định hoạt động trong chuỗi khai khoáng được giao cho đầu mối là Bộ TN&MT. Tuy nhiên, việc chế biến, sử dụng lại không phải chuyên môn của Bộ TN&MT. Chiếc áo nhiệm vụ quá rộng có thể khiến Bộ TN&MT không bao quát được hết.
Điều 20, Luật Khoáng sản quy định, phải có quy hoạch quốc gia về khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi luật được ban hành, có ý kiến cho rằng việc thực hiện quy hoạch là rất khó. Chúng ta chưa bàn tới việc thực thi và độ khó của việc quy hoạch khoáng sản, nhưng điều này cho thấy, luật vừa mới ban hành, ngay lập tức việc thực thi luật đã gặp khó khăn. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan soạn thảo dự thảo luật hay là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra và thông qua luật cũng cần được nêu lên vì sự lạc hậu của luật đến quá sớm.
Liệu có phải quy hoạch khoáng sản còn chậm trễ đã gây nên hệ quả trên?
Chúng ta đã có Chiến lược khoáng sản 2012 do Chính phủ ban hành và Bộ TN&MT có quy hoạch khoáng sản nhỏ lẻ. Tuy nhiên các quy hoạch và chiến lược này vẫn còn quá khái quát, khiến việc thực thi tại cơ sở gặp khó khăn. Hơn nữa, chúng ta chưa có quy hoạch đồng bộ giữa các tỉnh, ngành. Vì vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp trong công tác quy hoạch khoáng sản. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “tranh tối, tranh sáng”, các địa phương vẫn tranh thủ cấp phép trước khi có quy hoạch cụ thể và nguy cơ lặp lại sai phạm tràn lan như báo cáo của Bộ TN&MT.
Tư duy “bóc ngắn, cắn dài”
Xuất khẩu khoáng sản thô vẫn đang diễn ra phổ biến, ông có bình luận gì về thực trạng này?
Việt Nam không phải quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Trong khi chúng ta rất cần tài nguyên khoáng sản cho phát triển, đó là lý do chúng ta cần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, chúng ta đang đi ngược nhu cầu thực tế do vẫn đang xuất khẩu khoáng sản thô, làm cho tài nguyên này cạn kiệt một cách nhanh chóng.
Mặc dù Nhà nước có nhiều văn bản, chỉ thị yêu cầu hạn chế và tiến tới là dừng xuất khẩu thô khoáng sản nhưng việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô của Việt Nam vẫn đang phổ biến.
Nghiên cứu của Viện CODE về khai thác titan tại Bình Định cho thấy, trong 22 doanh nghiệp khai thác thì 1/2 trong số này chủ yếu xuất khẩu quặng thô. Chỉ có 2 công ty chế biến sâu titan thành các sản phẩm có giá trị.
Việc này cho thấy giữa quy định pháp luật, định hướng phát triển với thực tế khai khoáng vẫn còn khoảng cách rất lớn. Tư duy “ăn xổi” trong khai thác khoáng sản vẫn hiện hữu trong các doanh nghiệp. Tư duy “bóc ngắn, cắn dài” đặc biệt đậm tại các chính quyền địa phương ở việc dễ dãi cấp phép khai khoáng.
Việc xuất khẩu thô có phải đang mang lại lợi nhuận ngay lập tức cho ngân sách?
Quan niệm xuất khẩu thô có thể thu về ngân sách số lượng tiền nhất định là sai lầm. Bởi thực tế cho thấy, tỷ lệ ngân sách thu về qua xuất khẩu thô thấp hơn rất nhiều so với xuất khẩu các sản phẩm chế biến tinh.
Kết quả nghiên cứu của CODE cho thấy, nếu chế biến và xuất khẩu thô, Nhà nước chỉ thu về được 3-4% lợi nhuận, nếu chế biến sâu là 35%. Vì vậy, nếu tiếp tục khai thác thô chúng ta vừa mất tài nguyên, ngân sách lại thu về rất hạn chế.
Người dân sống tại địa bàn có khoáng sản được hưởng lợi rất ít, lại phải chịu tác động về môi trường. Ông có thể cho biết có mô hình nào khắc phục được bất cập này?
Thực tế người dân không được hưởng lợi nhiều từ việc khai khoáng. Nghiên cứu của CODE về khai thác titan tại Bình Định cho thấy, việc phân chia lợi nhuận giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân không đồng đều. Lợi ích của doanh nghiệp từ lợi nhuận ròng chiếm 50%, Nhà nước thu các khoản thuế chiếm khoảng 36%. Người dân được tính từ công lao động và các lợi ích gián tiếp khác hưởng 14%, chủ yếu là công lao động của chính họ bỏ ra, nên nói về mặt lợi ích gần như không có.
Cảm ơn ông!
N.C.KHANH