Thăm nhà, phỏng vấn 'người rừng' phải trả 5 triệu đồng

Thăm nhà, phỏng vấn 'người rừng' phải trả 5 triệu đồng
TP - Giá một cuộc phỏng vấn “người rừng” ở Quảng Ngãi 500 ngàn - 1 triệu đồng! Dẫn vào thăm nhà “người rừng” 4 triệu đồng. “Người rừng” đang bị mang ra kinh doanh!?

> 'Người rừng' làm…showbiz !
> Cận cảnh đồ dùng tự tạo của cha con ‘người rừng’

Ông Lâm bày tài sản của cha con “người rừng” và hét giá khủng với mọi người
Ông Lâm bày tài sản của cha con “người rừng” và hét giá khủng với mọi người.

Huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn xôn xao sau sự kiện cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang sống gần 40 năm trong rừng và trở thành “người rừng”. Còn giờ đây, mọi người càng bất ngờ hơn khi cha con “người rừng” lập tức trở thành món hàng kinh doanh “độc” của người thân trong họ hàng.

Sáng 15/8, ông Hồ Minh Lâm, người cháu ruột của “người rừng” Hồ Văn Thanh đã tuyên bố trước đông đảo các nhà báo: “Hồi đầu tiên tôi cần nhà báo, bây giờ thì không cần nữa. Muốn phỏng vấn tôi nhà báo phải trả 500 ngàn, vài bữa nữa tăng lên 1 triệu đồng. Về “người rừng” chỉ mình tôi được nói!”.

Hiện, ông Thanh vẫn đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Tây Trà. Suốt ngày ông Lâm ngồi canh gác với ánh mắt dè chừng với mọi người qua lại. Nếu nhà báo muốn có hình ảnh ông Lâm ngồi cạnh “người rừng” để quay phim, chụp ảnh phải “nói chuyện tiền nong”. Còn không ông Lâm sẵn sàng tiếp đón bằng ánh mắt trừng trừng và phất tay. Ông già “người rừng” thỉnh thoảng liếc mắt sợ hãi nhìn người cháu như con gấu đang ngồi khuỳnh tay trước khu hành lang.

Sáng 15/8, một số nhà báo thực hiện một cuộc “ngã giá” ngoạn mục trước ông Lâm về việc dẫn đoàn lên thăm nơi ở của “người rừng”. Ban đầu ông Lâm hét giá 1,5 triệu đồng, rồi cố tình nấn ná, câu giờ để kéo dài thời gian. Sau đó, các nhà báo mới hiểu ra, lý do câu giờ để ông Lâm đòi thêm 1,5 triệu đồng nữa tức thành 3 triệu đồng. Quãng đường từ trung tâm huyện miền núi Tây Trà đến nơi ở của cha con “người rừng” đi bộ khoảng 4 giờ.

Một đồng bào trong xóm buồn rầu cho biết, “tôi mà dẫn nhà báo lên đó chỉ xin ngày công 100 ngàn đồng thôi, nếu nhà báo thương thì cho thêm 2 lít xăng nữa để đi. Thằng Lâm nó lấy nhiều tiền quá!”. Nói vậy, nhưng cuối cùng không ai dám dẫn đoàn đi. Vì, ông Lâm đã hăm doạ ai mà dẫn thì coi chừng!

Nhiều đoàn công tác từ Hà Nội vào, nghe hét giá cao nhưng cũng phải cắn răng chi tiền. Thật đáng thương khi “người rừng” bị con cháu mang ra kinh doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.