> Cận cảnh đồ dùng tự tạo của cha con ‘người rừng’
> “Người rừng” muốn về lại rừng
Từ trạm biên phòng bản Dộ, vượt qua mấy con suối mới tới được xóm “người rừng”. Đang là mùa mưa, con suối Kà Rong dữ dằn hơn. Dòng nước đỏ ngàu, nước chảy băng băng cuốn phăng mọi vật cản trên dòng chảy. Vất vả lắm các chiến sĩ biên phòng mới giúp nhóm khách lạ vượt qua dòng nước dữ.
Xóm "người rừng" có 5 nóc nhà lợp lá cọ, có nhà xiêu vẹo sắp đổ. Xóm gồm 5 hộ với 40 nhân khẩu. Thấy đoàn người đi tới, mấy đứa trẻ ở trần, da đen như đồng hun đang tắm mưa chạy toán loạn.
Nhà của chị Hồ Phăng được làm bằng cây rừng kết lại. Trong nhà treo lủng lẳng cung, tên, nỏ, và cả những cây củi được coi là vật thiêng. Trên vách nhà còn có rất nhiều bộ da thú, trong đó có một bộ da báo rất to. Vừa bập bập tẩu thuốc trên môi, chị Phăng ra hiệu mời khách ngồi chơi. Thấy khách định hạ cái cung đã mòn vẹt xuống xem, chị Phăng hốt hoảng hua hua ra hiệu không được sờ.
Cả xóm người rừng chỉ có 5 hộ dân. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Trung úy Hà Anh Đức, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Trạm biên phòng bản Dọ giải thích, ở đây họ kiêng kỵ nhiều thứ lắm. Theo tục của người Mày ở xã Trọng Hóa, người lạ không được đụng vào từ vật dụng cá nhân cho đến chỗ ngồi trong nhà.
Các hộ trong xóm "người rừng" sống quây quần bên dòng suối Kà Rong. Ngày mưa chỉ có phụ nữ ở nhà, đàn ông vào rừng săn bắn. Họ trồng lúa nương nhưng chỉ lơ thơ vài chòm, hàng ngày vào rừng tìm củ, quả về ăn. Dân trong xóm sống biệt lập, ít khi trao đổi hàng hóa với các bản ngoài trung tâm xã.
Chị Phăng có 6 người con. Đứa con trai cả là Hồ Đun đã lấy vợ. Hai đứa con gái lớn năm nay đã gần 20 tuổi mà chưa có ai hỏi. Chị Phăng đang lo chúng không lấy được chồng vì ở xóm này không có đứa trai bản nào cùng lứa với chúng.
Vợ chồng Đun đã ra ở riêng. Sang nhà Đun chỉ có mình vợ Đun là Hồ Thị Khâm ở nhà. Thấy có đông người vào nhà, Khâm tỏ ra ngại ngùng. Khâm ngồi sưởi ấm một mình bên bếp lửa, miệng cũng ngậm một tẩu thuốc. Ở cái xóm “người rừng” này ai cũng hút thuốc. Họ cho rằng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn nên chỉ trừ lúc ngủ và ăn mới không hút thuốc.
Khâm với Đun lấy nhau được 4 năm. Khâm đã 3 lần đẻ con nhưng chúng đều mất cả. Cũng như mọi người dân ở đây, Khâm sinh con tại nhà chứ không ra trạm y tế xã. Trong nhà Khâm chẳng có vật gì gợi nên sự no đủ. Ngoài số gạo cứu đói của Nhà nước do các chiến sĩ biên phòng mang đến, cuộc sống của vợ chồng trông cả vào rừng.
Trong căn nhà lá đơn sơ của ông Hồ Sun, người cao tuổi nhất xóm, mọi đồ dùng sinh hoạt đều do tổ tiên để lại. Trẻ em ở đây lớn lên cũng sống cuộc sống như bố mẹ chúng vậy. Khi đôi chân biết leo núi, cái tay biết căng dây nỏ cũng là lúc chúng được bố dạy cho cách tìm dấu vết của các con thú. Trong những chuyến đi rừng, chúng học cách phân biệt cây nào ăn được, cây nào có độc cần tránh. Đến tuổi trưởng thành, chúng đã thuộc nằm lòng cách sinh tồn giữa nơi hoang dã. Cuộc sống của nam giới nơi đây ở rừng nhiều hơn ở nhà.
Hỏi già Sun về Chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu, già lắc đầu, cái đó chẳng nghe thấy bao giờ. Tổ tiên chỉ truyền lại cách săn thú, nhặt quả rừng, chứ đã bao giờ nói đến những thứ đó. Những đứa trẻ nơi đây lớn lên chẳng cần quan tâm tới chuyện học hành. Bởi lẽ, cuộc sống nay đây mai đó của họ cốt sao được ăn no, chứ có đứa nào biết mặt chữ là gì. Hơn nữa, từ nơi đây chúng ra đến trường học cũng mất thời gian khá dài. Cứ như thế hết năm này qua năm khác họ sống êm đềm cùng núi rừng, không cần quan tâm đến thế giới bên ngoài.
Ngoài 5 căn nhà lá, xóm còn có 5 cái lều nhỏ được dựng quanh đó. Đó là căn nhà ở của phụ nữ khi "đến tháng" hoặc sinh nở. Phụ nữ nơi đây đến chu kỳ kinh nguyệt phải mang xoong, nồi, quần áo ra đó ở, chứ không được ở nhà chính. Họ phải sống một mình khoảng 5 ngày và không được tiếp xúc với người trong nhà. Ngay cả chồng cũng không được bén đến đó.
Hỏi ông Hồ Sun vì sao phụ nữ thường phải ở một mình khi đến ngày đó, ông Sun lại đưa tẩu thuốc lên miệng bập bập mấy hơi rồi mới chậm rãi bảo: "Bao năm nay người dân chỉ sống trong rừng sâu núi thẳm. Các cụ miềng sống như thế, giờ miềng cũng phải theo chứ. Không bỏ được đâu".
Trẻ em ở xóm "người rừng". Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Khắt khe nhất là luật tục về phụ nữ sinh đẻ. Phụ nữ trong thời gian sinh con được gia đình làm cho một cái chòi để ở riêng. Đến khi nào con biết cười, vợ chồng mới làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật đi cho đứa con được sạch sẽ. Sau đó, gia đình mới đón cả 2 mẹ con vào nhà. Người dân cho biết khi làm lễ tục phải chu đáo, nếu không khi đưa con về nhà sẽ bị "con ma rừng" theo đuổi.
Lễ tục diễn ra với hình thức đào một cái hố sâu, rồi trải lá dong rừng xuống, lấy mấy viên đá nhặt ở khe suối về nung đỏ rồi đặt lên trên lá dong. Sau đó, cạo lấy 3 nắm rễ cây “lạng hang” bỏ vào, vợ chồng cầm 2 nhánh cây dầu thơm ngồi ở trên hố và dội nước vào. Khi khói bay lên thì giơ đứa con lên cho cái dơ bẩn, bệnh tật bay theo gió, theo mây. Cái mùi thơm của khói bay lên từ hố sẽ đuổi "con ma" về với rừng.
Ở đây, ốm đau, người dân chẳng dùng thuốc, ngay cả việc dùng lá cây rừng cũng không. Họ ốm rồi đợi bệnh tự khỏi. Bệnh nặng quá không qua được thì chết. Họ coi đó là sự chọn lọc tự nhiên.
Đồn biên phòng Ra Mai đang cố gắng vận động những cư dân “người rừng” này ra ngoài bản Dộ định cư. Tuy nhiên, sau nhiều năm các chiến sĩ biên phòng đi lại để dân vận, người dân vẫn cương quyết ở đây. Họ bảo, ở rừng thích hơn. Đến nay mới có một cháu trong xóm được đón ra ngoài bản Dộ học chữ.
Trọng Hóa là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình. Xã có 18 bản, là nơi sinh sống của các tộc người Khùa, Mày, Mã Liềng thuộc nhóm dân tộc Bru - Vân Kiều. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam