Bão số 7 gây mưa lớn ở miền núi phía Bắc

Bão số 7 gây mưa lớn ở miền núi phía Bắc
TP - Phần lớn siêu bão số 7 sẽ vào khu vực Hà Giang, Cao Bằng sau khi đổ bộ vào đất liền Trung Quốc. Mưa lớn khoảng 200-300 mm sẽ đến sớm từ chiều nay 14/8 ở đông bắc bộ, sau đó lan sang các tỉnh miền núi phía Bắc, kéo dài đến 18/8. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định cân nhắc lệnh cấm biển.

> Ngày mai siêu bão Utor ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ
> Bão Utor gây ảnh hưởng tới các huyện đảo ở Quảng Ninh, Hải Phòng

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đến 16h hôm qua (13/8), siêu bão số 7 (tên quốc tế là Utor) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 13, cấp 14 (từ 134 đến 166 km/h), giật cấp 16, cấp 17.

các dự báo quốc tế đều cho rằng, sau khi vào Lôi Châu, bão sẽ vào khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó đi lệch về phía biên giới Việt-Trung, khu vực Hà Giang.

Mưa đến sớm, từ hôm nay (14/8) có mưa ở vùng đông bắc là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng trước. Sau khi bão dịch về phía gần Hà Giang, mưa sẽ tăng dần lên vùng núi phía Bắc, lan sang Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Theo ông Hải, cơn bão này khác cơn bão số 5 (gây mưa lớn), lượng mưa ở Hà Nội khoảng 50-100 mm. Tuy nhiên, có thể có ngập úng cục bộ. Đặc biệt, trưa và chiều nay (14/8), giông, tố lốc sẽ trùm vào Quảng Ninh, Hải Phòng, nhất là khu vực Vịnh Hạ Long. “Giông tố lốc rìa trước bão rất nguy hiểm, có trường hợp giông lốc gây chết du khách khi đang ngủ trên vịnh Hạ Long”- ông Hải nói.

Gọi điện cho chủ tịch tỉnh

Cuộc họp chiều 13/8, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát nói: “Tôi đã trực tiếp gọi điện cho chủ tịch tỉnh Quảng Ninh để chỉ đạo sát công tác phòng chống. Sau cuộc họp này, tôi sẽ gọi cho chủ tịch của Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định”.

Ông Phát yêu cầu, các tỉnh miền núi phía Bắc cần hết sức đề phòng mưa lớn, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản, nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các ngầm qua sông suối. Sớm xử lý gia cố đê điều xuất hiện sau cơn bão số 5, 6 vừa rồi.

Theo ông Vũ Văn Tú, Cục trưởng Đê điều và PCLB (Bộ NN&PTNT) chiều qua, tuyến biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, đã thông báo, hướng dẫn cho gần 77.000 tàu /320.300 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để phòng tránh.

Có 75 tàu/ 973 người đang hoạt động ở khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đang trong khu vực nguy hiểm. Bộ Ngoại giao đã gửi Công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu thuyền của Việt Nam được trú tránh bão, lên bờ khi cần thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.