'Người rừng' trở về: Cuộc sống kỳ lạ giữa rừng già

'Người rừng' trở về: Cuộc sống kỳ lạ giữa rừng già
TP - Ánh mắt vô hồn của Hồ Văn Lang chợt hoảng hốt khi đèn flash lóe lên, đâu như trong tâm tưởng, còn đó những ánh chớp bão giông rừng già. Khoảnh khắc đó vụt qua, và có thể lắm trong ý thức phần người thức tỉnh để anh nhận ra mình đang ở thế giới hiện đại.

> 'Người rừng' bị cột vào giường ở bệnh viện
> 'Người rừng' trở về sau 39 năm

Gia tài nguyên thủy

Kể từ ngày định mệnh vào năm 1974, sau một cơn điên dại, Hồ Văn Thanh ném đứa con trai thứ Hồ Văn Tri xuống đất rồi ẵm vào lòng đứa con trai đầu Hồ Văn Lang chạy thục mạng vào rừng sâu, bắt đầu từ đó là chuỗi thời gian đằng đẵng hai cha con tựa lưng vào nhau, đối chọi với vô vàn hiểm nguy trong rừng thẳm Apon ở thôn Trà Kẽm. Giọng kể đều đều, đôi lúc đứt đoạn, vợ chồng người cháu Hồ Minh Lâm và người bác ruột Hồ Văn Biên nặng trĩu, chầm chậm tái hiện 39 năm làm người tiền sử, vén bức màn bí ẩn trong rừng già.

Trong lễ trừ tà cho Hồ Văn Lang. Ảnh: Nam Cường
Trong lễ trừ tà cho Hồ Văn Lang. Ảnh: Nam Cường.

Những ngày đầu sống trong rừng sâu, thỉnh thoảng người dân xã Trà Xinh đi rẫy bắt gặp ông Hồ Văn Thanh lẩn khuất giữa các bụi cây. Mất một thời gian dài, ông Thanh mới dựng một căn chòi nhỏ trên cây, với đầy đủ vật dụng sinh hoạt. Như mắc phải một căn bệnh lạ kỳ: sợ tiếp xúc với con người, ông Thanh nhác thấy bóng người lại ôm con lùi mãi vào rừng sâu. Mất 3 lần như thế, ông mới bắt đầu sống yên ổn ở núi Apon. Một khu rừng không bóng người qua lại, quanh năm suốt tháng chỉ có những thanh âm đại ngàn.

Khi ông bồng đứa con cắm đầu chạy vào rừng sâu, gia tài mang theo chỉ là một bộ quần áo bộ đội, chiếc áo len nhỏ xíu, mặc vừa với đứa bé 2 tuổi. Ngay lập tức ông cởi toàn bộ quần áo hai cha con, cho vào lá dong đùm lại, cất cẩn thận. Tâm thần bấn loạn ông vẫn nhận thức được mình là quân nhân. Bởi thế, ngày được giải cứu trở về với cộng đồng, bộ quần áo hai cha con của năm 1974 vẫn thơm mùi vải.

Một mảnh bom sót lại ở bìa rừng được ông Thanh kỳ công tỉ mẩn uốn thành chiếc búa. Cuộc sống đại ngàn của hai bố con “Tarzan” bắt đầu từ chiếc búa. Búa dùng để đốn cây làm nhà, búa để đánh lửa nhóm bếp. Chính những mảnh bom sót lại giúp ông chế tác ra rìu, rựa, xoong nồi, lược nhôm… sau vật đầu tiên là chiếc búa.

Anh Hồ Minh Lâm kể, sau năm 2004, từ ngày phát hiện bố con người chú ruột ở Apon, thỉnh thoảng anh lên thăm, và cũng chính anh là người duy nhất giao tiếp ít ỏi với “người rừng” trong 39 năm.

May mắn thay, vài lần giao tiếp ít ỏi bằng tiếng Cor với ông Thanh mà anh Lâm giúp tôi hình dung được cuộc sống của hai cha con như một thước phim quay chậm. Có lửa, có nơi trú ngụ an toàn trên cây, có búa, rìu và xoong nồi, khi “Tarzan con” lớn lên từng ngày, hành trình tìm thức ăn ngày càng vất vả. Giun, dế, côn trùng không thể mãi là nguồn nuôi sống, ông Thanh phải đi săn bắt hái lượm. Người đàn ông nhỏ thó, trên tay là tấc sắt ngắn củn, hẳn nhiên không thể đối mặt với thú dữ. Ông đánh bẫy những thú nhỏ và hái những trái cây ăn được trong rừng. Bản năng sinh tồn khiến ông tìm đến nương rẫy của những người vùng cao bẻ ngô về làm giống. Ngô được trồng, lúa được gieo sạ, tất cả lớn lên, hồn nhiên như người gieo ra chúng.

“Điều này giải thích vì sao năm 1999, trong một lần đi ăn trộm dưa về làm giống, ông Thanh bị công an huyện Bắc Trà My bắt, rồi đăng báo. Sợ sệt, khi được thả, ông lại lùi sâu thêm vào rừng” – ông Hồ Văn Biên kể. Có bắp, có gạo nấu bằng xoong nồi là mảnh nhôm, nhưng 39 năm qua, chưa bao giờ hai cha con đụng vào hạt muối. “

Ăn riết rồi cũng quen, người Trà Phong đồn ầm lên là tui tiếp tế lương thực hằng năm cho cha con họ. Nhưng có đâu, chỉ lần đầu tiên đưa ít muối, họ lắc đầu. Quen nhạt miệng rồi, thịt nướng trên lửa, gạo nấu trong nồi, giờ có muối rắc vào, họ ăn không thấu. Thôi kệ!”. Còn anh Lâm nhớ lại, năm 2004, lần đầu tiên lên, anh có mang theo chiếc bật lửa, với hy vọng cha con sẽ có thứ sưởi ấm. “Nhưng ông không dùng. Thứ đánh lửa duy nhất của họ vẫn là chiếc búa và bùi nhùi”.

39 năm, cuộc sống kỳ lạ của cha con “người rừng” nối tiếp theo thời gian. Với họ, đêm ngày, thời gian, ý thức tuổi tác theo mưa nắng chuyển mùa. Rừng già bao bọc họ và phủ tấm màn kỳ bí mà có lẽ, chỉ đến khi Hồ Văn Lang hòa nhập, lên tiếng, những bí ẩn mới được giải mã.

Lần đầu tiên được cầm điện thoại để nghe nhạc
Lần đầu tiên được cầm điện thoại để nghe nhạc.

Trở về và ra đi

Người bác họ của Lang là Hồ Văn Biên chiều lòng tôi, cố gắng nói một tràng tiếng Cor, hy vọng trong vô thức bản năng, Hồ Văn Lang sẽ thốt lên vài từ. Nhưng không, càng nói, anh càng sợ hãi lùi sâu vào góc giường.

 Quen nhạt miệng rồi, thịt nướng trên lửa, gạo nấu trong nồi, giờ có muối rắc vào, họ ăn không thấu. Thôi kệ!.

Anh Lâm kể

Chủ tịch xã Trà Phong Trương Ngọc Đông - một người con Trà Phong, dân tộc Cor, lớn lên với bao đổi thay với miệt rừng thẳm Tây Trà, nói: Với người cha Hồ Văn Thanh, ông đã trên 80 tuổi, đây là một sự trở về. Trở về là bởi ngày xưa ông đã là người cha của mấy đứa con, ông đã đi bộ đội 6 năm, biết chiến tranh bom đạn. Biết đau đớn, hy sinh và mất mát. Ông đã là một con người trước khi đến với rừng thẳm. Ông trở về với thế giới con người, thế giới mà ông trong lúc điên loạn đã quay lưng với nó gần suốt 40 năm. Còn người con Hồ Văn Lang, đây là ra đi. Anh chính là Tarzan chính hiệu, anh sống ở rừng khi mới 2 tuổi, và giờ đã 41 tuổi rồi. Giờ đây, anh ra đi, từ thế giới của rừng già đến với thế giới văn minh.

Những vật dụng duy trì sự sống 39 năm trong rừng
Những vật dụng duy trì sự sống 39 năm trong rừng.
Chiếc lược làm bằng vỏ máy bay
Chiếc lược làm bằng vỏ máy bay.
Những chiếc áo bằng vỏ cây
Những chiếc áo bằng vỏ cây.

Tôi mời thuốc, anh thản nhiên cầm lấy, rít ngon lành. Chị Hồ Thị Mai lắc đầu: Thuốc, trầu cả ngày. Ở trong đó, thuốc vấn bằng vỏ cây, trầu tự trồng lấy. Đêm ngủ, Tarzan không chịu được ánh điện, sợ hãi khi thấy tivi phát hình eo éo. Cũng phải thôi, trọn tháng năm qua lang thang trong rừng.

Chở lên trung tâm y tế huyện thăm người cha, Hồ Văn Lang sợ hãi quấn lấy ông Thanh, run rẩy trong ánh mắt vô số người lạ. Tôi lo lắng hỏi bác sĩ Trần Thanh Long- trưởng khoa cấp cứu về tình hình sức khỏe. Bác sĩ lắc đầu, nói chưa tiên lượng, giờ ông đang bị suy kiệt quá, bệnh tật đủ đường. Thấy ông Thanh khẳng khiu bó gối, gục đầu, như một dã nhân kỳ bí, tôi chợt rợn người. Ông đã trên 80, sức khỏe yếu, ngày mai ngày kia biết đâu đó lá rụng vô thường, Hồ Văn Lang bấu víu vào đâu? Chắc hẳn anh sẽ thấy thế nào là cô độc. Cuộc đời của anh là rừng thẳm, 39 năm qua, anh hạnh phúc với rừng. Chỉ ở trong rừng Hồ Văn Lang mới là chính mình chăng. Người Cor vốn gắn với rừng, với Lang rừng là máu thịt.

Chị Hồ Thị Mai trấn an tôi bằng câu chuyện thú vị: “Lúc đầu, Lang sợ hãi không đi xe máy, nhưng sau ngồi lên thì vui, bắt phải đi nữa. Hy vọng chú ấy mau chóng hòa nhập, còn lấy vợ sinh con nữa chứ. Nửa đời người rồi, phải biết thế giới này còn có đàn bà”. Rồi chị Mai bật nhạc, chiếc điện thoại, Lang cầm lấy, áp vào tai, mắt lim dim. Không biết tiếng người, liệu âm nhạc có kéo nổi anh trở về với cuộc sống văn minh thực tại? Hy vọng là có thể, để anh không còn cảm thấy cô đơn, như chuỗi ngày vất vưởng trong rừng thẳm Apon của chính mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG