> Điều tra nghi án bệnh viện 'nhân bản' kết quả xét nghiệm
> Chuyện khó tin: một xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!
Bà Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ Khoa Xét nghiệm, người đứng đơn tố cáo những sai phạm xảy ra tại BV, nói rằng, sự việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm diễn ra tại bệnh viện (BV) từ 7/2012 đến 5/2013. Trong thời gian đó, hơn 1.000 phiếu xét nghiệm huyết học được BV “nhân bản” và trả cho hơn 2.000 bệnh nhân.
Bà Nguyệt nói: “Có những bệnh nhân vào cấp cứu, tình trạng sức khỏe rất xấu, nhưng vẫn không được làm xét nghiệm thật mà bị nhận kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác. Thậm chí có người xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức không bị tiểu đường, nhưng đi khám ở BV tuyến trên mới biết bị tiểu đường. Còn trường hợp một mẫu máu có cùng ngày, giờ xét nghiệm, cùng chỉ số được trả cho 5 bệnh nhân khác nhau về giới tính, độ tuổi, tình trạng bệnh. BV không mất tiền hóa chất, nhưng vẫn thu tiền đủ của các bệnh nhân, trả kết quả nhanh khiến lượng bệnh nhân đến càng đông”.
Bà Hoàng Thị Nguyệt, người đứng đơn tố cáo . |
Giám đốc BV bị tố “chơi xấu”
Trong buổi trao đổi với báo chí ngày 7/8, bà Nguyệt cũng cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức. Bà Nguyệt nói: “Ông Nguyễn Trí Liêm không phải là vị lãnh đạo tạo được môi trường làm việc trong sạch, đoàn kết. Bản thân tôi và một số đồng nghiệp đã không được ông Liêm cho trực sau khi ông Liêm biết tôi có ý không ủng hộ đường lối của ông (“nhân bản” xét nghiệm)”.
“Xét nghiệm máu được coi là một trong những xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh chính xác cũng như phát hiện sớm bệnh. Vì thế kết quả xét nghiệm máu phải rất chính xác. Sai lệch kết quả sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bệnh nhân vì không được chữa đúng bệnh, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong”. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư |
Ngoài bà Nguyệt, cả phó giám đốc bệnh viện lẫn trưởng khoa X-Quang cũng từng bị ông Liêm mắng chửi, tát trước mặt bệnh nhân. Thậm chí, vị giám đốc này còn “xì hơi xe máy” của nhân viên bệnh viện vì có khúc mắc cá nhân, bà Nguyệt nói.
Bà Nguyệt cũng cho biết đang lưu giữ nhiều bằng chứng cho thấy máy xét nghiệm được Sở Y tế đầu tư đã không được sử dụng, nhưng máy đi mượn của Cty Dược Hà Tây lại được khai thác tối đa. Cụ thể, máy xét nghiệm được Sở Y tế Hà Nội đầu tư từ năm 2010 chỉ bị hỏng dây bơm và bóng đèn, nhưng sổ sách của BV cho thấy BV không cho sửa.
Khi sửa các lỗi nhỏ này rồi, máy không hoạt động được vì không có hóa chất, song BV vẫn không mua hóa chất để đưa máy vào khai thác. Trong khi đó, máy của Cty Dược Hà Tây phục vụ toàn bộ 200-300 bệnh nhân/ngày.
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, bà Nguyệt viết rằng, Giám đốc BV đã chia cán bộ xét nghiệm thành hai bộ phận nội trú (gồm 3 cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư) và bộ phận ngoại trú (gồm trưởng khoa và 4 nhân viên hợp đồng, 1 y tá chưa hết tập sự, phụ trách máy móc tư nhân).
Trong khi bộ phận nội trú không có nhiều việc để làm, bộ phận ngoại trú làm không hết việc và đại đa số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Theo bà Nguyệt, bệnh nhân quá đông nên mới dẫn đến chuyện trả kết quả xét nghiệm khống. Việc làm trên nhằm móc túi, bòn rút tiền bảo hiểm.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc BV cho biết, Ban Giám đốc BV đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với Trưởng khoa Xét nghiệm Vương Thị Kim Thành và kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh để làm rõ các thông tin liên quan. Hiện 2 người này vẫn thực hiện các công việc chuyên môn tại khoa.
Bà Nhiên nói rằng, không biết trong BV xảy ra việc nhân bản kết quả xét nghiệm, chỉ đến tháng 5 khi Thanh tra Sở Y tế thông báo về đơn tố cáo thì Ban giám đốc BV mới biết. Bà Nhiên nói: “Trong các cuộc họp giao ban BV, không thấy ai phản ánh sự việc”.
Trước những câu hỏi xung quanh việc sử dụng máy xét nghiệm, hóa chất, việc mượn máy của Cty Dược Hà Tây..., bà Nhiên đều từ chối trả lời với lý do chờ kết luận của cơ quan điều tra vì bản thân không nắm được thông tin.
Không thể chấp nhận
Bà Nguyễn Thị Nhiên, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. |
Tại cuộc họp báo chiều 7/8, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, ngày 20/5 nhận được đơn tố cáo của một số cán bộ BV Đa khoa Hoài Đức. Ông Cường cũng xác nhận, qua xác minh đơn thư, Thanh tra Sở Y tế nhận thấy nội dung tố cáo của bà Nguyệt là có cơ sở.
Đó là việc bố trí nhân lực tại Khoa xét nghiệm chưa phù hợp, 2 nhân viên không có kinh nghiệm, bằng cấp cũng đứng ra ký giấy xét nghiệm là sai phạm, việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm là không thể chấp nhận được...
Ngày 21/5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thanh tra sự việc này và đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 8/10 nhân viên thuộc Khoa Xét nghiệm của BV này thừa nhận có tham gia “nhân bản” kết quả xét nghiệm.
Chánh Thanh tra cho biết, đây là lần đầu tiên trên ngành y tế thủ đô xảy ra sự việc như vậy. Trước câu hỏi của các phóng viên: “Ông có cho rằng đây là sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân?”, Chánh thanh tra không đưa được câu trả lời với lý do “đợi cơ quan công an điều tra”.
Ông Cường nói: “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã xác định được trách nhiệm về quản lý hành chính của lãnh đạo BV và cán bộ phòng. Cụ thể những sai phạm như thế nào, đến đâu phải chờ cơ quan điều tra. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm minh”.
Hôm qua (7/8), Sở Y tế Hà Nội cử cán bộ xét nghiệm của Bệnh viện Saint Paul xuống hỗ trợ khoa xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức. Theo yêu cầu của Sở, BV Đa khoa Hoài Đức cấu trúc lại Khoa Xét nghiệm cho hợp lý, bổ sung nhân sự phù hợp. Hai điều dưỡng tham gia công tác xét nghiệm trái quy định đã được chuyển làm việc khác phù hợp với chuyên môn.
“Những người dân đã khám, xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức nếu có nhu cầu khám, xét nghiệm lại, BV này phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu trên của người bệnh, nếu người bệnh không muốn khám lại ở đây thì Sở Y tế sẽ bố trí chuyển họ sang nơi khám khác đảm bảo yêu cầu”, ông Cường khẳng định.
Xử lý nghiêm các sai phạm Ngày 7/8, Bộ Y tế ban hành 2 công văn yêu cầu các đơn vị tập trung làm rõ sự việc xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức. Trong công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên viết: “Với quan điểm không để sự việc ảnh hưởng không tốt đến uy tín của y tế thủ đô nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sớm làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định; đồng thời tiếp tục chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị y tế trực thuộc có thực hiện xét nghiệm; chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn BV nghiêm túc quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và báo cáo về Bộ Y tế”. Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh văn phòng Nguyễn Xuân Trường có công văn yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh và Thanh tra Bộ khẩn trương làm việc với Sở Y tế và Công an Hà Nội điều tra, làm rõ sự việc, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm minh với các sai phạm. |
Khởi tố vụ án Hôm qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức để điều tra về hành vi gian lận kết quả xét nghiệm huyết học. Làm việc với BV Đa khoa Hoài Đức, cảnh sát thu giữ nhiều tài liệu liên quan, trong đó có gần 500 phiếu xét nghiệm huyết học của bệnh nhân có dấu hiệu giống nhau. Theo phân tích của luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), về căn bản, việc “nhân bản” các kết quả xét nghiệm có dấu hiệu lỗi hỗn hợp, với nhiều chủ thể khác nhau, có tính hệ thống, từ y bác sỹ đến lãnh đạo khoa, thậm chí Ban Giám đốc Bệnh viện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ chia các trường hợp cụ thể để áp dụng điều luật xử lý. Theo luật sư Hằng Nga, nếu là những người có chức sắc, có thể xem xét khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ, quy định tại các điều 281 và 282 Bộ luật Hình sự (BLHS). Nếu là y bác sỹ, nhân viên các khoa, phòng vi phạm, có thể xem xét tội danh giả mạo trong công tác khi họ làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu hoặc làm, cấp giấy tờ giả…, quy định tại Điều 284 BLHS. Theo luật sư Nga, hành vi tạo dựng kết quả xét nghiệm giả mạo còn có thể bị xử lý ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285) hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109 - BLHS). |