Khi nhân tài không trở về

Khi nhân tài không trở về
TP - Câu chuyện thành phố Đà Nẵng dự kiến khởi kiện (một số) “nhân tài” mà Tiền Phong vừa nêu đang thu hút dư luận, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Nếu chuyện xảy ra, đây có lẽ là lần đầu tiên chính quyền và nhân tài phải gặp nhau ở toà án.

Đó là những người giỏi trong các lĩnh vực được thành phố tuyển chọn cho du học làm thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiền ngân sách, với cam kết sẽ quay về cống hiến cho địa phương tối thiểu từ 5-7 năm. Với chi phí 6-8 trăm triệu đồng/năm cho mỗi người, yêu cầu trên không có gì thái quá. Tuy nhiên, một số người học xong đã “mất liên lạc” với thành phố.

Có ý kiến cho rằng chỉ với gần 20 trường hợp như vậy, trong tổng số trên 500 người tài cùng loại, so tỷ suất “hao hụt”, đã là “hời” chán! Đà Nẵng được như hiện giờ, và tương lai gần khi tất cả trở về cống hiến, việc xây dựng nên một thành phố đẳng cấp khu vực là mục tiêu không xa vời.

Thông cảm nỗi day dứt của lãnh đạo thành phố này, khi cho việc gặp nhau ở toà là điều “vạn bất đắc dĩ”, vì là người con Đà Nẵng, dù có làm việc ở đâu họ cũng sẽ làm “rạng danh quê hương”. Đến một lúc nào đó họ cũng có thể quay về, bởi không gì bằng “hợp đồng tinh thần”. Nhưng bởi dùng tiền thuế của dân, nên phải nghiêm minh. Một điều chưa thấy nói ra, nhưng có thể hiểu đây còn là biện pháp “cầm máu” cấp thời, nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu nhân tài ồ ạt rất dễ xảy ra, trước những lực hút quá hấp dẫn từ bên ngoài.

Hà Nội vừa nhìn lại 11 năm triển khai chính sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ tài năng trẻ, kết quả được thừa nhận là rất hạn chế. HĐND thành phố này cũng vừa ra nghị quyết, trong đó đưa ra nhiều “gói” ưu đãi hấp dẫn, kể cả được cử học sau đại học ở nước ngoài, kèm điều kiện phải phục vụ cho thành phố ít nhất 7 năm. Điều mà Đà Nẵng đã làm bài bản từ trước đó khá lâu. Liệu sẽ tái diễn cảnh Đà Nẵng đang gặp bây giờ?

Lâu nay vẫn nghĩ, nhân tài giống như những cánh đại bàng, luôn tự do, “khi vui thì đậu khi buồn thì bay” khắp phương trời rộng lớn. Những người bình thường khác còn liên tục “nhảy việc” nữa là. Thế nhưng dường như không phải vậy, nếu áp dụng “Công thức nhân tài 3C” nổi tiếng của GS Dave Ulrich (ĐH Michigan, Mỹ) - người được Tạp chí Forbes bầu chọn một trong 5 nhà cố vấn quản trị hàng đầu thế giới về phát triển nhân lực.

Đó là: Nhân tài = Năng lực X Cam kết X Cống hiến (Competence, Commitment, Contribution). Nếu một trong 3 yếu tố trên bằng 0, coi như kết quả làm việc cũng bằng 0. Nghĩa là nếu một người có năng lực và cống hiến tốt cho công ty, nhưng không cam kết làm việc lâu dài, hoặc không dấn thân, không cống hiến cho tổ chức thì cũng không thể coi là nhân tài!

Đang rộn ràng “mùa” thủ khoa, mùa Olympic quốc tế, thấy nước mình nhiều người có tiềm năng trở thành nhân tài thực sự. Nhưng cũng cần thấy rằng, nhân tài không phải chỉ là giỏi. Và nữa, cho dù muốn cống hiến, nhưng chỉ để “rót nước pha trà” như một số nơi, thì cũng bằng không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG