'Nóng' với dự án quốc lộ mở rộng

'Nóng' với dự án quốc lộ mở rộng
TP - Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (GPMB), bị “chặt chém” giá vật liệu tại chỗ, vướng thủ tục về thu hồi đất lúa, thiếu kinh phí tái định cư, còn gây ùn tắc và ảnh hưởng vệ sinh môi trường trong quá trình thi công… là những vấn đề đặt ra với các dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn qua Thanh Hóa - Cần Thơ và dự án đường HCM qua Tây Nguyên (QL14).

> Thêm 2.354 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 1
> Thiếu minh bạch đất làm đường

Một vụ TNGT xảy ra trên tuyến QL 1A đoạn qua Quảng Nam mới đây
Một vụ TNGT xảy ra trên tuyến QL 1A đoạn qua Quảng Nam mới đây.

Hội nghị “nóng” nhằm tháo gỡ những vấn đề trên vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 15/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính. Lãnh đạo 23 tỉnh thành dự án đi qua và nhiều nhà đầu tư tham dự.

Năm cây số, 5 năm chưa GPMB xong

Ngay lời mở đầu đề dẫn, Phó Thủ tướng biểu dương địa phương làm tốt công tác GPMB cho dự án đi qua là Hà Tĩnh. Đồng thời chỉ đích danh Quảng Trị, với tiêu điểm có 5km qua Đông Hà mà 5 năm làm không được: “Pháp luật về đền bù GPMB được ban hành đầy đủ, nhưng tại sao có địa phương làm tốt, nhưng nhiều địa phương chậm trễ, trì trệ?”.

 Vì tính mạng của hàng vạn người chết do TNGT mỗi năm, chủ yếu trên các tuyến đường này, ai làm chậm, làm hỏng là có tội với nước, với dân

Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc

Khẳng định việc đầu tiên quan trọng, nhạy cảm, và nặng nề nhất là GPMB, Phó Thủ tướng tỏ ra sốt ruột khi đây là công trình trọng điểm quốc gia được Quốc hội, Chính phủ ấn định phải hoàn thành trong năm 2016. Bây giờ đã quá nửa năm 2013, trong khi mùa mưa những khu vực này thường kéo dài.

Trong khi tổng chiều dài dự án trên 1.700 km, dân cư và phương tiện lưu thông dày đặc, khối lượng công việc rất lớn, rất nóng, rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đoạn mở rộng QL1 từ Đông Hà-thị xã Quảng Trị dài chỉ 13km, nhưng còn 5km chưa GPMT xong. Qua 5 năm, trượt giá lên đến 4 lần. Nếu các địa phương khác cũng như vậy, mức đầu tư sẽ phải tăng rất nhiều, thiệt hại ghê gớm.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, ông Mai Thức thừa nhận việc chậm GPMB là khuyết điểm của địa phương. Hiện chỉ còn trên 300m với 50 hộ dân chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Ông Thức lý giải nguyên nhân do việc ghi vốn để GPMB chuyển tiếp từ năm 2009 đến 2013 gặp nhiều trục trặc. Có lúc tỉnh đã làm xong phương án đền bù GPMB, áp giá, thì lại không được bố trí kinh phí. Qua năm sau, giá cả khác đi, dân khiếu kiện, phải áp giá lại. Hiện tỉnh còn thiếu gần 18 tỉ đồng chưa được cấp để chi trả cho dân.

Một cái vướng nữa trong GPMB không chỉ Quảng Trị, mà nhiều tỉnh như Quảng Nam, TT-Huế, Quảng Bình, đó là theo quy định, địa phương không thể chủ động thu hồi đất trồng lúa nơi dự án đi qua. Mà phải được các bộ liên quan trình xin Thủ tướng, mất nhiều thời gian.

Bị các chủ mỏ vật liệu xây dựng “chặt chém”?

Theo Bộ GTVT, tổng khối lượng vật liệu chính cho mở rộng QL1 Thanh Hóa-Cần Thơ là 18 triệu m3 đất + 12,7 triệu m3 đá các loại. Với đường HCM qua Tây Nguyên, cần 2,8 triệu m3 đất + trên 2,5 triệu m3 đá. Tuy nhiên, nguồn cung cấp vật liệu tại chỗ gặp khó khăn do các mỏ vốn dự kiến cung cấp cho dự án này đã được các địa phương cấp cho các tổ chức, cá nhân khác. Các chủ mỏ này luôn “ép” bán vật liệu với giá cao hơn đơn giá do liên Sở Xây dựng-Tài chính quy định, và cao hơn đơn giá vật liệu trong dự toán được phê duyệt.

Hầu hết các chủ đầu tư, nhà thầu đều đề nghị cần tăng cường kiểm soát giá cả vật liệu. Đại diện Tổng Cty XDCTGT 4 (Cieco 4) thi công dự án Vinh-Hà Tĩnh, cho biết dự án thì lớn nhưng đi qua nhiều xã. Chủ mỏ đất là các hộ dân, trong khi địa phương chưa có một giá trần cụ thể nên chủ các mỏ này khó “tính toán”.

Theo Bộ trưởng Thăng, qua kinh nghiệm một số dự án đường cao tốc, có tình trạng bị các nhà cung cấp vật liệu ép mua giá cao, với chất lượng và tiến độ không đảm bảo. Thậm chí có nhà đầu tư, nhà thầu mua được nguồn vật liệu từ địa phương khác về cũng bị “quây” lại không cho bán, và yêu cầu mua với giá rất cao.

Các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Thăng đối với các chủ dự án BOT để chi trả bồi thường, tái định cư. “Đây là dịp để chứng minh các nhà đầu tư có tiền hay không. Cho đến hết tháng 8, tiền chưa bỏ ra thì phải xem lại”.

Trong số 59 tiểu dự án thuộc hai tuyến đường trên, có 22 dự án đầu tư theo hình thức BOT với số vốn trên 48.000 tỷ đồng. Thực tế, trong nguyên nhân chậm trễ như ở Quảng Trị, theo Phó chủ tịch tỉnh Mai Thức, đó là năng lực của nhà đầu tư (Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh) có hạn, có những đoạn không phải GPMB cũng làm chậm.

Về những trường hợp thế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “các chủ đầu tư, ông nào không làm được, đề nghị đứng dậy xin rút lui”. Đồng thời yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại ngay trong tháng này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết dù rất khó khăn trong việc cân đối ngân sách, nhưng Thủ tướng vừa quyết định cho ứng trước 5.000 tỷ đồng cho công tác GPMB. Tuy nhiên, các địa phương cần nghiêm túc trong việc sử dụng vốn này. Bởi có những nơi đã “tranh thủ” xây dựng khu tái định cư thành…khu đô thị, không vốn nào chịu nổi!

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo cao nhất của từng địa phương phải vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất. Về nguồn vật liệu, theo Phó Thủ tướng, tốt nhất là địa phương cấp mỏ cho các đơn vị thi công. Nếu không còn thì cần ưu tiên cho đơn vị thi công mua trực tiếp không qua trung gian để khỏi bị ép giá. Về việc thu hồi đất lúa với những nơi tuyến đường đi qua, sẽ sớm thống nhất để giao quyền trực tiếp cho địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG