Cần chương trình hành động hậu lấy phiếu tín nhiệm

Cần chương trình hành động hậu lấy phiếu tín nhiệm
TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Vũ Mão cho rằng, sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết của QH nên yêu cầu các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có chương trình hành động hậu lấy phiếu.

> Sáu lãnh đạo Khánh Hòa không có tín nhiệm thấp
> TP HCM: Giám đốc Sở KH & ĐT có tín nhiệm thấp nhất

Chưa có ai phải đi tiếp bước thứ hai là bỏ phiếu tín nhiệm

Việc lấy phiếu tín nhiệm tại QH và một số địa phương đã hoàn thành, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là rất đáng hoan nghênh. Đó là một bước tiến trong nền dân chủ của nước ta, là một việc chúng ta chưa thực hiện bao giờ. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm, kết quả số phiếu đã được công khai rộng rãi tới nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, thực tiễn tại QH và các địa phương đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, không có cán bộ nào phải đi tiếp bước thứ hai là bỏ phiếu tín nhiệm. Đó cũng là điều chúng ta đáng suy nghĩ, bàn thảo.

Ông Vũ Mão
Ông Vũ Mão.

 Chưa làm rõ được thực chất những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp là gì và quan trọng hơn là giải pháp khắc phục ra sao. Nếu không thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ dần trở nên hình thức và nhàm chán”.  

Ông Vũ Mão

Có ý kiến đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự cảnh tỉnh, răn đe. Nhưng theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm là một việc làm mà chúng ta phải bỏ nhiều công sức chuẩn bị và thực hiện, nhưng kết quả lại chưa tương xứng, chưa làm rõ được thực chất những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp là gì và quan trọng hơn là giải pháp khắc phục ra sao. Nếu không thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ dần trở nên hình thức và nhàm chán.

Có ý kiến cho rằng, các lần lấy phiếu sau chỉ nên quy định 2 mức tín nhiệm: tín nhiệm và không tín nhiệm. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, ý kiến đó là đúng, tuy nhiên ở đây tôi muốn bàn tới một vấn đề có tính cốt lõi hơn. Đó là, Hiến pháp hiện hành quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những người không làm tròn nhiệm vụ). Hơn 10 năm qua chưa thực hiện được là điều không bình thường. Đáng lẽ cần đi sâu phân tích tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục thì chúng ta lại đưa ra một chủ trương mới là lấy phiếu tín nhiệm hằng năm...

Còn nếu cứ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm hằng năm thì cần bổ khuyết thêm nhiều nội dung và ít nhất phải có thêm các quy trình, thủ tục.

Cần có bản kê khai tài sản

Vậy, theo ông đâu là những điều cần hoàn thiện cách thức và quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm?

Ngoài bản tự nhận xét của người được lấy phiếu như đã quy định trong Nghị quyết của QH, theo tôi còn cần có thêm 4 văn bản khác.

Một là, bản nhận xét của cán bộ chủ chốt của cơ quan mà người được lấy phiếu phụ trách.

Hai là, bản nhận xét của thủ trưởng cấp trên của người được lấy phiếu. Nếu là bộ trưởng thì cần có bản nhận xét của Thủ tướng Chính phủ. Nếu là chủ nhiệm Ủy ban của QH thì cần có nhận xét của Chủ tịch QH hoặc nhận xét của Ủy ban Thường vụ QH.

Ba là, nếu là đại biểu QH (đa số các chức danh này là đại biểu QH) thì cần có bản nhận xét của cử tri nơi mình ứng cử và cử tri nơi cư trú.

Bốn là, bản kê khai tài sản của người được lấy phiếu, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tôi cho rằng, việc công bố kê khai tài sản là việc thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4.

Một vấn đề khác là, cần dành thời gian cho các đại biểu QH được hỏi, yêu cầu người được lấy phiếu làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Nếu tổ chức đối thoại thì rất có lợi. Đại biểu hiểu đầy đủ hơn về người mà mình sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Mặt khác, người được lấy phiếu có điều kiện trình bày đầy đủ về những vấn đề mà đại biểu thắc mắc, đặt ra. Có làm được điều đó mới tạo ra dân chủ và sự công bằng, mới thể hiện sự tôn trọng những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch HĐND thường có tín nhiệm cao nhất

Có ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu chỉ nên tiến hành với những chức danh thuộc cơ quan hành pháp, bởi cơ quan lập pháp hoạt động theo chế độ nghị viện, tập thể?

Ý kiến chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh thuộc cơ quan hành pháp là chưa có lập luận vững chắc và chưa thể hiện sự công bằng. Vấn đề này cần trao đổi kỹ.

Mặc dù kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy các chức danh thuộc QH có phiếu tín nhiệm cao hơn bên Chính phủ. Tại các địa phương thì chủ tịch HĐND thường có kết quả phiếu tín nhiệm cao nhất. Đó cũng là một thực tế khi việc đánh giá các chức danh công tác ở QH, HĐND có phần khó hơn (bởi lẽ khó quy trách nhiệm cụ thể) so với đánh giá các bộ trưởng, giám đốc sở. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để quy định rõ hơn về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của họ, chứ không phải là thôi lấy phiếu tín nhiệm đối với họ. Tôi cho rằng, chúng ta cần thực hiện đúng quy định của Hiến pháp là bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có vấn đề phải xem xét.

Hiện nay, chúng ta đang thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nếu muốn có thêm công đoạn lấy phiếu tín nhiệm trước khi bỏ phiếu tín nhiệm như đang làm thì phải nghiên cứu để bổ sung vào Hiến pháp.

Theo ông, việc giám sát những chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nên như thế nào?

Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy. Vì vậy, chúng ta cần phải làm rõ, chỉ ra cho các chức danh chịu nhiều phiếu tín nhiệm thấp là họ đang còn những thiếu sót, hạn chế gì và từ đó giúp họ xây dựng chương trình hành động với những giải pháp cụ thể.

Nói cho rõ hơn là, các bộ trưởng, nhất là những vị có nhiều phiếu tín nhiệm thấp (dù kết quả chung vẫn đạt yêu cầu về số phiếu tín nhiệm), cần bàn xem còn gì chưa làm tốt để tìm giải pháp khắc phục làm cho tốt hơn. Đặc biệt là những khó khăn mà tự bản thân bộ trưởng không thể giải quyết được thì Thủ tướng và Chính phủ cùng vào cuộc để tháo gỡ như thế nào.

Với kết quả như đã công bố, thấy rằng cơ quan hành pháp còn rất nhiều việc phải làm. Ủy ban Thường vụ QH thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động của Chính phủ trong việc khắc phục những tồn tại trong quản lý vĩ mô; đồng thời chỉ đạo các Ủy ban của QH có chương trình hành động khắc phục những thiếu sót, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn các Ủy ban của QH thì giám sát các bộ, ngành và chủ động trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành để làm rõ lý do vì sao có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, giúp cho họ có các giải pháp khắc phục.

Các bộ, ngành, UBND... cần họp để xem xét dư luận xã hội, những bức xúc của người dân không hài lòng đối với ngành mình ra sao, cần khắc phục những tồn tại gì. Tôi nghĩ rằng, các chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng rất cầu thị, mong muốn có điều kiện để khắc phục những điểm còn hạn chế của mình và ngành mình, chứ không đơn thuần là những cảm xúc tâm trạng...

Cảm xúc là chuyện của cá nhân, còn những bức xúc của người dân về những điểm nóng mà các ngành chưa làm được lại là chuyện lớn tác động mạnh đến xã hội. Điều này đòi hỏi các vị tư lệnh ngành cần đạt đến tầm tư duy chiến lược và trình độ quản lý vĩ mô. Tôi lấy ví dụ ở ngành GD&ĐT, khi việc học còn nặng nề, việc thi cử còn cồng kềnh, bộ trưởng phải làm sao để thay đổi được thực tiễn này. Hay những tiêu cực, phong bì trong ngành y tế, bộ trưởng phải có hành động quyết liệt để chữa trị căn bệnh này. Người dân hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành, nhưng không tha thứ những tiêu cực đang diễn ra trước mắt họ.

Tôi hy vọng, ở các kỳ họp sau, QH sẽ làm tốt hơn nữa chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong quá trình chuẩn bị và đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh và kết quả đạt được sẽ thuyết phục hơn.

Cảm ơn ông!

N.C.KHANH
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới khu vực Thủ đô Hà Nội thời tiết ổn định với hình thái ngày có hửng nắng tương đối ấm áp. Thời điểm sáng và đêm nền nhiệt giảm cả chục độ C so với ban ngày, cảm nhận rét rõ rệt.
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.