> Hà Nội lý giải về quá tải bến xe Mỹ Đình
> Vụ 'vỡ trận' bến xe Mỹ Đình: Xuất hiện bản kiến nghị 'lạ đời'
Phản đối tập thể
Sau nhiều lần kiến nghị, đề xuất không nhận được hồi đáp thỏa đáng, tuần qua một số doanh nghiệp (DN) vận tải tập trung, căng băng-rôn phản đối kế hoạch di chuyển hơn 350 lượt xe khách từ bến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm từ ngày 20/7 của Sở GTVT Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Long Thu (Thái Bình), việc Sở GTVT Hà Nội có kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là cần thiết, kể cả việc di dời toàn bộ bến xe Mỹ Đình; về việc này, nhưng việc sắp xếp, điều chuyển một số lượt xe từ bến Mỹ Đình về các bến khác, Sở GTVT Hà Nội làm chưa khoa học, công bằng.
“Theo tôi, tình trạng mất trật tự tại bến xe Mỹ Đình hiện nay là do có quá nhiều xe “dù”, bến “cóc” hoạt động phía ngoài. Các DN được cấp nốt (tuyến) và có hợp đồng với cả hai đầu Sở GTVT đều hoạt động nghiêm túc”, ông Thu nói.
Tuần qua, một số hãng vận tải còn căng băng-rôn tại bến Mỹ Đình đề nghị Sở GTVT Hà Nội ngừng việc điều chuyển hàng trăm lượt xe khỏi bến Mỹ Đình. Trong những ý kiến phản ứng có lá đơn ký tập thể của 25 DN vận tải tại Thanh Hóa.
Bà Phùng Thị Thơm, đại diện đứng đơn cho 25 DN vận tải Thanh Hóa, nói: “Các DN đăng ký nốt tại bến Mỹ Đình đã chịu lỗ hàng tỷ đồng trong những năm đầu, nay DN mới tạm hoạt động ổn định, kinh doanh chưa bù được lỗ lại bị điều chuyển đến bến mới. Trong tình hình kinh tế khó khăn, điều này đẩy các DN vào con đường phá sản”.
Chấp thuận cho một số DN ở lại
Ngoài các DN vận tải, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, những ngày qua, chính quyền và sở ngành ở một số tỉnh đang có xe khách hoạt động tại bến Mỹ Đình cũng có ý kiến, văn bản đề nghị UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội xem xét lại việc trên.
UBND tỉnh Sơn La vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT xem xét và có lộ trình khi chuyển các lượt xe khách từ bến Mỹ Đình về Yên Nghĩa. Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, hằng ngày, xe khách tuyến Hà Nội - Sơn La có trên 2.000 lượt khách, trong đó bến Mỹ Đình chiếm hơn 50%.
“Trong khi đường sắt trên cao chưa hoàn thành, xe buýt từ bến Yên Nghĩa vào nội thành còn khó khăn, đi lại bằng taxi giá thành cao, nếu chuyển hết các tuyến xe khách từ bến Mỹ Đình về Yên Nghĩa sẽ rất khó khăn cho người dân địa phương”, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh này, trước mắt nên giữ nguyên các nốt xe từ Sơn La về Mỹ Đình không phải giờ cao điểm; điều chuyển một số nốt xe vào giờ cao điểm từ Mỹ Đình sang các bến xe khách như Giáp Bát, Lương Yên.
Trước các ý kiến trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, lãnh đạo Sở vừa đề nghị Sở GTVT các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hướng dẫn cho các DN vận tải tại địa phương được Sở GTVT ở hai đầu chấp thuận sau ngày 14/10/2009 đang hoạt động tại bến Mỹ Đình thực hiện nghiêm túc việc điều chuyển về bến Yên Nghĩa hoặc Nước Ngầm. Những DN vận tải đã hoạt động ở bến Mỹ Đình trước thời điểm 14/10/2009 được tiếp tục hoạt động tại bến này.