Cha mẹ lười, đẩy con đi ăn xin

Cha mẹ lười, đẩy con đi ăn xin
Cha mẹ lười làm ăn, đẩy con ra đường đi ăn xin để có tiền sinh sống. Đó là thực trạng nóng bỏng xảy ra với nhiều trẻ em vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên...

Cha mẹ lười, đẩy con đi ăn xin

> Quyết không để con làm ruộng 

Cha mẹ lười làm ăn, đẩy con ra đường đi ăn xin để có tiền sinh sống. Đó là thực trạng nóng bỏng xảy ra với nhiều trẻ em vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên...

Dây dưa, khó nhằn

Buổi chiều giữa tháng 6, tại một quán ăn trên đường Trần Phú, TP.Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi thấy một nhóm trẻ đen nhẻm khoảng 7-8 tuổi, đang chia nhau ra các bàn, chìa tay xin tiền. Các em tỏ ra rất kiên trì, khi khách cho tiền mới đi nơi khác, mặc chủ quán cho người xua đuổi... Khi chúng tôi hỏi chuyện, hầu hết các em nói tên rồi “không biết”, duy có một cậu bé nói “… ở Phú Yên”, chúng tôi hỏi “ai dẫn tới đây?” thì lại “không biết”. Có em còn mặc nguyên đồng phục có in tên trường…

Ông Mang Hận - Phó thôn Soi Nga (trái) và cha con ông Mang Đạt
Ông Mang Hận - Phó thôn Soi Nga (trái) và cha con ông Mang Đạt.

Theo chị Hiền - chủ quán, đây chỉ là một trong những nhóm trẻ em do người lớn đưa từ vùng dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân (Phú Yên) xuống Quy Nhơn ăn xin.

“Mấy tốp trẻ này có mặt ở Quy Nhơn 5-7 năm rồi, ở thị xã An Nhơn cũng có. Quán xá, chợ búa, siêu thị… chỗ nào có đông người là thấy tụi trẻ đến xin xỏ, xin lì lắm. Khách khứa người ta than phiền quá!” - chị Hiền nói.

Đúng như lời chị Hiền, một đại diện Sở LĐTBXH Bình Định thừa nhận trẻ em ăn xin là vấn đề “dây dưa, khó nhằn” đối với địa phương, gây nhiều hệ lụy xã hội. Những năm qua, đơn vị đã đưa trên 500 trường hợp lang thang, ăn xin trên địa bàn về Trung tâm Giáo dục và lao động xã hội của tỉnh, đồng thời trả về các địa phương hàng ngàn người khác; trong đó có nhiều trẻ em dân tộc Chăm Hroi và Ba Na ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên).

Tuy nhiên, năng lực của trung tâm còn hạn chế, đối với người ngoại tỉnh chỉ có thể cưu mang vài ngày rồi phải trả về các địa phương. Đơn vị đã mấy lần làm việc với Sở LĐTBXH Phú Yên và một số địa phương khác có đông người lang thang đến Quy Nhơn, thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm…

Ông Trần Văn Hòa - một người quê huyện Đồng Xuân hiện sống ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, cách đây vài năm, trẻ em miền núi Xuân Lãnh kéo về Tuy Hòa ăn xin rất đông. Chính ông đã nhiều lần cho tiền, “bắt” một số nhóm đưa lên xe trở về nhà.

“Bây giờ tình trạng này có bớt nhưng thỉnh thoảng vẫn còn thấy một số nhóm trẻ nhỏ Xuân Lãnh ăn xin ở Tuy Hòa. Tôi biết, mấy đứa nhỏ chuyển địa bàn khác chứ cũng không được về nhà” - ông Hòa nói.

“Con nuôi cha mẹ”

Xuân Lãnh có trên 1.500 hộ nghèo (chiếm 63%); riêng số hộ nghèo ở thôn Soi Nga là 194/213 hộ (91,1%), thôn Da Dù là 260/300 hộ (86,7%)...

(Nguồn: UBND xã Xuân Lãnh)

Ngược đường về xã Xuân Lãnh, chúng tôi mới thấu hiểu vì sao tình trạng ăn xin trong trẻ em nhiều thôn buôn diễn ra dai dẳng đến thế. Khoảng 10 giờ sáng, ông Mang Hận – Phó thôn Soi Nga, đưa chúng tôi đến nhà gặp Mang Đạt (38 tuổi, người Chăm Hroi). Dù đang trong mùa chặt mía, nhổ mì (sắn) nhưng “hôm qua uống rượu mệt quá nên bữa nay ở nhà nghỉ” – ông Đạt nói.

Nhà Mang Đạt được xây theo diện hỗ trợ xóa nhà tạm; người vợ đầu của ông mất năm 2002, ông lấy tiếp vợ hai nhưng bà cũng bỏ đi. Hiện ông đang sống với 3 con, con gái đầu Mang Thị Giăng (13 tuổi) và 2 trai là Mang Văn (11 tuổi), Mang Vẽ (7 tuổi).

Hiện tại, bé Giăng phải ở nhà nấu cơm cho bố, “chỉ có Văn và Vẽ đi xin ăn thôi”. Lộ trình đi xin của hai em là: Buổi sáng, ông Đạt chạy xe máy khoảng 20km đến huyện Vân Canh (Bình Định) để gửi con theo xe buýt xuống TP.Quy Nhơn “tác nghiệp”. Thế nhưng theo Trưởng thôn Mang Hận, có khi Mang Đạt cũng đi theo con về Quy Nhơn…

Mang Vẽ cho biết: Mỗi đợt đi Quy Nhơn 2-3 ngày, hai anh em xin được vài trăm ngàn, trừ tiền ăn uống (5.000 – 10.000 đồng/bữa), còn lại “mỗi đứa đưa ba 100.000 – 150.000 đồng mua gạo…”. Theo Vẽ thì “gặp đâu ngủ đó, cũng có khi bị đánh…”.

Ông Mang Hận cho hay: Cả 3 con của Mang Đạt đều được đi học; ngoài việc miễn học phí, mỗi em còn được Nhà nước hỗ trợ 70.000 đồng/tháng. “Thôn, xã luôn ưu tiên giúp đỡ nhưng nhà Mang Đạt vẫn nghèo. Mang Đạt có hứa không đưa con xin ăn nhưng rồi cũng lén đi. Ở Soi Nga này, nhà ông La O Vang có đủ vợ chồng, đất đai nhưng vẫn cho con là Mang Đức (10 tuổi) đi ăn xin. Vài năm trước đây, Soi Nga luôn có 10-15 hộ thường xuyên cho con em đi ăn xin, nay còn khoảng 3-4 hộ. Tình trạng xin ăn không thể dứt được, nhiều người cho rằng con cái phải giúp, nuôi cha mẹ…”.

Chúng tôi hỏi Mang Đạt: “Có vay vốn làm ăn để con đỡ phải đi ăn xin không?”, Mang Đạt nói: “Thôi, không vay đâu, sức đâu mà làm. Mấy cái nương rẫy cũng làm không xong mà…”.

Nguyên là một cán bộ uy tín gắn bó với buôn làng, thầy thuốc - già làng La Chí Thái (người Ba Na) ở thôn Xí Thoại, Xuân Lãnh, nói: “Người dân miền núi này không nói là “ăn xin” như dưới xuôi, mà nói là “xin ăn”. Xuân Lãnh có 4 thôn vùng đồng bào Ba Na và Chăm Hroi, nhưng Xí Thoại và Hà Rai có ai đi xin ăn đâu, chỉ có ở Soi Nga và Da Dù là triền miên cái nếp đi xin ăn, cả người lớn, cả trẻ con. Trước đây thì có lúc cả trăm người đi xin ăn, giờ chỉ còn khoảng chục nhà có người đi lai rai. Đâu phải người nghèo đói mới xin ăn, nhiều nhà cũng có ăn mà vẫn cho con đi xin ăn!”.

Ông Ma Nghĩa - già làng thôn Phú Lợi, xã vùng cao Phú Mỡ (Đồng Xuân) có cách lý giải riêng: “Bà con miền núi mình đa phần còn nghèo khổ lại chưa chịu thay đổi cung cách làm ăn. Hễ nó làm được 50.000 đồng là nó ăn cho hết rồi mới đi làm chuyện khác. Cứ vậy thoát nghèo đã khó, mong chi giàu có”.

Theo Hùng Phiên - Ba Em
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG