Nhận diện nước mắm, tương ớt có độc
Theo các chuyên gia, để nhận diện các loại hóa chất trộn vào tương ớt, ớt bột, nước mắm là rất khó, vì các độc chất trên thường không mùi, không vị. Cách nhận biết tốt nhất là cảm quan qua màu của sản phẩm.
Những can nước mắm "bẩn" được cơ quan chức năng thu giữ hồi đầu năm tại Hà Nội. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các mẫu tương ớt, nước mắm không rõ nguồn gốc. Tại các chợ Hà Đông, Đồng Xuân, chợ Xanh (Hà Nội) hay quán tạp hóa nhỏ... các loại gia vị này được bày bán khá nhiều.
Tương ớt, nước tương thường đựng vào loại can nhựa lớn, giá 10.000-15.000 đồng một lít, bên ngoài không hề có tem nhãn nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần.
Các loại nước mắm công nghiệp được pha chế từ một phần nước mắm nguyên chất, nước muối, phụ gia tạo mùi hương, tạo màu nâu vàng, chất bảo quản... được bán với giá rất rẻ 5.000 đồng một lít.
Chủ một cơ sở sản xuất nước mắm cho hay, thông thường một lít nước mắm đạt tiêu chuẩn phải có giá 11.000-12.000 đồng, sản phẩm chất lượng giá còn cao hơn nữa. Với loại nước mắm được bán giá 5.000 đồng một lít thì chất lượng chắc chắn không đảm bảo, độ đạm hầu như không có, rất dễ trộn hóa chất tạo màu, tạo mùi.
Trước thông tin nước mắm có sử dụng chất bảo quản, chất tạo ngọt là đường hóa học cyclamte, sac-charin... phó giáo sư Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, đây là chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền...
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho rằng, rất khó nhận biết tương ớt, ớt bột nhuộm phẩm màu có chứa chất gây ung thư vì các độc chất trên không mùi, không vị. Cách duy nhất là nhận biết qua màu của sản phẩm.
Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm, mùi vị thơm ngon chứ không có màu sặc sỡ, tươi rói như được pha hóa chất. Những thực phẩm có sử dụng chất phẩm màu rhodamine B thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, màu đẹp đều, không bị phai màu trong nước.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng và đặc biệt cần chú ý thực phẩm đó có thông tin về phụ gia thực phẩm. Không nên lựa chọn các loại thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, độ bóng bất thường.
Đối với nước mắm, khi mua nên chọn những nhãn hàng uy tín, độ đạm đúng với quy định. Thông thường nước mắm từ 15 đến 30 độ đạm là phù hợp để dùng hằng ngày. Đây là thành phần quan trọng nhất của nước mắm, quyết định giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra khi mua nên lắc nhẹ chai nước mắm, nếu thấy nước chảy xuống chậm, đọng lại trên vỏ chai nghĩa là có độ đạm cao.
Để kiểm tra thật chuẩn nước mắm, mọi người nên để chai mắm đối diện với nguồn sáng, sau đó lắc chai mạnh rồi dốc ngược, nếu thấy có những cục lởn vởn từ đáy chai rơi xuống thì không nên dùng. Vì dấu hiệu kết tủa này có thể là muối và một số phụ gia khác nhà sản xuất cho vào.
Nước mắm nguyên chất thường có mùi nặng. Nước mắm có sử dụng phụ gia không tốt khi nếm thử có vị chát ở đầu lưỡi.
Theo Gia đình & Xã hội