Lo thuốc ‘bèo’ vào bệnh viện!

Lo thuốc ‘bèo’ vào bệnh viện!
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tiền thuốc nhờ đổi mới đấu thầu thuốc vào các bệnh viện, tuy nhiên giá rẻ đang đi kèm với nỗi lo về thuốc kém chất lượng, kéo dài thời gian điều trị

Lo thuốc ‘bèo’ vào bệnh viện!

Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tiền thuốc nhờ đổi mới đấu thầu thuốc vào các bệnh viện, tuy nhiên giá rẻ đang đi kèm với nỗi lo về thuốc kém chất lượng, kéo dài thời gian điều trị

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, qua thực hiện đấu thầu thuốc theo quy định mới, tiền thuốc của các bệnh viện (BV) đã giảm 15%-20%.

Bệnh nhân nhận thuốc tại nhà thuốc một bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bệnh nhân nhận thuốc tại nhà thuốc một bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH.

Giá thấp khó có thuốc tốt

Trước đây, Bộ Y tế từng công bố khảo sát nhanh kết quả trúng thầu thực hiện theo quy định mới cho thấy đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Trong đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh giảm 40 tỉ đồng, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang giảm 57 tỉ đồng… Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, dự báo số tiền mua thuốc qua đấu thầu theo quy định mới cũng giảm đáng kể so với năm 2012.

Tuy nhiên, việc chọn mua thuốc điều trị giá rẻ đang đi cùng những nỗi lo về chất lượng. Lãnh đạo một BV ở Hà Nội cho biết theo nguyên tắc đấu thầu thuốc vào BV, cùng loại, cùng hoạt chất, nếu thuốc của hãng nào có giá rẻ hơn, dù chỉ là 100 đồng, sẽ trúng thầu và không phân biệt xuất xứ của sản phẩm. Từ đó, thuốc của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ được đấu chung với sản phẩm của Mỹ, Bỉ, Ý, Anh…

Kết quả, đương nhiên thuốc của Trung Quốc, Ấn Độ với lợi thế giá rẻ sẽ trúng thầu. Như vậy, bệnh nhân sẽ bị mất cơ hội sử dụng những loại thuốc có chất lượng tốt.

Cùng quan điểm, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nếu không có thuốc tốt, những loại thuốc đặc trị, bệnh nhân có thể bị thiệt thòi vì chính sách tiết kiệm của BHYT.

“Thuốc động kinh của Ấn Độ có loại giá chỉ 4.000 đồng/viên, trong khi sản phẩm cùng loại của Anh đến 14.000 đồng/viên. Tuy nhiên, theo nhiều thầy thuốc, trên thực tế lâm sàng, thuốc giá rẻ có hiệu quả rất thấp. Có thể bệnh nhân được lợi nhờ tiền thuốc giảm nhưng thời gian điều trị lại kéo dài nên cuối cùng, chi phí điều trị chưa chắc rẻ hơn. Đó là chưa kể những rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân” - bác sĩ Hùng băn khoăn.

Cần trao quyền cho thầy thuốc

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho rằng nên trao cho thầy thuốc quyền lựa chọn những loại thuốc tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân nhưng bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải kiểm soát chặt việc dùng thuốc này là vì hoa hồng hay vì hiệu quả điều trị.

“Thuốc không có uy tín về chất lượng thì cạnh tranh về giá, thuốc đắt tiền lại lấy chất lượng làm trọng nên bệnh nhân khó tiếp cận thuốc tốt. Trong khi tính mạng người bệnh thì không phải lúc nào cũng được bảo đảm bằng sản phẩm giá rẻ” - PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết phân tích.

Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết cơ quan bảo hiểm đang lắng nghe thông tin từ các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, thực tế là giá thuốc quá rẻ, nếu kiểm soát không tốt, có thể ảnh hưởng đến đến chất lượng điều trị, cũng như chuyện “tiền nào của ấy”.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng nguyên liệu sản xuất thuốc nên được coi là tiêu chí trong quá trình xét thầu bởi đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Theo bà Phong Lan, vì giá rẻ sẽ được chấm thầu nên thời gian qua, có thông tin nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chuyển qua mua nguyên liệu của Trung Quốc thay vì nguyên liệu của châu Âu có giá đắt hơn 10 lần. “Rẻ thì có lợi nhưng đừng nghĩ đến yếu tố rẻ nhất vì giá rẻ chưa chắc đã bảo đảm về chất lượng” - bà Phong Lan lo lắng.

Nhiều kháng sinh có hàm lượng“lạ”

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, kết quả đấu thầu thuốc vào BV cho thấy một số loại thuốc kháng sinh có hàm lượng rất “lạ”. Chẳng hạn, cùng một loại thuốc kháng sinh hàm lượng phổ biến là 250 mg giá 5.000 đồng/viên và 500 mg giá 7.000 đồng/viên, gần đây xuất hiện loại hàm lượng 350 mg nhưng giá tới 8.000 đồng/viên lại được trúng thầu.

Những mặt hàng này chủ yếu là của những nước đang phát triển, chất lượng chưa được khẳng định. Nếu cố tình lựa chọn những thuốc có hàm lượng “lạ” thì đây là gian lận thương mại.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ tại địa phương đó chỉ có mặt hàng thuốc có hàm lượng “lạ” nên không có cơ sở để so sánh. Hiện BHXH Việt Nam đang yêu cầu các hội đồng thầu xét lại những thuốc có hàm lượng “lạ” cùng chất lượng để kịp thời kiểm soát.

Theo Ngọc Dung
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG